Để đảm bảo các hoạt động sống diễn ra bên trong cơ thể, chúng ta sẽ có những chỉ số giới hạn, nếu vượt qua tức là sức khỏe đã và đang bị đe dọa. Chỉ số máu nhiễm mỡ cũng là một giới hạn, để biết chính xác, bạn cần tiến hành xét nghiệm 3 chỉ số sau:
- Chỉ số cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L tương ứng với 240 mg/dL là không an toàn.
- Chỉ số LDL-cholesterol > 4,1 mmol/L tương ứng với 160 mg/dL là không an toàn.
- Triglyceride nếu > 2,3 mmol/L tương ứng với 200 mg/dL sẽ không an toàn.
Nếu kết quả xét nghiệm vượt qua ngưỡng giới hạn, bệnh máu nhiễm mỡ sẽ xuất hiện, tùy từng người mà sự tăng lên hay vượt quá giới hạn sẽ khác nhau.
Thành phần quan trọng của mỡ máu đó là triglycerid, còn được gọi là chất béo trung tính, đóng vai trò quan trọng như là nguồn cung cấp năng lượng và chuyên chở các chất béo trong quá trình trao đổi chất. Nhưng nếu chỉ số tăng cao sẽ gây xơ vữa mạch. Tăng triglycerid thường gặp ở người bị béo phì, lười vận động, đái tháo đường, uống nhiều rượu bia và hút nhiều thuốc lá. Những người bị tăng chỉ số này thường kéo theo tăng cholesterol toàn phần , tăng cholesterol có hại LDL và giảm cholesterol có lợi HDL.
Mỡ máu cao nên ăn gì?
Chế độ ăn uống cùng sinh hoạt cực kỳ quan trọng đối với người bị mỡ máu cao. Để không có nguy cơ tăng mỡ máu trong cơ thể, bạn nên ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây mọng nước. Bởi trong rau và trái cây chứa nhiều vi chất và chất xơ tự nhiên giúp tiêu hóa thuận lợi, đặc biệt rất tốt cho máu. Một số thực phẩm có thể giúp làm giảm cholesterol như : Gừng, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, tỏi, chế phẩm từ đậu ...
Nên bổ sung ăn thịt trắng thay vì thì đỏ, chẳng hạn như cá, mỗi tuần nên ăn từ 2-3 bữa cá thay thịt, đặc biệt với người cao tuổi. Nên dùng dầu thực vật thay vì mỡ động vật để nấu ăn.
Để hạn chế sự tăng lượng cholesterol và triglycerid trong máu, nên hạn chế ăn đồ chiên/xào, nội tạng động vật (nhất là óc, thận, tim, gan), gạch cua , các loại thịt đỏ chứa nhiều chất béo; không nên ăn da gà, vịt, ngan. Không nên ăn nhiều đồ ngọt như mứt , kẹo , nước ngọt , kem... Không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá.
Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, bạn cần tăng cường rèn luyện thể dục thể thao đều đặn, phù hợp với sức khỏe và điều kiện bản thân. Đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện cũng như có những biện pháp điều chỉnh phù hợp với tình trạng của bản thân.