Ở vùng Kinh Bắc có tứ lệnh tộc, là 4 dòng họ nổi tiếng về khoa bảng. Trong đó, họ Ngô ở Vọng Nguyệt, Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh có lẽ để lại ấn tượng nhiều nhất. Không chỉ người đời mà sử sách cũng ca ngợi họ. Chẳng hạn như nhà sử học Phan Huy Chú phải công nhận: “Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô kể từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng đời Hồng Đức, rồi năm đời đỗ Tiến sỹ liên tiếp thực là xưa nay hiếm có”.
Họ Ngô được mệnh danh là dòng họ duy nhất “ngũ đại liên trúng” (5 đời liên tiếp đỗ đại khoa). Thực tế họ này có đến 10 đời đỗ đại khoa (5 đời phát tiến sĩ ở chi trưởng, 5 phát đời tiến sĩ ở chi thứ). Người đầu tiên đỗ đạt trong họ là cụ Ngô Ngọc, về sau liên tiếp 10 đời đều có người đỗ đạt cao.
Một trong những câu chuyện đặc biệt gắn với dòng họ Ngô lệnh tộc ở làng Vọng Nguyệt là lời sấm truyền bí ẩn. Chuyện kể rằng xưa kia làng này có một thầy địa lý người Tàu đến ở tạm. Sau nhiều ngày, thầy địa lý đi khắp nơi rao lên câu sấm: “Sừng trâu, bầu giác, vườn quýt, ao Lác. Ai có tiền, có bạc thì lão bán cho”.
Cả làng chỉ có cụ tổ họ Ngô chú ý lời rao kỳ lạ nên mời thầy địa lý vào tiếp đãi. Sau bữa ăn, ông được thầy địa lý tiết lộ cho: “Ở đây có một khu đất tốt, nếu dùng nó làm nhà thờ họ thì sau này con cháu nhất định khởi đạt, vinh hiển nhiều đời. Mảnh đất này nếu không gặp được người hữu phước thì cũng chỉ như mảnh đất thường mà thôi”.
|
Nhà thờ tổ họ Ngô lệnh tộc trong truyền thuyết. Ảnh: Lao Động
|
Câu sấm thầy địa lý nói có liên quan đến địa điểm được nhắc đến. Sau khi được giải nghĩa, cụ tổ họ Ngô đã lập nhà thờ ở đó. Sau này con cháu họ Ngô xác nhận trong gia phả có chép lại lời sấm cổ nhưng liên quan gì đến chuyện dòng họ đỗ đạt cao hay không thì chưa chắc.
Họ Ngô còn gắn với 2 lần thoát “kỳ án” nổi tiếng. Nhiều con cháu trong họ tin rằng nhờ có “trời giúp” hay thế lực tâm linh nên dòng họ này mới được như vậy. Đầu tiên là chuyện con cụ Ngô Ngọc là Ngô Nhân Hải (đỗ Đệ nhị giáo tiến sĩ xuất thân – Hoàng giáp năm 1508) và Ngô Văn Tổng. Họ đều liên quan vụ mưu phản nổi tiếng cướp ngôi vua.
Khi vua đi lễ ở Lam Kinh, Hoàng giáp Ngô Nhân Hải đã dán nửa hạt nhãn giả làm nốt ruồi, mạo danh vua ra ngự triều. Sau đó ông bị phát giác và bắt giam. Ngô Nhân Hải bị kết tội phản nghịch, tru di tam tộc. Nhưng theo gia phả họ Ngô, vì không có bằng chứng nên triều đình không thể làm gì ông.
Sau đó không lâu, vụ tạo phản của Thân Duy Nhạc và Ngô Tổng (em trai Ngô Nhân Hải) bị xử tử vì tạo phản, tham gia phong trào nông dân nổi dậy. Có người tố giác cho rằng Ngô Nhân Hải phải bị tru di tam tộc theo em trai.
May mắn là nhờ vào tài năng của mình mà ông đã thoát án tử, giúp gia tộc tồn tại qua cơn hoạn nạn. Cụ thể, Ngô Nhân Hải tâu vua: “Xét về bản quán, Ngô Tổng là hàng xóm của thần, nhưng hai người hàng xóm không nhất thiết là cốt nhục. Tổng họ Ngô, chữ Ngô được kết chữ khẩu ở trên, chữ thiên ở dưới. Thần cũng họ Ngô, chữ Ngô của thần được kết chữ Ngũ ở trên, chữ khẩu ở dưới. Như vậy, rõ ràng là đồng âm mà khác nghĩa”.
Câu chuyện thoát “kỳ án” thứ hai xảy ra sau đó không lâu. Cháu nội cụ Ngô Ngọc là Ngô Nhân Trừng sinh ra dưới triều Mạc, thi và đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân – Hoàng giáp. Ông ra làm quan đến chức Đốc đồng kiêm Chi nam bắc nhị đạo trung quân, có quyền tham luận triều chính. Sau này vua Mạc Mậu Hợp bỏ chạy lên Cao Bằng khi bị nhà Lê tiến đánh, Ngô Nhân Trừng cũng đi theo phò tá. Đến đất Lâm Tiên, nhà Lê đuổi kịp và bắt sống họ.
Trịnh Tùng đã khuyên Ngô Nhân Trừng đầu hàng nhà Lê, nhưng vì giữ chữ nghĩa với nhà Mạc mà ông quyết định quyên sinh. Sau đó vua Lê ra lệnh con cháu họ Ngô vĩnh viễn không được đi thi, bị kết tội theo nhà Mạc. Nhưng rồi đến năm 1607, một vị quan đã tâu lên Lê Kính Tông xin tha cho họ Ngô. Vua thuận tình đồng ý. Năm đó con trai Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt đi thi và đỗ luôn tiến sĩ.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo