Mảnh sót lại của cuốn sách có từ thế kỷ 3 trước Công nguyên

Google News

Các chuyên gia tại Thư viện trường Đại học Graz (Áo) mới đây đã tìm thấy một mảnh sách cổ có nguồn gốc từ thế kỷ 3 trước Công nguyên.

Manh sot lai cua cuon sach co tu the ky 3 truoc Cong nguyen

Mảnh sách cổ được trưng bày tại thư viện trường Đại học Graz. Ảnh: Đại học Graz.

Vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Nhà thơ người La Mã Martials từng ca ngợi về những cuốn sách nhỏ tại cửa hàng của đền thờ tại Rome. Độ nhỏ của cuốn sách được Martials ví như chỉ đặt trong lòng bàn tay chứ không phải đựng trong những chiếc hộp cồng kềnh to lớn như các cuộn giấy lúc bấy giờ. Theo các học giả, mô tả của Martials giống một cuốn sách hiện đại. Trong suốt hai thế kỷ tiếp theo, không còn một mô tả nào như vậy được tìm ra nữa.

Tuy nhiên, lịch sử về sự xuất hiện của sách có thể phải thay đổi sau khi các chuyên gia tại Thư viện trường Đại học Graz đã tìm ra một mảnh giấy còn sót lại của một cuốn sách cổ được xác định đã xuất hiện vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Mảnh sách này được cho rằng có xuất xứ từ Ai Cập và ra đời trước cả kiểu cuộn giấy (codex).

Mảnh sách cổ này đã được khai quật tại nghĩa địa El Hiba vào năm 1902 và được bảo quản tại Đại học Graz. Nó có chiều dài 15 cm và chiều rộng 25 cm. Chất giấy của cuốn sách này giống với loại giấy bồi được dùng để bọc xác ướp.

Theresa Zammit Lupi, một nhà bảo tồn chuyên về các tài liệu bằng văn bản cổ, cho biết rằng đây là một phát hiện bất ngờ khi cô đang thực hiện công việc hàng ngày của mình. "Từ xa, tôi nhìn thấy nó như một sợi chỉ, sau đó tôi nhận ra đấy là một cuốn sách. Tôi thấy một nếp gấp ở giữa, các lỗ kim để buộc chỉ và văn bản được viết bên trong, phần lề sách được căn chỉnh", Lupi kể lại.

Trước Công nguyên, định dạng sách được biết đến nhiều nhất là cuộn giấy. Chúng được ghép lại từ nhiều mảnh giấy cói rồi cuộn lại để trong chiếc hộp lớn. Vào buổi bình minh của đế chế La Mã, 27 năm trước Công nguyên, một số nhà văn đã chuyển sang viết trên định dạng sách gập, giống với sách hiện đại. Phần gáy được buộc lại bằng dây. Cho đến nay, các bản sách gập cổ này được lưu giữ tại Thư viện Anh và bảo tàng Chester Beatty ở Dublin.

Erich Renhart, đồng giám đốc bộ sưu tập đặc biệt của thư viện trường đại học Graz, cho biết: "Hiện nay vẫn chưa có cuộc khảo cứu quy mô lớn nào về các mảnh sách gập cổ như này. Vì chất liệu giấy của sách đến từ tầng lớp bình dân thời cổ đại nên có thể còn lưu lạc rất nhiều".

Các cuốn sách cổ có giá trị hiện nay đang được trưng bày tại các bảo tàng, thư viện gồm kinh thánh Gutenberg, Thánh ca Celtic, Siddur (sách cầu nguyện của người Do Thái), cuộn giấy Madrid, Sách Kells, Phúc Âm Thánh Cuthbert... Trong một số chương trình gây quỹ, các cuốn sách này đã được đấu giá với mức hàng triệu đôla.

 
Theo Đức Huy/Zing