Nét đẹp văn hóa dân gian của di tích QG đặc biệt đền Xám

Google News

Được xây dựng trên đất ngôi sinh từ của Tướng quân Trần Lãm, đền Xám còn lưu giữ được vẻ đẹp kiến trúc thuần Việt cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Tọa lạc tại xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, đền Xám là 1 trong 5 di tích vừa được Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) theo Quyết định số 152/QĐ-TTg.
Ngôi đền thờ một vị tướng tài
Đền Xám thờ tướng quân Trần Lãm, một nhân vật kiệt xuất trong thời kỳ loạn 12 sứ quân ở Việt Nam thế kỷ 10. Theo tư liệu của Báo Nam Định, tướng quân Trần Lãm (907-978) có tên húy Trần Minh Công, là người gốc ở tỉnh Quảng Đông (Trung Hoa) đến đời Ngô Quyền thì dạt về phương Nam, cùng gia đình làm nghề đánh cá tại cửa biển Bố Hải Khẩu (ngày nay là tỉnh Thái Bình). Sinh thời, Trần Lãm vốn có tư chất thông minh và lòng nhân hậu nên ông là người có uy tín trong vùng.
Năm 944, Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha cướp ngôi vương. Các thế lực địa phương nổi dậy cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau làm triều đình suy yếu. Trước cảnh bạo loạn, Trần Lãm đã chiêu mộ binh lính, tập hợp lực lượng đào hào, đắp thành xây dựng căn cứ tại vùng đất Bố Hải Khẩu, phủ Kiến Xương (nay thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định), hình thành nên một trong “Thập nhị sứ quân”. Sứ quân của Trần Lãm mạnh bậc nhất trong các sứ quân lúc bấy giờ với các tướng tài như: Ngô Văn Chấn, Ngô Tất An, Bùi Quang Dũng, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Đức Học, Nguyễn Phúc…
Net dep van hoa dan gian cua di tich QG dac biet den Xam
Toàn cảnh đền Xám. Ảnh: Báo Lao Động.
Lúc này, tại vùng đất Hoa Lư (Ninh Bình), Đinh Bộ Lĩnh thấy cảnh nhân dân khổ cực vì loạn “thập nhị sứ quân” nên đã dấy cờ khởi nghĩa. Buổi đầu khởi nghĩa, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh chưa đủ mạnh. Nghe danh của Tướng quân Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh liền tìm gặp ông nhờ giúp đỡ. Là người có khí phách và tài thao lược quân sự, Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm tin tưởng cho làm tướng tiên phong và lập nhiều công lớn.
Nhận thấy tài năng của Đinh Bộ Lĩnh, Trần Lãm đã trao toàn bộ binh quyền và gả con gái Trần Nương cho Đinh Bộ Lĩnh. Năm Mậu Thìn (968), công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân giành thắng lợi, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình). Sau khi lên ngôi, Vua Đinh Tiên Hoàng đã phong cho Trần Lãm chức Phụ dực Quốc chính Thượng tướng quân.
Cuốn ngọc phả “Sứ quân ở Bố Hải Khẩu Trần Minh Công” do Tiến sĩ Lê Tung viết ngày 2/10 niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) hiện còn lưu giữ tại Đền Xám có ghi: Sinh thời, Tướng quân Trần Lãm qua xứ Lạc Đạo (nay là thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang) thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, dân cư thuần phác nên lập sinh từ, giúp người dân khơi ngòi, đắp đập, tạo dựng làng xã.
Sau khi mất, Tướng quân Trần Lãm được Vua Đinh Tiên Hoàng phong mỹ tự “Quốc đô Thành hoàng”, người dân Hồng Quang lập đền thờ phụng ông.
Nét đẹp văn hóa của ngôi đền cổ
Được xây dựng trên đất ngôi sinh từ của Tướng quân Trần Lãm, đền Xám còn lưu giữ được vẻ đẹp kiến trúc thuần Việt cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Theo Báo Nam Định, tổng thể khu di tích đến Xám gồm: Đền chính xây hình chữ “Công”; hai bên là 2 nhà giải vũ xây theo phong cách “quá giang kèo cầu”. Tiền đường của Đền gồm 5 gian với 6 bộ vì dựng theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy”. Gánh đỡ bộ mái tiền đường là 12 cột quân, trong đó 6 cột cái đặt trên chân tảng đá. Trên các đầu bẩy, xà, con rường chạm khắc rồng, lá lật.
Điểm nổi bật trong nghệ thuật điêu khắc của di tích là ở các ô cửa tiền đường với các hình tượng dân gian như: rồng chầu, phượng, nghê xen kẽ họa tiết: đao mác, lá hỏa, vân áng và các muông thú: khỉ, nai, chim, rắn… tạo thành các bức phù điêu hoàn chỉnh, mang giá trị nghệ thuật cao. Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm 3 gian, bộ vì kiểu “thượng mê hạ cốn” với nhiều mảng chạm nổi, bong kênh uốn lượn hình vân mây, hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, đầu xà theo phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.
Net dep van hoa dan gian cua di tich QG dac biet den Xam-Hinh-2
Khu đền chính của đền Xám. Ảnh: Báo Lao Động.
Để tưởng nhớ, tri ân công đức của Tướng quân Trần Lãm, lễ hội Đền Xám được chính quyền và người dân địa phương tổ chức long trọng từ ngày 17 đến 19/8 âm lịch hàng năm. Cùng với các nghi thức truyền thống như: rước kiệu, dâng hương, tế cáo, tế giao hiếu của các thôn: Lạc Đạo, Giang Tả, Vân Cù, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như: trống hội, múa lân - sư - rồng, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, bắt vịt, bơi chải…
Trong những ngày diễn ra lễ hội, sôi nổi nhất là các đêm biểu diễn văn nghệ và các cuộc thi: bơi chải, hát múa dân gian. Ngoài 2 đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), cuộc thi hát tại sân đền Xám diễn ra các tiết mục hát chèo, hát văn, hát cầu văn, ca trù… do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, quần chúng trong và ngoài tỉnh biểu diễn.
Net dep van hoa dan gian cua di tich QG dac biet den Xam-Hinh-3
Lễ hội truyền thống ở đền Xám. Ảnh: Cổng TTĐT Xã Hồng Quang.
Nét đẹp văn hóa dân gian qua các hoạt động múa hát tại sân đền đã có từ hàng trăm năm trước, mang đậm hơi thở cuộc sống nông thôn. Chính vì thế, Đền Xám còn được người dân gọi là Đình Hát. Để chuẩn bị cho các “đêm hát sân đình”, người dân đã dựng cột tre, bắc sàn gỗ làm sân khấu. Đến triều Vua Khải Định 8 (1916), người dân xây dựng một công trình lớn hơn phía trước đền để tổ chức các cuộc thi hát, múa.
Từ khi đền Xám được cải tạo, nâng cấp với quy mô bề thế như hiện nay, các cuộc thi hát, múa được tổ chức long trọng, thu hút đông đảo người dân yêu văn nghệ tham dự. Những năm gần đây, Ban tổ chức lễ hội đền Xám còn tổ chức nhiều chương trình giao lưu, thi đấu thể thao như: kéo co, bóng đá, cờ tướng, dân vũ, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân địa phương và du khách thập phương.
Thanh Bình