Nga giải phóng châu Âu khỏi Hoàng đế Pháp Napoleon như thế nào?

Google News

Đại quân của Hoàng đế Napoleon từng tung hoành khắp châu Âu và mở rộng không ngừng Đế chế Pháp. Nhưng đội quân đó đã thất bại thảm hại trên đất Nga.

Quân đội Nga phản công, truy kích quân Napoleon ở châu Âu

Chiến dịch Hải ngoại của quân đội Nga (từ năm 1813-1814) là sự tiếp nối tự nhiên của Cuộc chiến tranh vệ quốc Nga năm 1812, trong đó Đại quân của Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte đã bị tiêu diệt hoàn toàn trên lãnh thổ rộng lớn của nước Nga.

Nga giai phong chau Au khoi Hoang de Phap Napoleon nhu the nao?

Trận chiến Leipzig giữa liên quân của Pháp và liên quân của Nga. Tranh: Moshkov.

Sĩ quan Vasily Norov mô tả lại sự khởi đầu của Chiến dịch thứ 2 này vào tháng 1/1813: “Chúng tôi bỏ lại nước Nga ở phía sau lưng và tiến quân vào những quốc gia khác, nhưng không phải để chiếm mà là để cứu họ. Cho tới lúc này, chúng tôi chiến đấu vì hòa bình của Tổ quốc và giờ đây, chúng tôi sẽ chiến đấu cho hòa bình trên toàn châu Âu”.

Lúc đó, chỉ còn ít tàn binh của Đại quân Napoleon còn sót lại. Quân đội Napoleon xâm lược Đế chế Nga vào tháng 6/1812. Tuy nhiên Napoleon đã bỏ mặc đám tàn quân này tại Nga để rút về Paris tập hợp binh mã mới.

Người Nga quyết tâm tận dụng cảnh ngộ của Napoleon để chấm dứt sự thống trị của ông ta tại châu Âu.

Quốc vụ khanh cho Sa hoàng Alexander I, Ngoại trưởng tương lai của Đế chế Nga, Karl Nesselrode, tuyên bố: “Sông Rhine, dãy núi Alps và dãy Pyrenees - những ranh giới tự nhiên của nước Pháp chứ không phải thứ nào khác nữa, sẽ là một phần của Đế chế Napoleon và sẽ vẫn thuộc ảnh hưởng trực tiếp của đế chế đó”.

Trước tiên, Alexander I có ý định lôi kéo các đồng minh chính thức của Pháp, là Phổ và Áo, về phe mình. Bị Napoleon đánh bại trong các chiến dịch quân sự trước đây, các quốc gia này buộc phải hành động theo chỉ đạo của Napoleon và thậm chí còn phải góp quân cho Napoleon chinh phạt Nga.

Nga xây dựng liên minh chống Pháp, chiến sự giằng co

Vào ngày 28/2/1813, Đế chế Nga và Phổ ký một liên minh quân sự ở Kalisz. Đến ngày 4/3, binh sĩ của hai nước cùng đánh bật lực lượng đồn trú Pháp khỏi Berlin. Một tờ báo Đức khi đó đã viết vô cùng hân hoan về chiến thắng này, về những cái ôm chặt đoàn kết, về những giọt nước mắt sung sướng.

Chiến dịch quân sự của liên quân đã rất thành công. Họ trên thực tế tiến quân mà không vấp phải sự kháng cự nào trên khắp lãnh thổ Đức. Ngoài ra, hồi tháng 1 năm đó, quân đội Nga cũng đã chiếm hoàn toàn Đại Công quốc Warsaw do Napoleon lập ra vào năm 1807 trên lãnh thổ chiếm được của Phổ và Áo.

Tình hình thay đổi sau khi Hoàng đế Pháp quay trở lại vùng chiến sự sau khi đã gây dựng được một đội quân mới. Vào tháng 5/1813, ông ta gây cho phe Đồng minh những thất bại đáng kể ở Lützen và Bautzen.

Sau đó, hai bên đồng ý đình chiến trong vài tháng. Chiến sự ngừng một thời gian và tại Praha, hòa đàm bắt đầu với sự trung gian của Áo.

Phe Đồng minh yêu cầu Hoàng đế Napoleon rút sự hiện diện quân sự và chính trị của Pháp khỏi Italy và Hà Lan, giải tán Liên bang Rhine - một tập hợp các tiểu quốc Đức phụ thuộc Pháp, chấp nhận việc giải thể Công quốc Warsaw và khôi phục triều Bourbon cho Tây Ban Nha.

Đối với vị Hoàng đế Pháp, những yêu sách này là quá lớn. Chiến tranh do vậy lại bùng nổ và lần này, Đế chế Áo cũng bắt đầu chiến đầu cùng phe với Nga và Phổ để chống lại quân Pháp.

Chiến dịch mùa Hè và mùa Thu năm 1813 mang lại những kết quả lẫn lộn cho các bên tham chiến. Napoleon đập tan lực lượng Đồng minh ở Dresden, nhưng sau đó phe Đồng minh lại đánh bại một quân đoàn do tướng Vandamme chỉ huy ở Kulm. Tại Dennewitz, họ giáng đòn nặng vào lực lượng của Thống chế Ney khi họ tiến về Berlin.

Trận quyết chiến Leipzig, lực lượng Pháp tổn thất nặng

Trận chiến quyết định của chiến dịch này cũng như của toàn bộ Liên minh thứ 6 chống Pháp là trận Leipzig diễn ra từ ngày 16 - 19/10 năm đó. Khoảng nửa triệu quân tham gia. Một bên là Pháp cùng đồng minh Italy và Đức. Bên kia là Nga, Phổ, Áo và Thụy Điển - lực lượng gia nhập trận chiến với ý đồ chiếm Na Uy của người Đan Mạch, khi ấy thân thiện với Napoleon.

Konstantin Batyushkov, phụ tá của tướng Nikolay Raevsky, viết: “Đại bác bắn phá dữ dội. Đạn pháo và lựu đạn trút như mưa. Một số khoảnh khắc giống trận Borodino. Tôi trải qua những thời khắc kinh khủng, nhất là khi viên tướng cử tôi tới các hướng khác nhau để gửi mệnh lệnh cho người Phổ, người Áo… Khi ấy tôi cưỡi ngựa qua những đống thi thể cũng như các thương binh đang chết dần... Chưa bao giờ tôi phải chứng kiến cảnh tượng như vậy”.

Vào lúc cao trào trận chiến, các vương quốc Saxony và Württemberg tung thêm quân tham gia phe chống Pháp. Đây là một trong các yếu tố chính khiến Napoleon thất bại. Ông ta đã mất tổng cộng tới 80.000 quân. Tổn thất của phe Đồng minh ước tính khoảng 54.000 người.

Sau trận Leipzig, Napoleon buộc phải rút lui bên trong lãnh thổ Pháp. Liên tục bị phe Đồng minh đánh cho tơi tả, Liên bang Rhine sụp đổ. Phe Đồng minh lúc này đã có thêm sự tham gia của Bavaria.

Đế chế Napoleon sụp đổ

Vào tháng 12/1813, quân Nga giải phóng Hà Lan. Vào tháng 1/1814, chiến sự đã diễn ra bên trong lãnh thổ Pháp. Trong trận Brienne ngày 29/1, Napoleon suýt nữa thì lĩnh trọn một cú đâm bằng giáo của đối phương khi lực lượng Cossack chọc thủng phòng tuyến Pháp. Hoàng đế Napoleon thoát chết nhờ kịp dùng gươm cá nhân chống đỡ.

Napoleon làm mọi thứ có thể để kích động “ngọn lửa chiến tranh nhân dân”. Một sắc lệnh bí mật của ông ta gửi cho cư dân ở các vùng bị chiếm có đoạn như sau: “Diệt mỗi người lính cuối cùng của quân đội Liên minh, ta hứa sẽ ban cho ngươi một sự cai trị hạnh phúc”.

Nhưng Napoleon đã không thành công trong nỗ lực kêu gọi dân chúng Pháp chiến đấu. Quân Đồng minh cố gắng tránh gây bạo lực với dân địa phương và cố gắng thuyết phục người dân rằng họ chỉ chiến đấu chống lại Napoleon chứ không phải người dân.

Mặc dù vậy, Hoàng đế Pháp cuối cùng vẫn xoay sở tung ra được một số đòn bầm dập nhằm vào kẻ thù của mình. Vào tháng 2/1814, lực lượng liên minh thua trận ở Vauchamps và Montereau. Nhưng phe Đồng minh khi ấy đã áp đảo đối phương về cả nhân lực và vũ khí.

Quân Đồng minh tấn công Paris vào ngày 30/3. Trong phe Đồng minh, quân Nga đóng vai trò nổi bật khi đánh chiếm thủ đô Pháp. Có tới hơn 6.000 lính Nga tử trận trong trận đánh đó. Ngày hôm sau, Sa hoàng Alexander I tiến vào thành phố trong thế của bên chiến thắng.

Napoleon khi đó ở bên quân đội nhỏ bé còn lại của mình cách thủ đô vài trăm kilomet nhưng ông không còn muốn giải cứu Paris. Hiểu rằng trò chơi đã kết thúc, vào ngày 6/4/1814, Napoleon thoái vị.

Kỷ nguyên Pháp thống trị châu Âu đã kết thúc như vậy.


Theo Trung Hiếu/ Dân việt