Trong "Tam quốc diễn nghĩa" nói riêng, nhắc tới Lưu Bị, nhiều người sẽ nhớ ngay tới danh hiệu "Lưu Hoàng thúc" của ông.
Theo đó, sau khi nương nhờ Tào Tháo và được dẫn về Hứa Đô, Lưu Huyền Đức đã có cơ hội gặp Hán Hiến Đế.
Khi biết được ông là hậu duệ Hán thất, nhà vua đã rất vui mừng, cho người xét gia phả thì nhận ra vai vế của Lưu Bị thuộc vào hàng chú, từ đó liền kính cẩn gọi ông là Lưu Hoàng thúc.
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, thân phận hoàng tộc nhà Hán đã đem tới cho Lưu Bị không ít ưu thế trên phương diện chiêu hiền đãi sĩ. Nhờ vậy mà ông dần dần gây dựng được thế lực riêng và trở thành chư hầu một phương, thậm chí sau này còn lên ngôi xưng đế ở Thành Đô.
Thế nhưng không ít người cũng không khỏi hoài nghi về tính xác thực của thân phận hoàng tộc mà Lưu Bị vẫn thường nhắc đến. Liệu rằng ông có thực sự là hậu duệ của Hán thất hay không?
Nghi vấn xoay quanh nguồn gốc thân thế của Lưu Bị
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Lưu Bị (160 – 223), tự Huyền Đức, là nhà chính trị, quân sự, là một vị thủ lĩnh quân phiệt vào cuối thời Đông Hán và cũng đồng thời là Hoàng đế khai quốc của nước Thục Hán vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Ông vốn là người huyện Trác, quận Trác, thuộc đất U Châu. Tương truyền rằng, Lưu Bị thuộc dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng – người con thứ ba của Hán Cảnh Đế.
Ông nội của ông là Lưu Hùng từng được làm tới chức Hiếu liêm và là huyện lệnh huyện Phạm thuộc Đông quận. Cha Lưu Bị là Lưu Hoằng mất sớm.
Tuy thuộc vào dòng dõi hoàng tộc, thế nhưng do Hán Vũ Đế ban hành "thôi ân lệnh" nên đất phong của các quận vương qua từng đời ngày càng bị phân chia nhỏ lẻ.
Tới thời Lưu Bị, những người thuộc chi thứ của hoàng tộc ngày càng được ít bổng lộc. Vì vậy nên gia đình ông dù vẫn còn danh nghĩa là con cháu hoàng thất nhưng chỉ có thể xếp vào hàng bần nông.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Về thân thế hoàng tộc của vị quân chủ họ Lưu này, cuốn "Tư trị thông giám" thời nhà Tống từng bày tỏ ý kiến nghi ngờ vì lý do:
"Tuy nói là con cháu của Trung Sơn Tĩnh Vương nhưng quan hệ quá xa, không thể ghi rõ thân thế".
Trải qua thời gian, những manh mối về gia phả cũng như gốc gác hoàng tộc của Lưu Bị cũng dần trở nên khó kiểm chứng.
Thế nhưng vẫn có một chi tiết có thể chứng minh cho thân phận không hề tầm thường của vị quân chủ này. Đó chính là thông qua việc phân tích những người đã từng có mối quan hệ giao du với ông.
Yếu tố chứng minh Lưu Bị thực sự là dòng dõi hoàng tộc nhà Hán
Sử cũ ghi lại, do nhà nghèo và mồ côi cha từ sớm, Lưu Bị phải cùng mẹ hành nghề đan giày dệt chiếu để mưu sinh qua ngày.
Sau này, ông có cơ duyên được bái danh sư Lư Thực làm thầy và kết giao với những người xuất thân danh gia vọng tộc thời bấy giờ. Trong số đó có Công Tôn Toản.
Trên thực tế, thời Tam Quốc đã từng có không ít anh hùng hào kiệt lưu danh sử sách. Và có một sự thật hết sức tình cờ là không ít người trong số họ đã quen biết với nhau từ thuở thiếu thời.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ngoài trường hợp của Lưu Bị cùng Công Tôn Toản, vẫn còn một ví dụ tiêu biểu khác. Đó chính là Tào Tháo và Viên Thiệu.
Phải biết rằng, gia cảnh của Viên Thiệu vốn rất mạnh, có thể coi như đệ nhất thế gia thời bấy giờ. Viên Thiệu mặc dù không phải con dòng trưởng nhưng cũng được xem như người sinh ra ở vạch đích.
Trong khi đó, Tào Tháo và Viên Thiệu từng quen biết và còn là bạn từ thuở thiếu thời. Tào Mạnh Đức khi ấy dù chỉ mang thân phận là con nuôi thái giám nhưng vẫn có địa vị xã hội tương đối cao, sau này còn được một người có danh vọng tiến cử nhậm chức Hiếu liêm.
Vì vậy, những nhân vật có cơ hội học chung với nhau hoặc giao hảo với nhau thời đó đa số đều có bối cảnh hoặc là có gốc gác thân thế tương đồng.
Nhìn lại trường hợp của Lưu Bị và Công Tôn Toản, có thể dễ dàng nhận thấy Công Tôn Toản cũng là một người xuất thân danh gia vọng tộc.
Chẳng những đến từ một gia tộc giàu có, cha vợ làm tới chức Thái thú, Công Tôn Toản còn được làm quan từ khi rất trẻ.
Từ đó có thể thấy, những người có cơ hội kết giao cùng nhân vật này ắt cũng sở hữu xuất thân không tầm thường.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trong khi đó, Lưu Bị chẳng những kết giao mà còn học cùng một thầy với Công Tôn Toản, sau đó cũng nhận được sự coi trọng của nhân vật này. Điều đó cũng phần nào chứng minh xuất thân hoàng tộc của Lưu Hoàng thúc là có cơ sở.
Vì vậy nên theo quan điểm của chuyên trang Qulishi, Lưu Bị tuy gia cảnh bần hàn, nhưng gốc gác hoàng gia của ông là điều không thể nghi ngờ.
Hơn nữa người xưa không phải ai cũng dễ dàng bị lừa. Bởi vậy việc thân phận của Lưu Bị có được sự công nhận của người thời bấy giờ cũng đủ để chứng minh ông rất có thể là hậu duệ Hán thất.
Theo Trần Quỳnh/Gia đình & Xã hội