Niels Bohr là ai?
Nhà vật lý vĩ đại sinh năm 1885 ở Copenhagen. Cha ông là giáo sư sinh lý học tại Đại học Copenhagen, mẹ ông xuất thân từ một gia đình chủ nhà băng Do Thái. Lớn lên trong môi trường khoa học, từ nhỏ Niels Bohr đã quan tâm đến các khám phá và phát minh khác nhau. Trong gia đình, ai cũng tin rằng ông sẽ trở thành nhà khoa học.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Niels Bohr vào học vật lý tại Đại học Copenhagen, 7 năm sau, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông được mời đến làm việc tại Cambridge, rồi Manchester, nơi ông bắt đầu hợp tác với nhà khoa học Anh Ernest Rutherford, người sáng lập ngành vật lý hạt nhân. Các công trình nghiên cứu của họ đã mang lại cho Bohr danh tiếng quốc tế, còn Rutherford trở thành "người cha thứ hai" của ông.
Một năm sau, Niels Bohr kết hôn với Margrethe Norlund và sống rất hạnh phúc. Từ đó, vợ ông là người bạn thân thiết nhất và cố vấn của ông. Họ sinh được sáu người con trai, một trong số đó là Aage Bohr nối bước cha trở thành nhà vật lý nổi tiếng.
Mùa xuân năm 1916, Niels Bohr trở lại Đan Mạch, nơi ông được đề nghị giữ chức giáo sư danh giá tại Đại học Copenhagen, ngôi trường hiện mang tên ông.
Năm 1922, Niels Bohr được trao giải Nobel vì những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu nguyên tử, ông trở thành nhà khoa học được kính trọng và là công dân danh dự của Đan Mạch. Trong những năm tiếp theo, ông nghiên cứu vật lý hạt nhân và có những đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu các phản ứng hạt nhân.
|
Bohr và Einstein. |
Trên tổ quốc bị chiếm đóng
Khi Hitler lên nắm quyền, cuộc đời Niels Bohr có rất nhiều thay đổi, ông cảm nhận được những hậu quả của chế độ Quốc xã đối với bản thân và những người xung quanh. Một số nhà vật lý Đức gốc Do Thái, đồng nghiệp của ông, đã mất việc, khiến họ không còn bất kỳ phương tiện sinh sống nào trên đất nước mình. Niels Bohr đã sử dụng các mối quan hệ của mình để đưa họ ra khỏi nước Đức. Ông thành lập ủy ban hỗ trợ các nhà khoa học bị buộc phải chạy trốn chế độ Quốc xã.
Mùa xuân năm 1940, khi Đan Mạch bị quân Đức chiếm đóng, tình hình càng trở nên tồi tệ, mặc dù so với các quốc gia khác, nước này có lợi thế hơn do Hitler quan niệm rằng người Đan Mạch thuộc chủng tộc Aryan.
Thậm chí việc truy nã người Do Thái ở Đan Mạch cũng không tàn khốc như ở các quốc gia bị chiếm đóng khác, ít ra là không một người Do Thái nào bị buộc phải đeo "sao vàng" trên áo và thời gian đầu họ không bị nhốt vào trại tập trung. Nhưng mọi người đều cảm thấy có điều gì đó khủng khiếp đang rình rập.
Đến mùa hè năm 1942, các nước Đồng minh gây áp lực đối với người Đan Mạch, kêu gọi họ kháng chiến chống quân chiếm đóng Đức Quốc xã. Lời kêu gọi này khiến ban lãnh đạo Đức Quốc xã bất an và chúng lấy đó làm cái cớ để kiểm soát Đan Mạch chặt chẽ hơn, trước hết là các biện pháp chống Do Thái.
Werner Best, Tổng tư lệnh quân đội Đức ở Đan Mạch, đề nghị Hitler "xem xét giải quyết vấn đề Do Thái và thực hiện các biện pháp chống lại 8.000 người Do Thái sống ở Copenhagen". Trong tiếng nóng của SS, điều này có nghĩa là trục xuất đến các trại tử thần. Hitler đồng ý.
Các thành viên chủ chốt của Hội những người Do Thái ở Đan Mạch được thông báo về kế hoạch diệt chủng người Do Thái ở Đan Mạch, và tất cả người Do Thái được yêu cầu khẩn trương rời khỏi nhà, tìm nơi ẩn náu hoặc chạy sang Thụy Điển.
Điều gì khiến Niels Bohr lo sợ?
Vụ bất thình lình bắt giữ những người Do Thái ở Đan Mạch được dự định vào tối thứ Sáu, ngày 1/10/1943. Nhưng hầu như tất cả những người bị dọa bắt đều trốn thoát. Ở Copenhagen, Đức Quốc xã chỉ tóm được 232 người, còn ở ngoại thành - 82 người.
Niels Bohr hiểu rằng ông đang gặp nguy hiểm lớn vì hai lý do. Trước hết, về phía mẹ, ông là người xuất thân Do Thái, mặc dù ông được rửa tội và giáo dục như một tín đồ Cơ đốc. Mặt khác, ông được coi là một trong những nhà vật lý hạt nhân triển vọng nhất ở châu Âu bị chiếm đóng. Một năm trước khi xảy ra sự kiện này, Werner Heisenberg, Chủ tịch Hiệp hội uranium Đức, học trò cũ của ông, đến thăm ông.
Họ bàn về việc ngăn chặn cuộc chạy đua hạt nhân giữa Đức Quốc xã và Mỹ nhằm chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên. Nhưng Bohr có cảm giác rằng học trò cũ của ông muốn mời ông tham gia dự án vũ khí hạt nhân của Đức. Ông biết mình sẽ không chấp nhận lời mời này. Vì vậy, bất chấp mọi hiểm nguy có thể xảy ra, Niels Bohr quyết định chạy trốn.
Mặc dù chiến tranh, ngư dân Đan Mạch vẫn tiếp tục đánh cá trên những chiếc thuyền nhỏ ở biển Baltic. Nhiều người đã giúp đỡ những người lánh nạn ra đi, cho họ ăn, ở trên thuyền hoặc đánh lạc hướng bọn cảnh sát Đức đang lùng sục dọc bờ biển để săn lùng người Do Thái.
Với sự hỗ trợ của phong trào kháng chiến, Niels Bohr đã tìm được một ngư dân, và đêm 29 tháng 9 năm 1943, một ngày trước vụ bắt bớ hàng loạt, ông ta đã chở Niels Bohr và gia đình đến Thụy Điển. Mười ngày sau, ngày 8/10/1943, cảnh sát Đức bắt đầu truy lùng những người Do Thái trên khắp Đan Mạch, bắt giữ các nạn nhân ngay trên đường phố hoặc tại nhà của họ.
Chiến dịch giải cứu thành công
Không lâu trước khi xảy ra những sự kiện nói trên, Bohr nhận được một lá thư của đồng nghiệp người Anh James Chadwick mời ông tham gia một công việc quan trọng. Bohr hiểu đó là chế tạo bom nguyên tử, nhưng lúc bấy giờ ông từ chối, với lý do đang thực hiện một công trình quan trọng khác.
Giờ đây, ở Thụy Điển, ông lại nhận được lời mời đó cùng với thông tin về việc các nhà khoa học Đức Quốc xã đang nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Vì vậy, Bohr đồng ý tham gia dự án này.
Lo ngại rằng ở Thụy Điển Bohr có thể trở thành mục tiêu của Đức Quốc xã, với sự hỗ trợ của Không quân Hoàng gia, quân Đồng minh đã tổ chức cho ông đào thoát sang Scotland trên một chiếc máy bay ném bom tốc độ cao không có số hiệu. Cất cánh từ Scotland, máy bay hạ cánh xuống một vùng sa mạc, nơi Bohr đã đợi sẵn.
Nhà khoa học 58 tuổi phải nằm trên một tấm đệm trong khoang chứa bom trống của máy bay. Vì chiếc mũ bảo hiểm gắn bộ phận liên lạc vô tuyến trên máy bay quá chật nên ông cởi ra và không nghe được lệnh của phi công đeo mặt nạ dưỡng khí khi máy bay lên tới độ cao 10 nghìn mét để tránh lực lượng phòng không Đức và máy bay tiêm kích hoạt động ban đêm. Do đó, Bohr bị ngất, nhưng sau khi máy bay hạ cánh, ông nhanh chóng hồi tỉnh và nói đùa rằng "bù lại, tôi được ngủ một giấc ngon lành".
Tham gia Dự án Manhattan
Từ Scotland, đầu tiên Bohr được đưa đến London, rồi sau đó đến Hoa Kỳ, nơi ông tham gia Dự án Manhattan. Kiến thức của ông về phân hạch hạt nhân đã được sử dụng để tạo ra quá trình phản ứng dây chuyền và cuối cùng đã mở đường cho việc chế tạo bom nguyên tử.
Người khởi xướng Dự án Manhattan là nhà bác học Albert Einstein. Năm 1939, trong lá thư gửi Tổng thống Franklin Roosevelt, ông cảnh báo rằng người Đức có công nghệ chế tạo một quả bom có sức tàn phá cực lớn. Roosevelt đã triệu tập một nhóm các nhà khoa học, trong đó có nhiều người châu Âu chạy sang Mỹ khỏi sự đàn áp của Đức Quốc xã, để chế tạo một quả bom hạt nhân trước cả Hitler.
Lúc đầu, nhà khoa học lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Nhưng sau khi rời Đan Mạch, càng ngày ông càng tin rằng các nước Đồng minh cần phải đi trước Đức Quốc xã và bản thân vũ khí hạt nhân phải góp phần tạo ra một phương pháp tiếp cận mới trong quan hệ quốc tế, đảm bảo răn đe quân sự lẫn nhau và thiết lập đối thoại giữa các quốc gia.
So với những người khác, ông sớm hiểu rằng không thể giữ bí mật các nghiên cứu nguyên tử và tin rằng cần phải thông báo cho Liên Xô, đồng minh của Anh và Mỹ trong Thế chiến thứ hai về dự án này. Theo Bohr, đây có thể là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân thời hậu chiến.
Ý tưởng về một "thế giới mở" ám ảnh Bohr đến mức ông đã xin gặp Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, nhưng không nhận được sự chấp thuận của họ. Thậm chí Churchill còn nghi ngờ ông hoạt động gián điệp và bí mật hợp tác với Liên Xô.
Trở lại Copenhagen
Sau khi chiến tranh kết thúc, Bohr trở lại Copenhagen, nơi ông tiếp tục thực hiện sứ mệnh xây dựng một "thế giới mở", kiên quyết giải mật và trao đổi thông tin về vũ khí hạt nhân giữa các quốc gia. Ông tin chắc rằng đây là con đường duy nhất để thiết lập hòa bình trên hành tinh.
Năm 1950, ông viết một bức thư ngỏ gửi Liên hợp quốc kêu gọi các nguyên thủ quốc gia công khai những thông tin bí mật nhất về vũ khí hạt nhân.
Trong khi tiếp tục lãnh đạo Viện Vật lý Lý thuyết ở Copenhagen, Niels Bohr không ngừng mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình. Ngoài các nghiên cứu khoa học, ông đã xuất bản các công trình khoa học, giảng dạy, tham gia nhiều hoạt động xã hội khác nhau và đến tận cuối đời, ông vẫn chủ trương hợp tác cởi mở giữa các quốc gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Niels Bohr qua đời năm 1962 ở tuổi 77, để lại một di sản khoa học đồ sộ. Trong ký ức của toàn thể nhân loại, ông là một trong những nhà khoa học đoạt giải Nobel kiên quyết từ chối hợp tác với Đức Quốc xã, người suốt đời đấu tranh cho một "thế giới mở" và sự tin cậy giữa các quốc gia trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.
Theo Kim Thanh Hằng / CAND