Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, thông thường vào ngày này, mọi người cúng cỗ mặn. Mâm cỗ mặn cúng ông Táo thường bao gồm:
- 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc; 1 bát canh mọc; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 1 quả bưởi.
|
Ảnh minh họa. |
- 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống); 3 chén rượu; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Ngoài ra, có thể thay thịt vai luộc bằng một con gà luộc ngậm hoa hồng hoặc chủ động thay đổi các món canh như canh măng, canh mọc, canh bóng...
Ngoài các lễ vật chính như trên thì tùy theo hoàn cảnh, các gia đình hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn ông Táo. Mâm cỗ cúng ông Táo theo truyền thống của người miền Bắc thường bao gồm các món cơ bản như gạo, muối, thịt vai lợn luộc, canh mọc, món xào thập cẩm, giò, xôi gấc, chè kho, hoa quả, trà sen, 3 chén rượu, bưởi, trầu cau, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, tiền vàng mã và cá chép còn sống. Còn với người miền Nam, mâm cỗ cúng ông Táo thường chỉ đơn giản với giấy cúng, hoa, trái cây và không thể thiếu một đĩa kẹo thèo lèo.
Cúng vào thời gian nào mới tốt?
Theo quan niệm dân gian, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng (trước 12g trưa ngày 23 tháng Chạp). Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà, chúng ta có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng sớm ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian, chúng ta cũng có thể làm lễ cúng trước đó 1 – 2 ngày.
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo!
Theo Hải Vân/Khỏe & Đẹp