Sau khi Nguyễn Kim mất, để thâu tóm quyền bính, con rể ông là Trịnh Kiểm đã hãm hại con trưởng Nguyễn Uông của Nguyễn Kim.
Sợ quá, em Uông là Nguyễn Hoàng liền gặp riêng chị ruột là Ngọc Bảo (phu nhân Trịnh Kiểm) nhờ chị xin với anh rể vào Nam trấn thủ. Thấy hợp lý, vừa đẩy được Hoàng đi xa, vừa cần người giữ đất phên dậu xứ Thuận Hóa, Kiểm ưng thuận. Năm 1558, Trịnh Kiểm tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá.
Nhận chiếu lệnh, đang mùa Đông mưa rét, Nguyễn Hoàng khẩn trương xuống thuyền giong buồm khởi hành tức thời. Ông mang theo các danh thần như Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột Nguyễn Hoàng, chăm nuôi Hoàng từ khi mới 2 tuổi), Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống, Nguyễn Triều Văn... cùng các cận tướng, thân binh, họ hàng gần gũi từ huyện Tống Sơn (quê gốc Nguyễn Hoàng), quân lính đất Thanh - Nghệ.
Nhiều người trong số đó đem cả vợ, con cháu đi theo, số lượng người theo Nguyễn Hoàng lên đến hàng nghìn người. Bước qua dãy Hoành Sơn, đoàn người của Nguyễn Hoàng đổ bộ lên cảng Cửa Việt, dựng dinh thự xây thủ phủ ở Ái Tử (Cự Dinh) thuộc huyện Đăng Xương, Quảng Trị.
Trải qua chinh chiến nhiều trận, được rèn giũa binh pháp, biết thời thế, giỏi nhìn người, Nguyễn Hoàng dần được tiếng là người có khí độ đế vương, nhân ái, hiểu dân tình, trọng đãi hiền tài. Nguyễn Hoàng ra lệnh hạ sưu thuế để yên dân, thu phục lòng người, lại cắt cử tướng lĩnh luyện binh, tổ chức thủy quân thành các đội thực chiến, tiếp xúc với nhân sĩ quanh vùng để họ hiểu chính sách từ đó vận động cư dân ủng hộ ông lập nghiệp…
Giữ thế hòa hoãn, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng, tránh sự dòm ngó của chúa Trịnh, năm 1569, Nguyễn Hoàng chủ động ra chầu vua Lê ở An Trường với lời lẽ khiêm nhường và nhiều tặng vật, được cả vua Lê, chúa Trịnh đẹp lòng.
Năm 1570, Nguyễn Hoàng được giao chức trấn thủ luôn đất Quảng Nam với ấn Tổng trấn. Ông dời đô vào làng Trà Bát (tức Cát Dinh) cũng thuộc huyện Đăng Xương.
Năm 1571, anh em nhà Mỹ Lương phụ trách thu thuế xứ Thuận Hóa có công (được phong hầu) là tay chân chúa Trịnh, mật báo rằng nhân lúc Nguyễn Hoàng chưa có nền tảng vững, cần bất ngờ mộ quân tinh tráng tập kích diệt họ Nguyễn để dứt hậu họa, chúa Trịnh mừng lắm, hứa thành công sẽ trọng thưởng.
Nhưng ngay trận đầu tiên khi mới vào phương Nam, Nguyễn Hoàng vừa mới biết động tĩnh đã mang quân tiêu diệt Mỹ Lương, hai em hắn liều chết mang một số tàn binh chạy ra Bắc theo chúa Trịnh.
Tiếp ngay sau đó, chúa Nguyễn chẳng có thời gian nghỉ ngơi lâu. Ngay năm 1572, tướng Lập Bạo - một hàng tướng của nhà Mạc theo đường biển đem quân vào đóng ở hai làng Hồ Xá và Lang Uyển (Quảng Trị) theo lệnh nhà Mạc đem đông đảo chiến thuyền tiến đánh Nguyễn Hoàng.
Đích thân chúa Nguyễn Hoàng soái lĩnh tổng cộng hơn 1.500 tướng sĩ đóng gần Ái Tử (Quảng Trị) để chuẩn bị đánh trả đội quân nhà Mạc do quận công Đỗ Lập Bạo cầm đầu.
Ngoài một số quân bộ, do phó tướng chỉ huy, Đỗ Lập Bạo mang theo khoảng hơn 50 chiếc thuyền chở gần 3.000 tinh binh men theo bờ biển tiến vào Cửa Việt, Bạo là một mãnh tướng thiện chiến, tàn ác, hiếu sắc, từng lập nhiều chiến tích, nên binh tướng nhà Nguyễn đều lo lắng.
Chúa Nguyễn Hoàng cấp tốc thương nghị suốt đêm, đang họp bàn thì có tiếng cuốc kêu ở khúc sông gần bờ. Thấy thế các mưu sĩ như Nguyễn Triều Văn mở cửa nhìn ra cái doi có mấy bụi cây nổi lên trên sông. Đúng lúc ấy, lại có chim lạ kêu lên mấy tiếng "Trảo, trảo".
Mọi người bẩm với Chúa rằng: Tiếng cuốc và chim kêu phát sinh từ doi cát trên sông có diện tích to hơn mấy cái nong. Nguyễn Triều Văn chợt nảy ra một mẹo là cử người ăn nói giỏi và mỹ nhân cùng vàng lụa sang thuyền Lập Bạo xin cầu hoà, hẹn 3 ngày sau đến gần sông làm lễ kết giao.
Chúa Nguyễn Hoàng mừng lắm sai người tìm được 3 mỹ nhân, nhưng khi gặp gỡ, chúa Nguyễn Hoàng và các mưu sĩ chỉ ưng nàng Ngô Thị Ngọc Lâm (quê ở làng Thế Lại, huyện Hương Trà - Thừa Thiên), vì đáp ứng yêu cầu.
Nàng Ngọc Lâm vốn con nhà nho nghèo, bố mẹ đã mất nhưng thông minh có chí, hiểu biết, giỏi đàn hát. Nàng vốn tự biết tính cách và tướng mạo mình đa tình, bởi nàng thuộc dạng người "Má hồng don nhọn trái đào. Trai giàu tính ái, gái giàu tình nhân".
Nàng đã trải qua 2 mối tình mà chẳng đi đến kết quả gì, cho nên khi được chúa Nguyễn và quân sư nói rõ nhiệm vụ, hứa khi xong việc sẽ tìm cho một đám thật tốt để yên bề gia thất thì mừng thầm.
Nàng nghĩ, lần này là phụng mệnh chúa, giúp chúa, vả chăng coi như trải 3 cuộc tình, chắc "quá tam 3 bận" tình duyên sau này sẽ bớt truân chuyên. Nghĩ thế rồi nàng nhận lời không mấy vướng mắc trong lòng.
Quả nhiên, Lập Bạo tiếp nhận cả lời xin hoà, cả mọi lễ vật. Ông ta thích nhất lễ vật - mỹ nhân Ngọc Lâm, đồng ý sau 3 ngày sẽ đến đàn để làm lễ kết giao và yêu cầu 2 bên chỉ được mang người hầu theo.
Khi về với tên Lập Bạo, Ngọc Lâm cắn răng giả bộ vui vẻ, vâng theo các đòi hỏi của Bạo.
Chúa Nguyễn tức tốc truyền lệnh đắp đất vào chỗ doi có chim lạ kêu làm một cái đàn tế, chung quanh gần bờ đều đào hầm cho phục binh núp sẵn, trên nóc hầm đều ngụy trang che các nắp phủ cỏ rất khéo. Xong xuôi, chúa Nguyễn đích thân dẫn một tốp tuỳ tòng đến bờ sông chờ sẵn.
Đến hẹn, quả nhiên Đỗ Lập Bạo đi thuyền có cả Ngọc Lâm và vài thuyền chở lính bảo vệ đến, nhưng nhìn thấy chúa Nguyễn đứng trên bờ với một nhúm người giúp việc hội thề nên không nghi ngờ gì nữa, Bạo khoát tay cho mấy thuyền to đứng yên bảo vệ từ xa, còn mình cùng Ngọc Lâm và vài tên cận vệ đi đến chỗ đàn tế lễ.
Vừa bước khỏi thuyền tiến vào đàn tế thì phục binh của chúa Nguyễn khắp nơi từ ngay tại đàn tế, từ sát bờ sông đều nhảy lên bắt Lập Bạo. Bạo tuy dũng mãnh nhưng bất ngờ đành lao bổ xuống sông tìm đường thoát, nhưng không kịp. Những mũi tên cùng hàng chục mũi giáo, mũi kiếm phóng xuống đã làm Bạo thiệt mạng.
Chúa Nguyễn nhân cơ hội đó liền lệnh cho các tướng dẫn binh tiến đánh cả trên bộ lẫn trại thuyền của địch, quân của Lập Bạo mất chủ tướng gắng gượng được một lúc rồi phải đầu hàng.
Nguyễn Hoàng và các tướng dồn toàn bộ mấy ngàn tên bại trận lên địa phận Cồn Tiên (xã Hải Thái, Gio Linh, Quảng Trị ngày nay). Chúa tha chết cho tất cả và giao cho họ việc khai phá đất đai để trồng hồ tiêu, chè, nông sản khác, sau cả khu vực trở nên phồn thịnh, bèn tổ chức thành 36 phường.
Khi về đến triều bàn định xét công ban thưởng, chúa rất khen ngợi nàng Ngọc Lâm. Chúa hỏi viên quan tên Võ Doãn Trung đang làm Phó đoan sự vệ của vệ Thiên Võ, một người khoẻ mạnh, tính tình thẳng thắn, đơn giản, vô tư có ưng nàng Ngọc Lâm không thì Doãn Trung kính cẩn xin tuân vương mệnh và lạy tạ. Chúa rất đẹp lòng liền đứng ra làm đám cưới cho Doãn Trung và Ngọc Lâm.
Có gia đình riêng, Ngọc Lâm chú ý đến bổn phận, chịu khó giúp chồng con, nên tuy có va chạm đôi chút trong đời sống vợ chồng, nhưng họ làm lành với nhau được ngay. Thỉnh thoảng vào một số dịp lễ hội, gia đình nàng còn được vinh dự chúa ban đặc ân mời dự hoặc được tặng quà quý.
Theo PV/Giáo dục & Thời đại