Một góc nhìn về lịch sử triều Nguyễn

Google News

Lịch sử, trong đó có lịch sử triều Nguyễn, nếu được xem xét một cách khách quan dưới ánh sáng khoa học sẽ giúp công chúng có thêm đánh giá, chiêm nghiệm, suy ngẫm xác đáng hơn.

Mot goc nhin ve lich su trieu Nguyen

Giao lưu ra mắt tiểu thuyết lịch sử Công chúa Đồng Xuân chiều 28/1 tại Hà Nội.

Từ ba nguồn chính là tư liệu lịch sử, truyền ngôn trong dân gian và tưởng tượng của mình, các nhân vật, câu chuyện thâm cung bí sử triều Nguyễn đã được nhà văn Trần Thùy Mai phóng tác bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu và gần đây là Công chúa Đồng Xuân (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam).

Theo nhà văn Trần Thùy Mai, triều Nguyễn, nhất là giai đoạn 1858-1885, khi người Pháp bắt đầu đánh chiếm và chính thức cai trị nước ta, đã xảy ra nhiều biến cố lớn, xoay quanh hai xung đột: giữa Đại Nam và Pháp, giữa phái chủ chiến - chủ hòa trong triều đình, sĩ phu và dân chúng. Trong một thời gian dài, chúng ta đã tuyệt đối hóa phái chủ chiến, xem phái chủ hòa là xấu xa, bán nước… Từ đó mặc định, chủ chiến là chính nghĩa, yêu nước; chủ hòa là phi nghĩa.

“Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn mới thấy hai phái mặc dù có lý do và suy nghĩ khác nhau, song đều mưu cầu cho vận mệnh đất nước. Kể câu chuyện này, tôi muốn dựng lại không khí của thời đại, trong đó mỗi người có tâm trạng, suy nghĩ, để lại những bài học cho hôm nay.

Sâu xa hơn, những kiến giải nhằm giúp người đọc thay đổi quan điểm phân biệt đơn giản như trên, để thấy chúng ta đã có lúc lúng túng khi đánh giá những nhân vật chủ hòa, chủ chiến. [...]

Đó là điều rất không nên, vì khi biện minh cho những hành vi chưa đúng là ta đã nuôi dưỡng suy nghĩ khác trong lòng thế hệ tương lai”, nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ tại buổi ra mắt bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân chiều 28/1.

Dựng lại bức tranh người Việt đương đầu với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp trong cuốn Công chúa Đồng Xuân, tác giả Trần Thùy Mai bắt đầu từ vụ án Đồng Xuân, thời điểm đánh dấu sự kết thúc xung đột giữa hai phái chủ hòa và chủ chiến. Đồng Xuân bị sa vào sự phân tranh của quyền lực, khi triều đình nhà Nguyễn phần đông là chủ hòa với phía Tôn Thất Thuyết chủ trương chiến đấu.

Nhà văn cho biết truyện khá rắc rối do yếu tố phân tranh quyền lực căng thẳng giữa hai phái, mà công chúa Đồng Xuân rơi vào. Song nếu nhìn trên quan điểm của pháp luật hiện nay, không có chứng cứ để kết tội người trong cuộc.

“Câu chuyện thật đau xót, minh chứng tác động của chính trường ảnh hưởng đến những xét xử vội vàng, thiếu nhân đạo. Tôi muốn viết lại với suy nghĩ truyền tải tư tưởng, cảm xúc từ truyện xưa để thấy ở hoàn cảnh thời bình, trước sự thật, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Theo nhà văn Uông Triều, chính sử nhà Nguyễn sau một thời gian được đánh giá thận trọng, dè dặt, gần đây không còn phiến diện, tiêu cực mà có sự bình tĩnh, khách quan dưới ánh sáng khoa học. Theo đó, văn học cũng bắt kịp xu hướng này với những nhìn nhận minh bạch hơn.

“Trong tâm thức của tôi, tiểu thuyết lịch sử thành công có vai trò lớn của tác giả văn học, người kể chuyện lịch sử. Trần Thùy Mai và cuốn tiểu thuyết tiệm cận lịch sử nhà Nguyễn với chiều kích rộng và sâu sắc khiến tôi thay đổi quan điểm, có sự đồng cảm với các nhân vật”.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải - tác giả của 2 bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Tám triều vua Lý và Bão táp triều Trần - khẳng định, trong bối cảnh hiện tại, với vai trò sáng tạo và hư cấu dựa trên tư liệu lịch sử, các nhà văn đã có những kiến giải khách quan, công bằng; viết lịch sử đúng nghĩa là tiểu thuyết lịch sử mà không phụ thuộc lịch sử, giải mã lịch sử mà không làm "tay sai" cho người chép sử.

Nhà văn cho độc giả thấy gương mặt thật của lịch sử, để tác phẩm đứng vững trong lòng công chúng. Với tác phẩm của mình, các nhà văn trong đó có Trần Thùy Mai đã đưa đến cho độc giả đương thời nhiều thông điệp văn hóa cách đây hàng trăm năm, từ khí thế đánh giặc đầy hứng khởi, tinh thần dũng cảm của tướng sĩ và bề tôi, sự kính vua, yêu nước… thật đáng trân trọng.

 

Lật lại vụ án tai tiếng của một công chúa triều Nguyễn

Một trong những vụ án tai tiếng bậc nhất triều Nguyễn - vụ xử tội "hòa gian" của Công chúa Đồng Xuân - được nhà văn Trần Thùy Mai tái hiện trong bộ tiểu thuyết mới.

08:46 3/1/2023

 

'Từ Dụ thái hậu' đoạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết

Tác phẩm của Trần Thùy Mai lấy bối cảnh hậu cung nhà Nguyễn được vinh danh tại cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm (2016-2019).

18:12 11/11/2020