Vào mùa xuân năm Trương Vũ thứ ba (tức năm 223 sau Công Nguyên), Lưu Bị đổ bệnh ở Vĩnh An, liền triệu Gia Cát Lượng, lúc đó đang ở Thành Đô đến để dặn dò việc hậu sự.
Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng: "Thừa tướng tài hơn Tào Phi mười lần, tất có thể bình định thiên hạ, nhất định sẽ làm nên đại sự. Con trai ta, nếu có thể phò tá thì hãy phò tá, nếu nó bất tài, thừa tướng có thể phế nó và lên thay (quân khả tự thủ)".
Gia Cát Lượng nghe vậy đã khóc và nói: "Ta sẽ dốc hết sức lực, thề sẽ trung trinh, chỉ đến khi chết đi mới thôi."
Lưu Bị lại quay sang dặn dò Lưu Thiện: "Phải coi Thừa tướng như cha, sau này làm việc hãy bàn với Thừa tướng!"
Đây là câu chuyện "Bạch Đế thành ủy thác con côi" nổi tiếng nhất trong lịch sử Tam Quốc. Câu chuyện được người đời sau ca tụng như một giai thoại tiêu biểu về mối quan hệ quân thần, lại cộng thêm những việc làm của Gia Cát Lượng đối với nhà Thục Hán sau này nên tình nghĩa quân thần của họ càng được ca tụng nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong việc này có một vấn đề không thể không nhắc tới. Trước khi Lưu Bị Đông chinh, Bàng Thống, Pháp Chính, Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung và những người khác đều lần lượt qua đời.
Lúc này, trong tập đoàn Thục Hán, Gia Cát Lượng là người có uy tín và kinh nghiệm nhất. Lưu Bị nửa đầu cuộc đời phiêu bạt, bấp bênh, đến nửa sau cuộc đời mới có được địa vị. Ông có sẵn sàng giao giang sơn mà phải khó khăn lắm mới giành được của mình cho người khác không? Câu trả lời rõ ràng là không!
Trước khi chết, có lẽ vấn đề khiến ông băn khoăn nhất là làm thế nào để Gia Cát Lượng phò tá con trai mình là Lưu Thiện, để Thục Hán có thể tiếp tục.
Vì vậy, một mặt ông dặn dò con trai là Lưu Thiện tôn Gia Cát Lượng như cha, mặt khác phó thác Gia Cát Lượng trước giường bệnh, mong ông tận tâm tận lực nhưng cũng khôn khéo dặn rằng Lưu Thiện nếu có thể phò tá thì phò tá, nếu như Lưu Thiện bất tài thì hãy phế Lưu Thiện và tự mình thay thế.
Thế nên ở đoạn trên mới có cuộc trò chuyện dặn dò giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Sau khi Lưu Bị lâm bệnh qua đời, Gia Cát Lượng được phó thác trọng trách lại càng biết ơn và không có tham vọng soán ngôi, ông đã cống hiến hết mình cho công cuộc Bắc phạt và cuối cùng qua đời ở Ngũ Trượng Nguyên.
Nhưng nhìn lại giai đoạn lịch sử này, có thể thấy 4 chữ "quân khả tự thủ" (thừa tướng có thể phế nó và lên thay) của Lưu Bị trong "Bạch Đế thành ủy thác con côi" quả thực là có ý "bắt thóp" Gia Cát Lượng, đánh đúng điểm yếu chí mạng của ông, khiến vị Thừa tướng này phải cúc cung tận tụy phò tá con mình mà không dám mảy may có ý tạo phản.
Tại sao lại có thể nhận định như vậy? Có thể lý giải ở ba phương diện sau:
Đầu tiên, Lưu Bị bày "Bạch Đế thành ủy thác con côi", mục đích chính là để cho mọi người đều biết. Và suy cho cùng, 4 chữ "quân khả tự thủ" thực ra chỉ là phép thử đối với lòng trung thành của Khổng Minh mà thôi. Và Gia Cát Lượng đã thể hiện lòng trung thành của mình, thề sẽ trung thành đến chết. Việc này, ai ai cũng biết, một khi làm trái lại, chẳng khác nào Khổng Minh tự vả vào mặt mình.
Thứ hai, Lưu Bị đã biết trước Gia Cát Lượng sẽ phản ứng như thế nào. Cuối thời Đông Hán, con người thường rất coi trọng danh tiếng, đặc biệt là đối với người như Gia Cát Lượng. Nếu Gia Cát Lượng sau này có soán ngôi, sẽ bị coi là Hán tặc, điều này sẽ rất bất lợi cho ông.
Thứ ba, Lưu Bị đang cố tình lùi để tiến và mặc dù nói cho Gia Cát Lượng toàn quyền quyết định nhưng lại bố trí cả Lý Nghiêm cùng giúp con trai mình.
Trước khi Lưu Bị lâm bệnh, ông đã giao trọng trách phụ chính đại thần cho Gia Cát Lượng và Thượng thư lệnh Lý Nghiêm. Mục đích của Lưu Bị rất đơn giản, xét cho cùng, những lời thề miệng của Gia Cát Lượng cũng chỉ là nói miệng, vì vậy ông nghĩ đến việc sử dụng đồng thời Lý Nghiêm và Gia Cát Lượng để duy trì sự cân bằng.
Sự tồn tại của Thục Hán sau khi Lưu Bị băng hà đã chứng minh tầm nhìn xa trông rộng của ông, cho đến cuối cùng, Gia Cát Lượng đến chết cũng không dám soán ngôi.
Theo PV / Pháp luật và Bạn đọc