Những ngày này, dù bận bịu sửa sang nhà cửa để vui xuân, đón Tết, anh Trần Văn Toàn ở xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu vẫn không quên chăm nom hàng trăm con rắn hổ đất đang khoanh mình trong những chuồng xi măng, bên trên có nắp đậy kiên cố để rắn không thể thoát ra ngoài. Chuồng nào có rắn đẻ thì anh Toàn lại dùng kẹp thu gom trứng để đưa vào máy ấp nhân tạo nhằm tạo thêm nguồn con giống.
Anh Toàn cho biết, cách đây khoảng 10 năm anh bắt ngoài thiên nhiên được vài con rắn hổ đất. Do rắn còn nhỏ nên anh bỏ vào khạp nuôi thử. Không ngờ loài rắn này dễ nuôi và lớn rất nhanh. Thấy vậy, anh Toàn không bán mà tìm cách cho rắn sinh sản để gây đàn, rồi xây chuồng trên diện tích đất khoảng 100 m2 để nuôi.
|
Rắn hổ đất được người dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc liêu nuôi. |
Từ vài con rắn hổ đất ở buổi đầu, càng về sau đàn rắn của anh càng sinh sôi, đông đúc hơn. Rắn con nuôi khoảng 1 năm thì cho trọng lượng hơn 1kg và có thể xuất bán. Những năm gần đây, năm nào anh cũng xuất bán hàng trăm con rắn hổ đất thương phẩm với trọng lượng mỗi con từ hơn 1 - 4 kg, thu về hàng trăm triệu đồng.
“Một năm, một con rắn trưởng thành đẻ một lần được 18-20 trứng thì tỷ lệ ấp nở đạt cũng khoảng 70%. Khi rắn đẻ xong lấy trứng ra cho máy ấp. Mỗi năm thì tôi bán rắn thịt, còn rắn giống chủ yếu tạo ra nuôi, chưa có bán rắn giống. Hàng năm xuất chuồng khoảng 200 - 300 con. Có thời điểm bán được 750.000 - 800.000 đồng/kg. Rắn càng to thì giá càng cao” - anh Toàn chia sẻ.
Việc nuôi, chăm sóc rắn hổ đất không mất nhiều thời gian. Nguồn thức ăn cho rắn cũng dễ tìm như ốc, chuột, nhái, cóc, đặc biệt là cá rô phi ở Phước Long có rất nhiều và được bán với giá rất rẻ. Trung bình một con rắn hổ đất nặng khoảng 2 kg một lần ăn khoảng 4 con cá rô phi và sau 1 tuần mới ăn tiếp.
Do chi phí nuôi rắn hổ đất thấp nhưng giá thành rắn thương phẩm được thương lái thu mua cao, người nuôi thu được lợi nhuận nhiều nên không chỉ có những hộ dân ở xã Vĩnh Phú Tây mà còn có nhiều hộ dân ở các địa phương khác trong huyện Phước Long thực hiện mô hình này.
|
Không chỉ nuôi rắn hổ đất để bán rắn thịt thương phẩm, người dân còn cho rắn sinh sản để bán con giống.
|
Ông Nguyễn Tấn Đạt- Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Phước Long, huyện Phước Long cho biết: “Rắn hổ thì thức ăn chủ yếu là cá rô phi, cho nên bỏ chi phí ít nên lợi nhuận nhiều. Nuôi rắn hổ không tốn diện tích đất, chỉ xây hồ chừng 10 - 20 m2 là nuôi số lượng nhiều. Trên địa bàn thị trấn thì hộ nuôi rắn cũng khoảng 15 hộ, số lượng nuôi một hộ cũng vài trăm con”.
Theo ông Trương Phước Hiền- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu: Hiện toàn huyện có hơn 90 hộ nuôi nuôi rắn hổ đất với tổng đàn từ 8.000 - 10.000 con/năm. Đây là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với người trực tiếp thả nuôi và dân cư xung quanh. Do vậy, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, quản lý bà con đảm bảo an toàn trong khâu chuồng trại để rắn không thoát ra ngoài gây nguy hiểm cho người dân.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn hỗ trợ bà con thực hiện các thủ tục đúng theo qui định bởi đây là loài động vật gây nuôi có điều kiện nên khi nuôi phải được ngành chức năng cấp phép.
|
Rắn hổ đất được thương lái vào tận hộ dân nuôi thu mua với giá cao.
|
“Bà con tận dụng những khu đất xung quanh nhà xây dựng chuồng để nuôi, có những hộ nuôi nhiều nhất khoảng 2.000 con, có những hộ nuôi ít nhất cũng vài chục con. Bà con thấy mô hình con rắn hổ đất này đem lại hiệu quả cho nên bà con tiếp tục nhân rộng. Khi bà con thực hiện cái mô hình nuôi rắn này thì bà con phải đăng ký với Chi cục kiểm lâm tỉnh thì Chi cục xuống thẩm định nếu đạt yêu cầu mới cho nuôi. Đây là động vật hoang dã quý hiếm cho nên khi gây nuôi phải đảm bảo đạt yêu cầu theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qui định, nhất là Nghị định 06 của Thủ tướng Chính phủ” - ông Hiền cho biết.
Phước Long là huyện đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được công nhận nông thôn mới. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện này đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình lúa-tôm, mô hình nuôi cá sấu, le le, vịt trời, rắn ri voi, rắn ri cá, rắn hổ đất…
Việc mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng “thuận thiên” đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Hiện nay, người dân trong huyện có thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 73 triệu đồng/người/ năm và đang phấn đấu trong năm nay nâng thu nhập lên hơn 80 triệu đồng/người/năm.
Theo Tấn Phong/VOV