"Lò vôi thế kỷ" Vị Xuyên trong Chiến tranh biên giới 1979-1989

Google News

Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là một trong những vùng chiến sự đẫm máu trong giai đoạn chiến tranh biên giới chống quân xâm lược hồi 1979-1989. 

Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là một trong những vùng chiến sự đẫm máu trong giai đoạn chiến tranh biên giới chống quân xâm lược hồi 1979-1989, hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh. Chỉ trong một đêm 12/7/1984 mở màn chiến dịch tiến công chiếm lại điểm cao 1509, sư đoàn 356 thuộc đơn vị chủ lực của quân đội Việt Nam đã thiệt hại 600 người.
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km. Cuộc chiến ở vùng Vị Xuyên Hà Giang cực kỳ căng thẳng trong khoảng thời gian 1984 - 1985, giảm dần và kết thúc vào năm 1989.
Trong suốt thời gian đó, những cuộc giành giật các điểm cao biên ải tại Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Giang diễn ra ác liệt.
Trong một bài báo, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 là Trưởng ban Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang cho biết "Trong 5 năm chiến đấu bảo vệ biên giới (1984 - 1989), Hà Giang là nơi đương đầu với cuộc chiến ngay từ đầu và là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất, chịu nhiều tổn thất. Hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương".
Chỉ trong một đêm 12/7/1984 mở màn chiến dịch tiến công chiếm lại các điểm cao 685, 1509, 772, 1030, sư đoàn 356 thuộc đơn vị chủ lực của quân đội Việt Nam đã thiệt hại hơn 600 người.
Trong ký ức của anh Nguyễn Văn Dũng, cựu binh tiểu đoàn 10, trung đoàn 150, trước đó đơn vị anh đóng ở tỉnh Hoàng Liên Sơn (sáp nhập các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Than Uyên của tỉnh Nghĩa Lộ): đầu những năm 1983 - 1984, xung đột ở vùng biên giới Hà Giang kéo dài và ngày một căng thẳng hơn. Khi đơn vị của anh có mặt tại Hà Giang, người dân đã được sơ tán, chỉ còn những chuyến xe chở bộ đội lên trận địa Vị Xuyên, vùng tâm điểm chiến sự lúc bấy giờ.
Anh Tạ Quang Vinh (xem clip) cùng đơn vị anh Dũng kể, sư đoàn 356 được điều động đến Vị Xuyên vào ngày 9/7/1984; ba ngày sau, đêm 12/7/1984, Bộ tư lệnh Quân khu 2 mở chiến dịch tấn công chiếm lại các điểm cao 685, 1509, 772, 1030 đã bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Để giành lại từng tấc đất quê hương, Quân đội Việt Nam đã anh dũng chiến đấu. Sau này, điểm cao 685 được gọi là “lò vôi thế kỷ” hay “đồi thịt băm” nơi đã ghi lại hình ảnh bi hùng của hơn 600 chiến sĩ anh dũng hy sinh rạng sáng ngày 12/7.
Sau khi sư đoàn 356 giải thể, hàng năm, vào ngày này những đoàn xe từ nam ra bắc, từ Hà Nội vẫn đều đặn chở những người cựu chiến binh, những nhân chứng sống của lịch sử về thăm lại chiến trường Vị Xuyên, thắp hương cho các đồng đội đã nằm lại chiến trường này.
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã dần tươi xanh lại, nhưng ai cũng day dứt vì còn nhiều liệt sĩ không/chưa tìm thấy hài cốt. Vùng chiến địa điểm cao 1509 là nơi có những hẻm núi hiểm trở và vực sâu hun hút. Ở nơi chứng tính về cuộc chiến vệ cuộc của dân tộc ta, đến bây giờ người dân địa phương cũng không dám đến vì còn nhiều bom mìn chưa thể tháo gỡ được.
Năm nay, những cựu binh năm xưa lại về bên đài hương 468 dựng ngay tại trận địa Vị Xuyên xưa tưởng niệm.
Trước bàn thờ Đại tướng
Cựu binh sư đoàn 356 Phạm Ngọc Quyền, từng tham gia mặt trận chiến tranh Biên giới Vị Xuyên - Hà Giang, bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc ông và đồng đội hoàn thành di nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một ngày cuối tháng 7 cách đây hai năm, bình đất lấy từ mảnh đất Vị Xuyên, nơi đã nhuộm máu, nước mắt, mồ hôi của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc được ông và các đồng đội kỳ công rước về chỉ không lâu sau khi nhận di thư của Đại tướng từ người con trai cả Võ Điện Biên.
Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang từng là mặt trận khốc liệt năm xưa trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc. 
Trong những ngày chiến đấu đỏ lửa ở mặt trận Vị Xuyên, riêng sư đoàn 356 có khoảng 1.200 cán bộ, chiến sĩ hi sinh tại mảnh đất này.
Họ quyết định lấy đất từ điểm cao 468.
Họ đã cùng đại diện các sư đoàn khác họp bàn, hội ý và quyết định lấy đất từ điểm cao 468, đúng nơi xây đặt đài hương tưởng niệm bây giờ, để mang về dâng lên bàn thờ Đại tướng.
Ông Quyền kể, khi đất đã được cho vào trong bình, phủ vải điều đỏ thì các cựu binh của Sư đoàn 3 Sao vàng xuất hiện.
“Các anh ấy mới kể lại chuyện cũ, rằng đúng điểm cao 468 mà chúng tôi lấy đất, chính là trận địa pháo của Sư 3 sao vàng ngày trước, và nơi lấy đất cũng là nơi 6 chiến sỹ đã hy sinh…”, ông bồi hồi.
Cựu binh Phạm Ngọc Quyền. 
Hơn mười ngày sau khi nhận di thư tâm nguyện của Đại tướng, ngày 23/7/2014, các cựu binh của sư đoàn 356 trở về Hà Nội mang theo chiếc bình chứa tro đất Vị Xuyên để dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trước bàn thờ Đại tướng, những cựu chiến binh vừa dâng chiếc bình vừa rưng rưng nước mắt. Những giọt nước mắt hơn cả những lời nói, hơn cả những câu chuyện mà 30 năm mới được kể…
Một sự trùng hợp, đó là khi chiếc bình mang theo đất Vị Xuyên được mang về bàn thờ Đại tướng tại tư gia, trước đó vài ngày, một chiếc bình khác mang theo cát sỏi từ đất thiêng Hoàng Sa, Trường Sa cũng đã trở về để dâng lên bàn thờ Đại tướng.
Cựu binh Phạm Ngọc Quyền và đồng đội cùng bình đất mang về từ Vị Xuyên dâng lên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Với ông và các cựu binh cùng sư đoàn, sau cuộc chiến, cũng là trọn một tâm nguyện khi các đồng đội nằm xuống tại mảnh đất Thanh Thủy, Vị Xuyên gần 30 năm sau, có một đài hương, đài tưởng niệm mới được thành hình chính trên mảnh đất chiến trường xưa.
Hình ảnh nhắc nhở các thế hệ về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 
Nó không chỉ là nơi tâm linh để các liệt sỹ có chỗ trú mưa nắng, mà hơn cả, nó là hình ảnh nhắc nhớ các thế hệ người dân Việt Nam nhớ về một cuộc chiến giống như nhiều cuộc chiến khác đã xảy ra trong cuộc trường chinh giành – giữ cương vực chủ quyền.
Và, nó cũng là trút đi một khối nặng nỗi niềm đè nén tâm trí những đồng đội còn sống, trở về với cuộc sống đời thường, như cựu binh Phạm Ngọc Quyền.
Lời bài hát “Về đây đồng đội ơi”, do nhạc sĩ Trương Quý Hải, cũng là một cựu binh Vị Xuyên sáng tác riêng cho những người lính Vị Xuyên len lỏi trầm hùng gửi tới đến các vong linh liệt sĩ.
Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn.

Hà Giang đã ngưng chiến trận.

Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn.

Đài hương 468 (bốn sáu tám) ta hội quân.

Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu ...

Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào ...

Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình

Quân dân nồng ấm nghĩa tình

Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi,

Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười.

Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà.

Biên cương hình bóng quê nhà.

Nhìn kia, đồng đội tôi 1509 (một năm không chín) máu thắm quân kì;

772 (bảy bảy hai), 685 (sáu tám năm) anh em đang về.

Và kia 1100 (một nghìn một trăm), 233 (hai ba ba) Cô Ích, bốn hầm,

Bờ suối, dốc núi, anh em về dần.

Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu ...

Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào ...

Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình

Quân dân nồng ấm nghĩa tình.

Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi,

Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười.

Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà.

Biên cương hình bóng quê nhà
”.
Theo Thái Bình - Hoàng Hường - Đoàn Bổng/Vietnamnet