Nhắc đến Lý Thế Dân, có lẽ nhiều người đều biết ông là một vị Hoàng đế tài giỏi đã tạo nên một "Đại Đường thịnh thế" phát triển bậc nhất thời bấy giờ. Bên cạnh đó, ông gắn liền với nhân vật Võ Tắc Thiên cùng chuyện tình được lưu truyền muôn thuở.
Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn huy hoàng khi Lý Thế Dân ngồi trên ngai vàng, nắm giữ thiên hạ. Ít ai biết rằng để có thể trở thành Hoàng đế, ông đã làm ra vô số chuyện tàn nhẫn: Giết anh em, ép buộc cha nhường ngôi, tàn sát họ hàng…
Trước khi trở thành "Thiên cổ nhất đế" của "Đại Đường thịnh thế"
Những năm đầu của triều Đường, tình hình thiên hạ đã ổn định, khao khát trở thành Hoàng đế của Lý Thế Dân ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, vị trí Thái tử lại thuộc về người anh trai Lý Kiến Thành (con trai trưởng của Đường Cao Tổ Lý Uyên). Do đó, Lý Thế Dân ngày càng trở nên quyết liệt trong cuộc tranh giành ngôi vị.
Nhờ có công đánh dẹp các đối thủ, Lý Thế Dân được cha hứa phong làm Thái tử, trong triều đều cho rằng ông sẽ thay thế Lý Kiến Thành. Mặc dù có tài, nhưng Lý Kiến Thành hoàn toàn bị lu mờ trước các chiến công của em trai. Triều đình chia làm 2 phái: phái ủng hộ Thái tử và phái ủng hộ Tần Vương Lý Thế Dân. Dưới trướng Lý Thế Dân có lắm văn thần võ tướng, nhưng Thái tử lại được Tề vương Lý Nguyên Cát và hậu cung của Hoàng đế ủng hộ.
Đêm khuya, Lý Thế Dân ra lệnh cho binh lính bất ngờ tấn công Huyền Vũ môn được bảo vệ nghiêm ngặt trong cung, thành công giết chết anh trai Lý Kiến Thành và em trai Lý Nguyên Cát.
Đường Cao Tổ sửng sốt trước sự biến, nhưng ông không thể trị tội vì Lý Thế Dân có công chinh chiến đánh dẹp dựng lên cơ nghiệp nhà Đường, được trăm quan tin tưởng và có vây cánh hùng mạnh. Cuối cùng, Lý Uyên đành phải thuận theo sự sắp đặt của Lý Thế Dân, hạ lệnh cho lính bảo vệ của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát phải hạ vũ khí, không được kháng cự.
Ngay ngày hôm sau, Lý Uyên ban chiếu chỉ lập Lý Thế Dân làm Thái tử. Hai tháng sau đó, Lý Uyên tuyên bố truyền ngôi lại cho Lý Thế Dân, còn mình làm Thái thượng hoàng, sống an nhàn tới cuối đời. Đây là cuộc chiến huynh đệ tương tàn đẫm máu mà sử sách Trung Quốc vẫn gọi là "Sự biến Huyền Vũ môn".
Lý Thế Dân biết rằng nếu chỉ giết chết Lý Kiến Thành và Tề vương, người thân và bè phái của họ có thể sẽ tìm cách trả thù, vì vậy ông quyết định thực hiện các biện pháp triệt để hơn để nhổ cỏ tận gốc.
Sau "Sự biến Huyền Vũ môn, để trừ hậu họa về sau, Lý Thế Dân lấy lý do tội làm phản của anh và em trai, giết sạch những người có liên quan. Toàn bộ gia đình Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát cũng như những người dính líu đến sự việc "mưu phản" đều bị Lý Thế Dân xử tội chết trong đó có năm người con trai của Lý Kiến Thành và năm người con trai của Lý Nguyên Cát.
Tuy nhiên, "Sự biến Huyền Vũ môn" được ghi lại trong lịch sử chỉ mô tả quá trình Lý Thế Dân đánh bại anh trai mình để giành lấy ngôi vị mà không bao giờ kể chi tiết về sự việc.
Theo nhiều thông tin, Lý Thế Dân "giết" anh trai Lý Kiến Thành đã là một cách nói giản lược. Thật ra, Lý Kiến Thành bị chặt đầu dã man. Nếu đặt vào góc nhìn "em trai chặt đầu anh trai" thì hành động này quả thật không còn nhân tính.
Lý Thế Dân biết rằng những điều mình làm vô cùng tàn nhẫn, đồng thời cũng hiểu rõ việc này sẽ bị lưu lại trong sử sách. Vì vậy, ông đã nghĩ ra một kế đạo đức giả là cho con trai mình lấy con gái nhà Lý Kiến Thành, để "vì tình anh em, kế tục hương hỏa, có con cái thờ phụng". Tuy nhiên, cách làm "vừa đấm vừa xoa" này thật sự khiến người ta không khỏi ớn lạnh.
Kiểm soát sử sách, xây dựng hình tượng minh quân của một nước
Khi chưa lên ngôi, Lý Thế Dân là vị hoàng tử đầy tham vọng, luôn khao khát một ngày nắm giữ thiên hạ trong tay. Sau khi trở thành Hoàng đế vĩ đại, ông đã tạo nên một "Đại Đường thịnh thế" lẫy lừng - một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sự thật trong lịch sử thường phức tạp hơn tưởng tượng. Lý Thế Dân không phải là một nhân vật hoàn hảo như trên phim truyện mà chúng ta thường xem. Việc ông giết anh trai và chiếm đoạt ngai vàng là một sự thật không thể chối cãi trong lịch sử. Mặc dù tạo ra Đường triều xưa nay hiếm thấy, nhưng cũng không đủ để che đậy chuyện "em giết anh, con đe dọa cha" năm xưa.
Trong thời gian trị vì, Lý Thế Dân rất chú trọng đến việc kiểm soát lịch sử. Ông đã sử dụng quyền lực để sửa đổi và xóa bỏ các ghi chép, biến bản thân trở thành một minh quân hoàn hảo. Tài năng chính trị và quân sự kiệt xuất, triều đình nhân từ và dân chúng ấm no đã được các thế hệ sau ca ngợi và giúp Lý Thế Dân trở thành một trong những "Thiên cổ nhất đế" của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ham muốn quyền lực quá mạnh mẽ, Lý Thế Dân dần trở nên chuyên chế và độc đoán. Đồng thời, ông cũng làm sai lệch, cố gắng kiểm soát và xóa bỏ lỗi lầm cùng tội ác của mình theo dòng chảy lịch sử.
Mặc dù các ghi chép lịch sử không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác, nhưng hình ảnh và việc làm của Lý Thế Dân chắc chắn đã in sâu trong lòng hậu thế.
Có quan điểm cho rằng ở thời phong kiến, anh em tương tàn lẫn nhau để lên ngôi Hoàng đế là chuyện thường tình, bởi lẽ quyền lực chi phối tất cả, ai có quyền hơn thì sống dễ dàng hơn. Do đó, Lý Thế Dân là "Thiên cổ nhất đế" hay "đứa con bất hiếu, người em bất nghĩa" cũng còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Theo PV/Thể thao & Văn hóa