Xuất thân dòng giống thi thư nhiều đời
Huyện Đường An, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) được coi là vùng “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh rất nhiều vị đại khoa danh tiếng, trong đó phải kể đến dòng họ Vũ ở làng Mộ Trạch và dòng họ Nhữ ở làng Hoạch Trạch (tên nôm là làng Vạc).
Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí thì gia đình họ Nhữ nổi danh về truyền thống khoa bảng đó mở đầu là Nhữ Tiến Dụng đỗ đồng Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Thìn (1664) đời Lê Huyền Tông, làm quan đến chức Lễ khoa đô cấp sự trung, Thái thường tự khanh; con ông là Nhữ Đình Hiền (còn có tên khác là Nhữ Tiến Hiền) đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thân (1680) đời Lê Hy Tông, làm quan trải đến chức Thượng thư bộ Hình rồi Bồi tụng, tước bá.
Thế hệ nối tiếp có Nhữ Trọng Thai (còn có tên khác là Nhữ Trọng Đài), gọi Nhữ Đình Hiền là chú ruột; đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Qúy Sửu (1733) đời Lê Thuần Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ. Con thứ của Nhữ Đình Hiền là Nhữ Đình Toản (sau đổi là Nhữ Công Toản) đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736) đời Lê Ý Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh kiêm Tham tụng, tước Bá Trạch hầu; về sau đổi sang võ ban, làm Hiệu điểm rồi lên tới chức Tả đô đốc, tước Trung Phái hầu.
Nhữ Công Chân là con trai của Nhữ Đình Toản, gọi Nhữ Tiến Dụng là cụ nội, Nhữ Đình Hiền là ông nội và gọi Nhữ Trọng Thai là bác ruột. Ông đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi năm Nhâm Thìn (1772) đời Lê Hiển Tông, sau làm quan đến chức Hàn lâm thị chế, hữu thị lang bộ Lễ.
Có thể nói trong số những gia đình có truyền thống học tập thời xưa với nhiều người hiển đạt thì nhà họ Nhữ làng Hoạch Trạch đứng vào hàng bậc nhất. Năm nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau ở cùng một gia đình nối tiếp đỗ đại khoa, thật là nhà có phúc lớn; họ đều đem tài năng của mình đóng góp ít nhiều cho văn hóa dân tộc và dốc lòng vì việc dân, việc nước.
Giả đi vãn cảnh chùa, lột mặt lũ ác tăng
Nhữ Đình Hiền sinh năm Kỷ Hợi (1659), ông nổi tiếng là người xử kiện công bằng, đúng đắn, việc chính sự đều rất tận tụy nên bấy giờ ai cũng khen ngợi; danh tiếng của ông cùng một vị quan đồng triều được dân gian đúc kết ca tụng qua câu nói: “Văn chương Lê Anh Tuấn, chính sự Nhữ Đình Hiền”.
Các sách sử đương thời viết về Nhữ Đình Hiền đều có dòng ca tụng tài năng của ông trong việc xử án. Nổi tiếng nhất là một vụ án kéo dài đến 6-7 năm, qua nhiều vị pháp quan mà vẫn chưa tìm ra thủ phạm, đến khi Nhữ Đình Hiền được giao phá án, chỉ trong thời gian rất ngắn ông đã làm sáng tỏ chân tướng vụ việc. Trong sách Hải Dương phong vật chí có dòng lược thuật, cho biết những tình tiết chính của vụ án này:
“Ông Nhữ Đình Hiền đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thân niên hiệu Vĩnh Trị (1680), phụng mệnh đi sứ, trải làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, có biệt tài về chính sự, xử án ngục rất công bằng. Lúc bấy giờ có một vụ nghi án như sau: Nguyên có một người em gái vì chị bị ốm nên đến chăm sóc. Hai nhà ở cách nhau hơi xa. Liên tiếp nhiều ngày không thấy vợ trở về, chồng người em gái bèn kiện người chồng của chị, đến nỗi người chồng của chị bị bắt giam vào ngục. Các quan kế tiếp nhau xét đoán, trải qua 6 -7 năm mà không giải quyết được. Đến lượt ông, ông đem địa đồ ra xem, thấy có ngôi chùa ở ngoài cánh đồng, cây cối rậm rạp mà người thiếu phụ kia khi đi cũng như khi về đều phải qua đó.
Ông nghĩ thầm rằng người ấy nhất định bị bọn ác tăng trong chùa cưỡng hiếp. Thế rồi, ông lập tức sai người đánh xe đưa ông tới chùa, mượn tiếng tham thiền để lưu lại chùa một đêm. Sáng hôm sau, ông cho triệu tập các tăng đồ trong chùa lại, lấy cớ đêm qua nằm thấy báo mộng mà hỏi vặn rằng:
- Các ngươi đều là kẻ tu hành, sao lại có oan hồn đến tố giác mới ta? Vậy sự thể ra sao, phải mau tự thú.
Các sư đều tái mặt kính phục, chỉ tay ra phía chân một cây tháp. Khi đào chỗ ấy lên, quả nhiên có thây người thiếu phụ chôn giấu ở đó. Các vụ án oan khác, vụ nào do ông xét đoán thì phần nhiều đều được làm sáng tỏ”.
Còn trong Hải Dương phong vật khúc có đoạn ca ngợi như sau: “Họ Nhữ ở xã Hoạch Trạch, ông cha con cháu 5 đời đỗ đạt. Nhữ Đình Hiền có biệt tài về chính sự. Lúc ấy có một nghi án về một thiếu phụ mất tích [bị chôn dưới chân tháp]. Ông căn cứ bản đồ địa phương, thấy có ngôi chùa ở giữa cánh đồng, cây cối rậm rạp, rồi đoán định ở đó, bèn thác lời nằm mộng thấy có người đến kêu oan mà các sư phải lập tức thú nhận ngay”.
Sau lời ca ngợi này là câu:
Nhà họ Nhữ quan trâm kế thế,
Có tiếng hay chính sự dậy dàng.
Tụng tình soi sáng bằng gương,
Hồn oan dưới tháp suối vàng cũng ơn.
|
Xử án sư hổ mang phạm tội. (Hình minh họa – Nguồn: RH) |
Vợ chồng quan lớn được tôn làm Thánh sư nghề làm lược
Không chỉ có tài năng trên chốn quan trường, đối với đời sống xã hội của thôn dân, Nhữ Đình Hiền cũng rất quan tâm, chú ý. Chính sử cho biết, vào đầu năm Đinh Sửu (1697) Nhữ Đình Hiền được cử tham gia đoàn sứ bộ lên phương Bắc, sách Đại Việt sử ký tục biên viết: “Mùa xuân, tháng giêng, sai Chánh sứ Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Thế Bá; Phó sứ Đặng Đình Tướng, Nhữ Đình Hiền sang Thanh tuế cống”, đến mùa hạ tháng sáu năm Mậu Dần (1698), đoàn sứ thần Đại Việt mới trở về nước
Tương truyền trong thời gian đi sứ, Nhữ Đình Hiền đã học được nghề làm lược bằng tre (lược bí). Vốn người nước ta khi đó thường dùng lược gỗ, hoặc lược sừng, răng thưa; nghĩ rằng ở nước ta cây tre mọc nhiều, rất thuận lợi về nguyên liệu, người dân lại để tóc dài (đàn ông búi tó, đàn bà vấn tóc chùm khăn) nếu có lược bí thì rất tốt. Vì thế sau khi học nghề, Nhữ Đình Hiền âm thầm dạy lại cho vợ là Lý Thị Hiệu. Điều đặc biệt rất đáng chú ý là sử sách không ghi chép một phụ nữ nào từng đi sứ cả; không rõ tài năng, đức độ và vị trí của bà Lý Thị Hiệu thế nào mà được tham gia đoàn sứ bộ?. Chỉ biết rằng theo cuốn sách Hoạch Trạch Nhữ tập phả ký do Nhữ Đình Toản (con Nhữ Đình Hiền) soạn, cho biết sau khi từ Trung Quốc trở về, hai vợ chồng Nhữ Đình Hiền đã truyền nghề làm lược tre cho dân làng và hướng dẫn, giúp đỡ, tập hợp thợ thành phường nghề gọi là phường Diên Lộc.
Đến tuổi đã già về trí sĩ, Nhữ Đình Hiền được vua ban cho 16 mẫu ruộng lộc điền, ông chỉ giữ lại 4 mẫu làm ruộng hương hỏa, còn lại tặng hết cho phường Diên Lộc để làm hoa lợi phát triển nghề. Nhiều thợ giỏi đã ra Thăng Long sản xuất, kinh doanh lược tại chỗ, tạo thành phố Hàng Lược (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Khi Nhữ Đình Hiền mất, người dân nhớ ơn đã lập đền thờ, tôn ông và vợ là thánh sư nghề làm lược. Trong văn tế thánh sư có đoạn viết: “Cung duy tiên thánh, tiên sư, thùy dụ lê dân, công đăng nhật nguyệt, đức hợp càn khôn, bắc sứ dĩ đoan, hưng thành nghệ thủ…”.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí thì viết: “Nhữ Tiến Hiền, đỗ Tiến sĩ năm Canh Thân đời Vĩnh Trị, đi sứ, trải làm đến chức Thượng thư bộ Hình và Bồi tụng. Tiến Hiền xử kiện công bình, đúng đắn, chính sự nổi tiếng; bấy giờ ai cũng khen. Cuối đời Vĩnh Hựu [thì Nhữ Tiến Hiền] chết. Đầu đời Cảnh Hưng, triều đình tặng hàm Thiếu phó, tước Thọ quận công. Bài chế đại lược rằng:
Lên chức Ngự sử, tham dự chốn đô đài, trong sạch như sương;
Lên chức Thượng thư mà làm Tể tướng, thường bày mưu lớn.
Công lao trong sử sách, ghi chép rõ ràng;
Tri ngộ từ triều trước, đến già vẫn không kém.
Địa vị có phần chưa xứng với tài, những mong mơ Phó Duyệt nêm canh;
Lộc và phúc để về sau, sẽ được hòe họ Vương tươi tốt.
Chung đúc vào con, làm lên ngôi tướng”.
Lại có câu:
Cây cả nối dấu thơm, trải ba đời tiếng tăm lừng lẫy, một mình ông kiêm cả “tác và thuật”;
Gốc cam đường rủ bóng, hơn trăm năm mà chính tích như mới, trẫm còn nhớ muôn miệng ngợi khen”.
Lê Thái Dũng