Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. Là một trong những nhân vật nổi danh nhất thời Tam quốc, cuộc đời hào hùng của Tào Tháo cho tới ngày nay vẫn khiến hậu thế không khỏi ngưỡng mộ.
Thế nhưng giữa thời buổi hùng tài vô số lúc bấy giờ, Mã Siêu một trong Ngũ Hổ Thượng Tướng nhà Thục từng khiến vị quân chủ kiêu hùng như Tào Tháo phải làm ra đủ loại hành động nhục nhã chỉ để chạy thoát thân.
|
Tạo hình Mã Siêu trên phim. |
Mã Siêu (176-222) tự Mạnh Khởi là một trong Ngũ Hổ Thượng Tướng của nhà Thục Hán gồm có: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung. Trong truyện Tam quốc ông là một vị võ tướng của nhà Thục Hán vào cuối đời Đông Hán, hậu duệ của Phục Ba tướng quân Mã Viện.
Phác họa hình ảnh Mã Siêu. La Quán Trung mô tả: "Mã Siêu viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài"
Ông là một chiến binh dũng cảm, một vị võ tướng uy danh trong lịch sử thời Tam quốc. Ông có tài bắn tên, có lối đánh thần tốc và trong mỗi trận đánh thường xung phong đi đầu, rồi rút lui sau để bảo vệ an toàn cho quân lính.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Mã Siêu được miêu tả là một hổ tướng sức địch muôn người, được Tào Tháo và Dương Phụ ví như Lã Bố tái thế, Khổng Minh so sánh với Kình Bố, Bành Việt.
Sức mạnh và sự uy dũng của ông được thể hiện trong những trận chiến đã tham gia, đặc biệt là hai trận đánh tay đôi với Hứa Chử - viên hổ tướng mạnh nhất của quân Ngụy và Trương Phi - Một trong Ngũ Hổ tướng của Nhà Thục. Hai trận đánh tay đôi của Mã Siêu với Hứa Chử và Trương Phi là hai trong những trận đấu tướng hay nhất, hấp dẫn và kịch tính nhất trong Tam quốc.
|
Mã Siêu với Hứa Chử. |
Cuộc đọ sức giữa Mã Siêu và Trương Phi năm 214 thực sự là cuộc đấu song hùng kỳ hiệp. Sau khi đánh được hai mươi hiệp, Mã Siêu nghĩ ra một mẹo, liền quay ngựa chạy, Trương Phi đuổi theo thì Mã Siêu ngầm rút cây trùy đồng bên mình dùng thế hồi mã thương mà vụt lại.
Trương Phi tuy đuổi mà vẫn đề phòng nên tránh kịp cây trùy nặng cả ngàn cân; truỳ đồng chỉ bay sạt qua mang tai. Trương Phi lại quay ngựa chạy về. Mã Siêu lại đuổi theo. Bất ngờ, Trương Phi bắn một phát, nhưng Mã Siêu liếc mắt, nhanh như chớp ngã người tránh né. Sau đó hai tướng tạm buông nhau ai về trận nấy.
Tào Tháo rất mực kiêng dè Mã Siêu
Có đánh giá nhận định rằng, Mã Siêu là một trong số những nhân vật nổi danh nhưng lại có cuộc đời và kết cục đáng tiếc nhất trong giai đoạn Tam quốc.
Bởi lẽ, Mã Siêu vốn xuất thân từ một gia tộc lớn, nhưng cả nhà trên dưới 200 nhân mạng đã bị Tào Tháo tru di tam tộc. Chính vì mối thù diệt môn này mà vị tướng họ Mã ấy vô cùng căm hận Tào Tháo.
|
Mã Siêu khiến Tào Tháo không chỉ thua trận chạy dài mà còn làm ra đủ chuyện nhục nhã chính là Mã Siêu. Luận về mưu lược và võ nghệ, tài năng của Mã Siêu là điều không cần bàn cãi. |
Trong trận chiến ở Đồng Quan, vị danh tướng này đã từng chỉ ra nhược điểm của quân Tào là quân lương không đủ, tiếp tế khó khăn, nhiều lần đề nghị cắt đứt đường chuyển lương của địch, chỉ tiếc rằng Hàn Toại không nghe.
Khi nghe được việc này, Tào Tháo từng vì khiếp sợ mà thốt lên rằng: “Thằng ranh họ Mã không chết, ta chết không có đất mà chôn”.
Từ câu nói này có thể thấy, Tào Tháo rất mực kiêng dè Mã Siêu, thậm chí còn có phần thống hận nhân vật ấy.
Nếu đánh giá về tài năng võ thuật của vị tướng họ Mã, không ít người cho rằng ông chỉ đứng sau nhân vật “vô địch thiên hạ” là Lữ Bố.
Tam quốc chí chép lại trận chiến Đồng Quan khi Mã Siêu chống lại Tào Tháo, thuở chưa theo Lưu Bị như sau: Mã Siêu hợp toàn quân cùng với Hàn Toại hợp quân, gặp được Dương Thu, Lý Kham, Thành Nghi tiến đánh Đồng Quan và mang tiếng làm phản Triều Đình.
Khi đó gia tộc Mã Siêu vẫn ở Triều Đình nhưng ông vẫn quyết khởi binh đánh Đồng Quan. Đó là lý do gia tộc ông bị Tào Tháo sát hại.
Trong trận Đồng Quan, Mã Siêu và Hàn Toại cùng với tám tướng ở vùng Quan Trung hợp thành liên minh Quan Trung để chống lại triều đình với hơn 10 vạn binh mã các lộ quân.
Quân đội triều đình nhà Hán do Tào Tháo thống lĩnh cũng đã cử nhiều tướng tài tham chiến như: Hứa Chử, Hạ Hầu Uyên, Từ Hoảng, Trương Cáp, Tào Nhân, Chu Linh…
Hai bên tham chiến đã có những trận đụng độ quyết liệt ở Đồng Quan, Vị Thủy, Vị Nam, Đồ Bản…. Trong trận chiến này, Mã Siêu tỏ ra anh dũng thiện chiến, túc trí đa mưu, nhiều lần đánh bại quân Tào Tháo trong các trận đánh tại Đồng Quan, Vị Thủy.
|
Mã Siêu mang trong mình mối thù diệt môn với Tào Tháo. |
Trong đó sử sách cho biết Mã Siêu đã cầm cự bất phân thắng bại với Tào Tháo, "giữ vững Hà, Đồng", thậm chí ba lần suýt bắt và giết được Tào Tháo trong các trận Vị Thủy và Đồng Quan nếu không có sự xuất sắc của hổ tướng Hứa Chử.
Sự dũng mãnh, thiện chiến và mưu trí của Mã Siêu đã khiến cho Tào Tháo phải bức xúc thốt lên rằng: “Thằng ranh họ Mã chẳng chết, ta chết không có đất mà chôn".
Cũng trong trận đại chiến Đồng Quan, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa từng xây dựng nên chi tiết Tào Tháo phải “cắt râu, cởi áo” để chạy trốn khỏi Mã Siêu.
Theo đó, Tào Tháo bấy giờ có dịp giao chiến cùng danh tướng họ Mã, nhưng lại bị Mã Siêu đánh cho đại bại mà bỏ chạy.
Trong lúc truy tìm Tào Tháo giữa nơi hỗn chiến, Mã Siêu kêu lớn: “Kẻ khoác áo đỏ chính là Tào Tháo”.
Nghe thấy vậy, Tào sợ đến nỗi phải vứt bỏ chiếc trường bào ấy.
Mã Siêu thấy vậy, tiếp tục hét lớn: “Tên râu dài chính là Tào Tháo”.
Để có thể chạy thoát thân, Tào đành vội vàng cắt đi bộ râu của mình.
Mã Siêu lại lập tức nói lớn: “Kẻ râu ngắn chính là Tào Tháo”.
Lúc này, vị quân chủ khét tiếng kia chẳng thể làm ra chiêu nào khác, chỉ đành vội vã bỏ chạy. Nhưng dù như vậy, ông vẫn không thoát khỏi sự truy kích của danh tướng họ Mã. Bấy giờ, nếu không có Tào Hồng kịp thời giải vây, chỉ e rằng Tào Tháo đã chẳng thể toàn mạng.
Người có thể khiến một bậc quân chủ kiêu hùng như Tào Tháo làm ra đủ loại hành động nhục nhã như vậy chỉ để chạy thoát thân vốn không nhiều, mà Mã Siêu chính là một trong số đó.
Sau khi lập nhiều công lao cho nhà Thục, ông được Lưu Bị phong tước và giao nhiều trọng trách quan trọng. Cuộc đời chinh chiến của ông rất hiển hách, lập nhiều chiến công vang dội, uy trấn cả vùng Tây Bắc Trung Quốc, dù vậy điều đáng tiếc nhất là ông không trả được nợ giết gia đình từ Tào Tháo.
Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin