Trong tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt, bàn thờ ngày Tết nhất định phải có mâm ngũ quả. Không chỉ thể hiện niềm tin, sự tôn kính của con cháu đến ông bà và tổ tiên, mâm ngũ quả còn là sự gửi gắm ước nguyện một năm mới đủ đầy, hạnh phúc.
|
Thông thường, mâm ngũ quả được các gia đình bày biện vào sáng hoặc chiều 30 Tết. Ảnh minh họa. |
Mâm ngũ quả hàm chứa nhiều triết lý nhân văn của dân tộc
Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ (Giảng viên Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Mâm ngũ quả ngày tết là vật cúng dường thuộc về Phật giáo và chỉ ở cội nguồn Phật giáo. Trên mâm ngũ quả, người ta thường chọn 5 loại quả tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ. Sở dĩ chọn số 5 là vì từ xưa ông cha ta đã quan niệm Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh (tức là: Giàu có - Sang trọng - Sống lâu - Khỏe mạnh - Bình yên) là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được trong năm mới".
Cũng theo Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, quả bày trên mâm ngũ quả tốt nhất là hái vườn, tinh khiết, tươi ngon, đồng thời dâng lên tổ tiên thành quả lao động, không nên quá cầu kỳ và tốn kém.
Tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. Nhưng với suy nghĩ cầu mong sự đủ đầy, sung túc trong tâm thức người Việt, từ xa xưa họ luôn ưu ái những loại quả như: chuối xanh, quả bưởi, quả mãng cầu, quả lê, quả hồng, quả phật thủ, quả đu đủ...
Trong đó, nải chuối có màu xanh tượng trưng Đông phương; quả bưởi có màu vàng tượng trưng Trung phương; quả hồng có màu đỏ tượng trưng Nam phương; quả lê có màu trắng tượng trưng Tây phương và một loại quả có màu sẫm khác tượng trưng Bắc phương.
Sự khác biệt giữa hai miền Bắc - Nam
Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.
Các loại quả thường được trọng dụng như: Chuối, bưởi, phật thủ, quýt, táo...Cách bài trí, sắp xếp truyền thống của người miền Bắc sẽ là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa như bàn tay hứng lấy những gì tinh túy nhất. Màu xanh của chuối tượng trưng cho sự tràn trề nhựa sống của mùa Xuân.
Nằm trong lòng sắc xanh ấy có thể là quả bưởi hoặc quả Phật thủ có sắc vàng. Lý do đặt Phật thủ ở giữa vì loại quả này có mười cánh múi chụm lên như 10 ngón tay, được trưng lên bàn thờ tổ tiên với niềm hi vọng cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc ban lộc. Nếu không tìm được Phật thủ thì có thể đặt quả bưởi vàng căng tròn, tràn đầy, hứa hẹn sự may mắn. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.
Bắt nguồn từ yếu tố địa lý, khí hậu và tập tục vùng miền mà mâm ngũ quả của người miền Nam không được bài trí theo quan niệm ngũ hành, thường chỉ có các loại quả như: mãng cầu, dừa, sung, đu đủ, xoài… thêm 3 quả dứa (thơm) để làm chân đỡ thể hiện sự vững chắc. Các loại quả này khi kết hợp lại, đọc trại đi sẽ thành “cầu sung vừa đủ xài”.
Khác với người miền Bắc, người dân Nam Bộ có phần "kỹ tính" hơn trong việc lựa chọn những loại quả để bày trong mâm ngũ quả cúng gia tiên. Theo đó, những loại quả như chuối, táo, lê, cam, quýt không được người dân trọng dụng.
Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và khí tiết của người phương Nam.
Có rất nhiều cách để bày một mâm ngũ quả. Đặc biệt, mỗi vùng lại có những loại quả và cách bài trí đặc trưng cho vùng miền của mình. Nhưng theo Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, quả bày trên mâm ngũ quả tốt nhất là hái vườn, tinh khiết, tươi ngon, đồng thời dâng lên tổ tiên thành quả lao động, không nên quá cầu kỳ và tốn kém.
Theo Nguyễn Hồng/Phapluatplus