Ai đã từng xem các bộ phim cung đình Hoa ngữ đều biết, thời xa xưa nếu đàn ông muốn vào cung để phục vụ hoàng đế và các phi tần thì họ phải trải qua quá trình tịnh thân (thiến) và trở thành thái giám. Chỉ khi làm như vậy thì dòng dõi hoàng tộc mới không bị vấy bẩn. Điều này cũng khiến các thái giám trung thành hơn với chủ nhân.
Qua nhiều năm nghiên cứu, người ta thấy rằng nam giới sau khi trở thành thái giám thì tuổi họ của họ tăng lên rất nhiều. Trong lịch sử Trung Quốc, việc tịnh thân được chia làm 4 phương pháp. Thứ nhất là cắt bỏ toàn bộ cơ quan sinh sản của nam giới. Thứ hai là cắt dương vật, thứ ba là cắt bỏ bìu. Cuối cùng, một bé trai sau khi sinh ra mà bố mẹ muốn con vào cung làm thái giám từ nhỏ thì sẽ dùng dây thắt để ngăn bộ phận sinh sản phát triển. Tuy nhiên, dù buộc dây từ nhỏ thì đến khi vào cung những người này vẫn bị thiến. Quy định trong cung cấm vô cùng nghiêm ngặt, không để xảy ra bất cứ tai nạn nào.
Ở thời cổ đại Trung Quốc, nhiều hoạn quan để lại tên tuổi như Triệu Cao, Thái Luân, Cao Lực Sĩ, Ngụy Trung Hiền, Trịnh Hòa, Lý Liên Anh... Nhưng phần lớn các thái giám xưa đều trải qua một cuộc sống nô bộc khổ sở trong cung.
Bù đắp lại sự khổ sở đó, các nghiên cứu sau này chỉ ra sau khi bị thiến, các hoạn quan thường sống rất lâu. Ví dụ vào thời nhà Minh, một thái giám tên Xiao Jing sống tới 91 tuổi trong khi tuổi thọ trung bình của nam giới khi ấy là 46 tuổi.
Trong lịch sử Trung Quốc, vị hoạn quan cuối cùng là Tôn Diệu Đình, thọ 95 tuổi. Ông sinh năm 1902, trở thành hoạn quan khi mới 15 tuổi. Khi đó, tuổi thọ trung bình của nam giới cũng tương tự như thời nhà Minh.
Không chỉ Trung Quốc có hoạn quan mà thời phong kiến Hàn Quốc cũng có tầng lớp này. Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc phát hiện ra tuổi thọ trung bình của các hoạn quan nước họ khoảng 72 tuổi. So với cùng thời kỳ, tuổi thọ của những người đàn ông sau khi tịnh thân tăng thêm 15-20 năm.
Từ thời xa xưa, con người luôn hy vọng mình có thể sống lâu hơn, tuổi thọ ngày càng dài hơn. Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế từng tìm muôn ngàn cách để trường sinh bất lão. Cuộc sống của bậc đế vương dù ngập trong vinh hoa phú quý nhưng theo thống kê, các hoàng đế chỉ có tuổi thọ trung bình là 39,2 tuổi. Có thể thấy họ là bậc cửu ngũ chí tôn nhưng không sống lâu hơn người thường, thậm chí nhiều người còn chết sớm. Đặc biệt, khi so sánh với tuổi thọ trung bình của hoạn quan thời xưa, hoàng đế có cuộc sống quá ngắn ngủ.
Từ những số liệu trên, người ta đặt ra câu hỏi đàn ông nếu thực sự muốn sống lâu thì tịnh thân có phải giải pháp? Các chuyên gia cho biết có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những hoạn quan bị tịnh thân khi càng nhỏ thì càng sống lâu.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã từng tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về dữ liệu và thông tin của các thành viên trong hoàng cung nước này thời phong kiến, trong đó có cả 81 thái giám. Trong cùng điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế, các hoạn quan sống đến khoảng 70 tuổi trong khi nam giới khác trong cung chỉ sống đến khoảng 55 tuổi. So với hoàng đế, tuổi thọ trung bình của thái giám còn hơn tận 25 năm. Hơn nữa, trong số 81 thái giám đã có 3 người sống trên 100 tuổi.
Tất cả những dữ liệu kể trên đều lấy từ thời phong kiến phương Đông, nhưng ở phương Tây cũng có những con số biết nói về vấn đề tịnh thân. Vào khoảng những năm 1900, Mỹ phát động một "phong trào ưu sinh" điên rồ, vô nhân đạo và dung tục. Theo đó, những người bị khuyết tật bẩm sinh thời bấy giờ sẽ bị cấm sinh con. Một số người bị bệnh tâm thần đã bị tịnh thân và theo thống kê, hơn 60.000 người tàn tật đã bị thiến khi ấy, đa số là người da đen.
70 năm sau, Mỹ đã thống kê tuổi thọ của 294 bệnh nhân tâm thần bị thiến và so sánh với những người sinh cùng thời điểm. Người ta thấy rằng tuổi thọ trung bình của những người bị thiến là 70,7 năm, trong khi những người khác là 64,5 năm, chênh lệch 6 năm. Người ta cũng nhận thấy thời gian thiến càng sớm thì tuổi thọ càng dài. Những người bị cắt bỏ bộ phận sinh dục từ thời thơ ấy sống lâu hơn trung bình 11,7 năm.
Vậy tại sao tịnh thân lại khiến nam giới sống lâu hơn? Câu trả lời nằm ở nội tiết tố nam do tinh hoàn tiết ra. Các nội tiết tố androgen thúc đẩy sự phát triển của cơ xương, kích thích sản sinh hồng cầu… giúp nam giới có lợi thế hơn về hình thể. Nhưng hormone này có thể khiến người ta hói đầu và chết sớm hơn.
Nội tiết tố androgen khiến người ta hung hăng hơn, dễ nổi cáu và nếu ở quy mô lớn thì sẽ thúc đẩy hình thành chiến tranh. Đây là một trong những lý do tại sao đàn ông đoản thọ hơn.
Sự gia tăng nội tiết tố androgen sẽ dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch của nam giới, tăng khả năng lây nhiễm bệnh và khiến tuổi thọ của nam giới ngắn hơn. Do đó, khi cắt tinh hoàn, hormone này không còn được tiết ra, khả năng miễn dịch sẽ tăng lên, khả năng lây nhiễm sẽ giảm đi và tuổi thọ sẽ được kéo dài.
Trên đây là những lợi thế khi nam giới tịnh thân. Đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến các thái giám xưa sống lâu hơn người thường. Ngoài ra, khi trở thành thái giám, họ không thể lấy vợ sinh con, không còn sinh hoạt tình dục nên tinh khí được bảo tồn. Đây chính là nền tảng giúp tuổi thọ được kéo dài.
Các thái giám thường không còn lo lắng về chuyện vợ chồng, con cái và chỉ tập trung làm công việc hầu hạ trong cung nên áp lực cuộc sống rất nhỏ. Chính tinh thần thoải mái là một phần giúp họ sống lâu.
Theo Bảo Linh/Người Đưa Tin