Chân Mật sinh tháng 12 năm Quang Hòa thứ 5 (năm 182), tại huyện Vô Cực, Trung Sơn (nay là huyện Vô Cực, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc).
Chân Mật vốn ngoan ngoãn, hiền lành, từ nhỏ đã chăm nghề nữ công gia chánh, không màng đến chuyện thị phi, ong bướm. Sau này, khi Chân Mật lớn lên cũng là lúc Viên Thiệu đã trở thành chúa của toàn bộ Hà Bắc. Nghe tiếng Chân Mật từ lâu, Viên Thiệu cho người đến dạm hỏi nàng cho con trai mình là Viên Hy.
Với danh tiếng về sắc đẹp “Lạc Thần” của Chân Mật, từ lâu Tào Tháo đã chú ý đến mỹ nhân này. Khi thắng trận và tiêu diệt Viên gia, Tào Tháo đã tính bắt Chân Mật về làm thiếp thất dưới trướng của mình.
Tuy nhiên việc quân cấp bách, bộn bề, khi mới bình định được Hà Bắc, Tào Tháo còn chưa kịp nghĩ đến Chân Mật thì các con của ông đã đi trước một bước. Ngay sau khi công hạ Nghiệp Thành, Tào Phi, con trai Tào Tháo đã dẫn hơn 1.000 quân bản bộ kéo ùa vào dinh phủ họ Viên. Tào Phi lấy cớ là bảo vệ an toàn cho gia quyến của Viên Thiệu, vẫn thường hay ra vào phủ họ Viên, tìm dịp để gặp Chân Mật. Vợ của Viên Thiệu khi ấy dò được ý tứ của Tào Phi nên chủ động dâng con dâu của mình cho họ Tào để đổi lấy bình an, bất chấp con trai Viên Hy vẫn còn sống.
Tào Tháo nhìn qua dáng vẻ của Chân Mật, cứ tấm tắc khen mãi: “Thực xứng là con dâu họ Tào!”. Dù tiếc đứt ruột nhưng Tào Tháo đành chấp nhận cho con trưởng của mình cưới Chân Mật.
Cuộc hôn nhân của Chân Mật với Tào Phi hạnh phúc chỉ trong vài năm đầu tiên, bà sinh cho Tào Phi một con trai và một con gái. Thời gian này Chân Mật rất được Tào Phi sủng ai, nàng cũng hết mực hiếu thảo với mẹ chồng.
Sau khi lên ngôi vua, Tào Phi luôn được các mỹ nhân vây quanh, dần dần, ông xa cách người vợ chính thất Chân phu nhân, chuyển sang sủng ái Quý tần Quách Nữ vương.
Tào Thực, một con trai khác của Tào Tháo vốn thầm yêu Chân Mật. Chân Mật vì bị Tào Phi lạnh nhạt nên trong tâm vô cùng khổ sở, cũng rất muốn có một tri kỷ, tri âm. Tào Thực văn hay chữ tốt, tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, Chân Mật cũng có lòng yêu thi ca, cái đẹp. Hai tâm hồn dung hòa với nhau nhưng cũng chỉ biết trao gửi qua những cái nhìn lén, cuối mắt đầu ngài mà thôi.
Sau khi Chân Mật mất, Tào Thực viết “Lạc thần phú”. Có người cho rằng bài phú này chính là Tào Thực ca tụng Chân Mật. Tương truyền, bình sinh Tào Thực không lúc nào nguôi nghĩ tới Chân Mật, ngay cả trong mơ cũng gặp nàng.
Theo Dương Huyền/Công lý & xã hội