Lễ tạ mộ cuối năm là gì?
Lễ tạ mộ là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa tâm linh, tinh thần của người Việt, nhằm thể hiện sự tưởng nhớ, lòng thánh kính đối với các bậc tổ tiên trong gia đình. Với quan niệm người đã mất vẫn tiếp tục cuộc sống ở thế giới bên kia, nên lễ tạ mộ cuối năm thường được tổ chức để mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu và cảm tạ các chư vị thần linh đã cho tổ tiên nương nhờ nơi đất lành.
Ngày đẹp nhất để tạ mộ cuối năm
Tạ mộ thường làm từ 20 tháng Chạp đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, tùy phong tục tập quán và văn hóa của từng vùng miền mà thời gian tạ mộ có khác. Gia chủ có thể tham khảo ngày tốt - ngày xấu trong tháng Chạp và chọn ra ngày phù hợp với gia đình để tiến hành lễ tạ mộ cho thuận.
Từ nay tới 30 tháng Chạp còn 3 ngày đẹp nhất để làm lễ tạ mộ, giúp con cháu được tổ tiên phù hộ, năm sau tài lộc tốt hơn năm trước là:
- Ngày 24 tháng Chạp (15/1/2023)
- Ngày 26 tháng Chạp (17/1/2023)
- Ngày 28 tháng Chạp (19/1/2023)
Không có quy định cụ thể về ngày tạ mộ nên gia chủ có thể chọn ngày cho phù hợp với gia đình.
Lưu ý:
- Các ngày 23, 29 và 30 tháng Chạp là những ngày bình thường.
- Khoảng thời gian từ nay tới 30 tháng Chạp có 3 ngày xấu: Ngày 22, 25 và ngày 27 âm lịch (ngày 22 và 27 âm lịch là ngày Tam nương).
Lễ vật cúng tạ mộ
Trước khi làm lễ cúng tạ mã phải chuẩn bị, sắm toàn bộ lễ gồm có:
Hoa hồng đỏ tươi: 10 bông
3 Lá trầu, 3 quả cau (chú ý chọn cành dài và đẹp
Hoa quả: 1 mâm to
Xôi trắng: 1 mâm bên trên bày gà luộc nguyên con (Thường chọn giò hoặc là trống thiến)
Rượu trắng: 0,5 lít + Chén đựng rượu: 5 cái
10 lon bia + 2 bao thuốc lá + 2 gói chè (1 lạng/gói)
2 nến cốc màu đỏ dùng để thắp khi làm lễ.
1 cây vàng hoa đỏ
5 con ngựa 5 màu (đỏ, xanh, trắng, vàng, chàm, tím) cùng với 5 bộ mũ, áo, hia (loại to) cùng với đồ kèm theo ngựa là cờ lệnh, kiếm, roi.
Mỗi ngựa trên lưng có 10 lễ vàng tiền (một lễ gồm có tiền xu, vàng lá, tiền âm phủ các loại..)
Có 4 đĩa để tiền vàng riêng như sau:
1 đĩa để 3 đinh vàng lá, 1 đinh xu tiền
1 đĩa có 1 đinh vàng lá, 7 đinh xu tiền
1 đĩa có 9 đinh vàng lá, 1 đinh xu tiền
1 đĩa có 1 đinh xu tiền
Đối với vong linh tùy theo là nam, phụ, lão, ấu, mà có áo quần tương ứng dâng tiến cho phù hợp. Ngoài ra có tiền âm phủ các loại kèm theo, tiền xu, vàng lá…. mỗi thứ ít nhiều.
Chú ý: nếu phần mộ nhỏ thì phải có thêm mâm, thêm bàn để bày lễ lên sao cho phù hợp. Đối với nghĩa trang có nơi thờ thần linh Thổ địa riêng thì phải bày lễ hai nơi.
Trong đó lưu ý phần mã là trình bày ở nơi thờ thần linh Thổ địa. Có nơi dâng cây đại thiếc (thay vàng hoa đỏ). Ngoài ra tùy theo phong tục tập quán ở mỗi nơi mà có sự gia giảm điều chỉnh thích ứng.
Những lưu ý quan trọng khi đi tạ mộ cuối năm
- Tạ mộ vào giờ nào tùy vào điều kiện, thời tiết thuận lợi, và sức khỏe cho phép. Nhưng tốt nhất nên chọn ngày tạnh ráo, ấm áp.
- Dịp này cha mẹ hay cho trẻ đi theo tạ mộ, trước là để biết dần vị trí phần mộ, sau là tập cho trẻ kính trọng, hiếu đễ tổ tiên. Vì vậy cần tránh đi tạ mộ quá sớm bởi lúc đó sương đêm chưa tan. Cũng không nên đi quá muộn bởi chiều tối và đêm âm khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe.
- Khi thời tiết mưa gió, sấm chớp thì không nên đi tạ mộ.
- Nghi lễ tạ mộ không nên làm linh đình, tốn kém để khoe mẽ. Cũng không nặng về hình thức, đốt vàng mã lớn kiểu mê tín.
- Không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang, vì dễ bị lạnh bụng, ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa (chưa kể đến vấn đề tâm linh).
- Không nô đùa, ngồi lên những ngôi mộ vì bị coi là bất kính.
- Không tranh thủ ngồi thiền, tập dưỡng sinh, thể dục ở đó vì uế khí dễ xâm nhập vào cơ thể.
- Đi tạ mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các âm khí bám vào người và quần áo…
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Theo Hoàng Khuông/Thương hiệu và Pháp luật