Ngô Trí Hòa (1565-1625) người xã Lý Trai, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, xứ Nghệ An (nay thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Nhâm Thìn (1592) đời Lê Thế Tông, khi 28 tuổi.
Khoa thi năm đó triều đình chỉ lấy 3 người đỗ là Trịnh Cảnh Thụy người xã Chân Bái, huyện Yên Định, trấn Thanh Hoa (nay thuộc huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa) và Ngô Trí Hòa cùng đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; còn cha của Ngô Chí Hòa là Ngô Trí Tri đỗ Đệ tam giáp giáp tiến sĩ xuất thân. Ca ngợi về việc cha và con cùng thi đỗ một khoa nên sau này có câu rằng:
Trung hiếu lưỡng toàn huân hách dịch,
Nhất môn phụ tử bảng liên đồng.
Nghĩa là:
Trung hiếu đôi đường danh chói lọi,
Cha con cùng được ghi bảng vàng.
Vua Lê Thế Tông cũng cho là việc xưa nay hiếm, cảm phục tài cao học rộng của hai cha con họ Ngô nên đã tặng bức trướng lụa đề mười chữ vàng và sai người mang từ Thăng Long về quê trong dịp họ vinh quy bái tổ:
Khoa danh thiên hạ hữu,
Phụ tử thế gian vô.
Nghĩa là:
Khoa danh thiên hạ thiếu chi,
Cha con đồng bảng đồng thì mấy ai.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, tác giả Phan Huy Chú viết về Ngô Trí Hòa như sau: “Ông học vấn hơn người, chính thuật có thừa, trải khắp trong ngoài đối xử chỗ nào cũng vừa; công lao tiếng tăm rõ rệt. Lại là bậc danh thần của ba triều, cha con đồng khoa, phúc nhà lâu dài, càng là việc xưa nay ít thấy”.
|
Trò chuyện tâm tình suốt canh thâu. Hình minh họa – Nguồn: mythuatvn. |
Ngô Trí Hòa có một câu chuyện tình rất kỳ lạ được sách Thính văn di lục ghi chép trong mục Tiền kiếp luân hồi truyện; sau này tác giả sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cũng chép lại với truyện “Duyên nợ tái sinh” đại lược như sau:
Ngô Trí Hòa thời trai trẻ tới kinh đô học thi, ở trọ tại nhà một người lính ở xã Nhân Mục (nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội). Bên hàng xóm có một cô gái 18 tuổi, con gái một người binh phiên. Hai người gặp gỡ và yêu nhau, thề thốt sẽ gắn bó trọn đời.
Cha mẹ cô gái không biết chuyện cô yêu Ngô Trí Hòa, hứa gả cho một nhà môn đang hộ đối trong làng nhưng cô không chịu. Bị cha mẹ ép, đêm trước hôm cưới cô gái trốn sang nhà trọ của Ngô Trí Hòa tình tự và than khóc. Tới gần sáng, cô gái nhân lúc Ngô Trí Hòa ngoảnh đi bèn uống thuốc độc tự vẫn. Ngô Trí Hòa đau đớn, lấy bút son viết vào tay người yêu 10 chữ:
Thử duyên kim vị liễu,
Nguyện kết hậu sinh duyên.
Dịch thơ:
Kiếp này duyên đã lỡ duyên,
Quyết xin giữ trọn lời nguyền kiếp sau.
Sợ bị truy trách nhiệm, Ngô Trí Hòa lấy cuốc thuổng đào huyệt chôn người yêu ngay dưới gầm giường mình nằm. Người binh phiên không biết con gái đi đâu cũng không truy cứu được, còn Ngô Trí Hòa sau đó đi trọ nơi khác.
|
Bàn tay ghi dòng chữ. Hình minh họa – Nguồn: comicola.com.
|
Mười năm sau, Ngô Trí Hòa đã lấy vợ và đỗ tiến sĩ, được phong làm Tả tham chính ở Sơn Tây. Làm quan ở Sơn Tây chừng 6 - 7 năm, một hôm ông trông thấy người con gái bán trầu ngoài công đường chừng 16 - 17 tuổi. Thuộc hạ cho ông biết cô gái trong vùng được mọi người biết đến vì có 2 câu thơ bằng son trong tay, không tẩy đi được.
Ngô Trí Hòa nghe vậy lấy làm ngạc nhiên bèn cho người gọi cô gái vào xem tay, nhận ra chính là nét chữ của mình, biết cô gái là kiếp sau của người yêu cũ. Ông bèn mời cha mẹ cô gái đến kể lại mọi chuyện rồi đem sính lễ đến hỏi lấy cô gái làm vợ thứ.
Lúc đó người binh phiên cha của người yêu cũ của Ngô Trí Hòa đã được thăng làm Trưởng lại ở Thừa ty xứ Sơn Nam, nghe ông kể lại chuyện xưa mới rõ về con gái mình. Từ đó hai người coi trọng nhau như thân thuộc, Ngô Trí Hòa rất tôn kính viên Trưởng lại, vì chuyện này mà người đời gọi đó là bố vợ vờ (giả phụ ông), còn gọi Ngô Trí Hòa là anh rể vờ (giả nữ tế).
Ngô Trí Hòa làm quan đến chức Hiệp mưu Tá lý Dực vận Tán trị công thần, Thượng thư Bộ Hộ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Thiếu bảo, tước Phú Xuân hầu và từng đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
Do bệnh nặng, ngày 21 tháng 11 năm Ất Sửu (1625), Ngô Trí Hòa mất, thọ 61 tuổi, triều đình cho lập đền thờ và truy tặng cho ông là: Quang ý dực bảo trung hưng, Lê triều tiến sỹ, thiếu phó Xuân quận công, Ngô tướng công trung đẳng thần.
Lê Thái Dũng