Trong truyện bối cảnh truyện kiếm hiệp Kim Dung, Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Khưu Xứ Cơ học trò của ông trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp kể lại. Vương Trùng Dương có ngoại hiệu Trung Thần Thông, võ công vô địch thiên hạ. Ông chiến thắng ở Hoa Sơn luận kiếm lần đầu, do đó giành được bộ bí kíp Cửu âm chân kinh.
Trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, khi gặp gỡ Quách Tĩnh trên núi Toàn Chân, Khưu Xứ Cơ có nói về Lâm Triều Anh qua bài thơ được khắc trên đá. Ông ta nói người viết trên đó là nhân vật kiệt xuất trong võ lâm, thân thế vô cùng đặc biệt, văn võ toàn tài, phiêu dật tuyệt luân, tuy không phải là thần tiên, song cũng là nhân kiệt trăm năm mới có.
Lâm Triều Anh vốn có tình ý, muốn sau này kết phu thê với Vương Trùng Dương, nhưng vì sự nghiệp chống giặc chưa thành nên Vương Trùng Dương dù biết vẫn cố né tránh chuyện này, khiến cho Lâm Triều Anh đau khổ, hẹn tỷ võ trên núi Chung Nam.
Sau khi thua cược Vương Trùng Dương đã dọn ra ngoài cho Lâm Triều Anh ở Cổ mộ, còn ông thì xuất gia dựng một đạo quán ở bên cạnh nàng, đạo quán ấy là tiền thân của cung Trùng Dương, thuộc Toàn Chân giáo sau này.
Sau khi vào cư trú ở Cổ mộ, Lâm Triều Anh tìm hiểu một số môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc nữ tâm kinh.
Ngọc nữ tâm kinh là môn võ công mà Lâm Triều Anh dành cả đời mình trong Cổ mộ viết nên, cốt chỉ để khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân.
Có một lần sau khi Lâm Triều Anh qua đời trong Cổ mộ, Vương Trùng Dương có đến ngôi Cổ mộ và thấy võ công Ngọc nữ tâm kinh được Lâm Triều Anh khắc lên hết sức tinh vi ảo diệu, mỗi chiêu đều là khắc tinh của võ công phái Toàn Chân, thì bất giác tái mặt, lập tức rời tòa nhà mồ, vào rừng sâu, ba năm liền không xuống núi, nghiền ngẫm cách hóa giải Ngọc nữ tâm kinh, tuy một số chỗ có thành tựu, nhưng cuối cùng vẫn không tạo thành một bộ võ công hoàn chỉnh. Khâm phục tài trí của Lâm Triều Anh, cam bái hạ phong, không nghiên cứu nữa.
Ngọc nữ tâm kinh là khắc tinh của Toàn Chân kiếm pháp, chiêu thức nào cũng áp đảo chiêu thức của phái Toàn Chân, bước nào cũng đối đầu và chiếm tiên cơ, Toàn Chân kiếm pháp bất kể biến hóa cách nào, cũng không thoát nổi sự chế ngự của Ngọc nữ tâm kinh.
Sau lần Hoa Sơn luận kiếm lần đầu, Vương Trùng Dương trở thành thiên hạ đệ nhất, sở hữu Cửu âm chân kinh, ông xem qua và dựa vào đó nghĩ ra cách hóa giải được Ngọc nữ tâm kinh nên đã đem Cửu âm chân kinh khắc trong mộ để hậu nhân của phái Cổ mộ biết được.
Có điều là Vương Trùng Dương cho rằng, Ngọc nữ tâm kinh là do Lâm Triều Anh tự sáng tạo ra, còn mình thì phải dựa vào di thư của người khác, so ra kém một bậc, nên sau đó ông ta tự khiêm nhường, thường dặn đệ tử phải theo cái đạo nghiêm khắc với mình, nhường nhịn người khác, nhận phần thiệt thòi.
Theo Nguoiduatin