Lịch sử 130 năm đầy kinh ngạc về rửa tay sát khuẩn

Google News

Cho đến tận giữa những năm 1800, các bác sĩ không bao giờ có thói quen rửa tay sát khuẩn. Họ liên tục làm việc từ mổ tử thi đến đỡ đẻ. Sau đó, nhờ bước đột phá quan trọng của một bác sĩ người Hungary, khái niệm về việc rửa tay đã thay đổi hẳn.

Cảm giác đôi chút lạ lùng khi Thủ tướng Anh Boris Johnson kết thúc phiên họp khẩn đầu tiên hôm 3/2 về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và kêu gọi người dân rửa tay kỹ lưỡng trong khoảng thời gian dài bằng bài hát “Chúc mừng sinh nhật”. Là một trong số ít những điều chúng ta có thể làm để ngăn chặn đáng kể sự lây lan của virus, những quy tắc mới cho thói quen rửa tay hàng ngày đã được cộng đồng mạng lan truyền rộng khắp.
Tờ Guardian đưa tin nam ca sĩ Brandon Flowers của ban nhạc rock Killers đã đăng đoạn video ông rửa tay sạch sẽ trong lúc hát bản hit của mình là “Mr Brightside”, giới thiệu cùng 4 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter. Nữ diễn viên gạo cội Gyles Brandreth cùng nhà văn Gyle Brandreth cũng chia sẻ đoạn clip hai người cùng rửa tay và ngâm thơ. Một website chuyên tạo đồ họa rửa tay theo lời bài hát yêu thích cũng trở nên thịnh hành.
Lich su 130 nam day kinh ngac ve rua tay sat khuan
Bác sĩ Ignaz Semmelweis rửa tay trong dung dịch nước clo. Ảnh: Bettmann Archive 
Đối với bà Nancy Tomes, Giáo sư lịch sử uyên bác tại Đại học Stony Brook (Mỹ), khi trông thấy lời khuyên về vệ sinh cá nhân cơ bản như việc rửa tay được xuất hiện khắp các bản tin y tế, bà cảm thấy kỳ lạ hơn cả.
“Là một nhà sử học nghiên cứu về dịch bệnh và sau đó chứng kiến điều này, cảm giác giống như một hành khách ngồi trên tàu Titanic và theo dõi thảm kịch kết thúc”, bà chia sẻ. Bà cũng cảm thấy giống như quay ngược thời gian về đầu thế kỷ 20, lúc các bệnh truyền nhiễm như lao và đậu mùa là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, và những phát hiện khoa học mới về vi trùng đã dẫn đến nỗi ám ảnh diện rộng đầu tiên trong việc vệ sinh bàn tay.
Nghi lễ rửa tay đã tồn tại hàng ngàn năm nay trong đạo Hồi, đạo Do thái cùng một số nền văn hóa khác, song khái niệm bệnh dịch lây lan qua bàn tay mới chỉ tồn tại trong hệ thống y tế khoảng 130 năm nay. Tuy nhiên, phát hiện đầu tiên về tầm quan trọng thật sự của việc rửa tay có thể cứu sống mạng người xuất hiện từ trước đó 50 năm, vào năm 1848, khi đó như một cú sốc lớn và khó chấp nhận.
Giáo sư sinh học Miryam Wahrman tại Đại học William Paterson (Mỹ) kiêm tác giả cuốn “Sống sót trên thế giới đầy vi trùng” nhận xét: “Nếu cần thiết gọi tên cha đẻ của việc rửa tay thì đó là ông Ignaz Semmelweis”. Trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vienna, vị bác sĩ người Hungary này đã ở tuyến đầu nghiên cứu cách tiếp cận khoa học hơn đối với nền y khoa. Khi chứng kiến một khoa sinh sản tại bệnh viện lại có tỷ lệ tử vong vì sốt hậu sản cao đáng kể so với phòng khám do bà đỡ điều hành, ông đau đáu đặt câu hỏi tại sao.
Vi trùng khi đó chưa được phát hiện ra và đến tận những năm 1840, người ta vẫn tin bệnh tật bị lây lan bởi ám khí – mùi hôi thối trong không khí xuất phát từ xác chết thối rữa, nước thải hoặc rau xanh. Người dân thời Nữ hoàng Victoria đóng chặt cửa sổ để chống lại ám khí. Vậy nên, chẳng sao cả nếu các bác sĩ tập sự tại Bệnh viện Đa khoa Vienna đến nhà xác để mổ tử thi sau đó lại về khoa sản để đỡ đẻ mà không cần rửa tay.
Cho đến ngày một bác sĩ không may bị dao mổ cắt trúng tay trong lúc mổ tử thi và tử vong, triệu chứng giống như cơn sốt hậu sản mà các bà mẹ thường gặp phải. Ông Ignaz Semmelweis đưa ra giả thuyết rằng nguồn cơn là do các phân tử chết người tại nhà xác và các hạt này đã bám vào tay bác sĩ, xâm nhập vào cơ thể sản phụ trong quá trình chuyển dạ.
Để kiểm nghiệm giả thuyết của mình, ông yêu cầu các bác sĩ rửa tay cùng dụng cụ trong dung dịch chlorine – chất mà ông Semmelweis cho rằng có thể khử mùi chết chóc của các hạt phân tử trong nhà xác. Trước thí nghiệm, Giáo sư Wahrman cho biết tử lệ tử vong của sản phụ cao đến 18%. Sau khi bác sĩ Semmelweis tiến hành vệ sinh bàn tay những người trở về từ nhà xác, tỷ lệ trên chỉ còn gần 1%.
Bất chấp kết quả thành công thu được, ý tưởng vệ sinh bàn tay của ông Ignaz Semmelweis bị phản đối dữ dội và đi đến cái kết bi thảm. Ông bị mất việc, suy sụp. Ông qua đời năm 1865 tại một bệnh viện tâm thần ở tuổi 47.
Theo nhà sử học Nancy Tomes, một phần của vấn đề trên chính là việc mọi người không hề biết đến khái niệm bản thân họ giống như những chiếc đĩa nuôi cấy vi khuẩn biết đi. Và cộng đồng bác sĩ cực lực bác bỏ giả thuyết họ có thể gây lây nhiễm bệnh tật. “Phần đông bác sĩ tại Vienna thời đó xuất thân từ tầng lớp trung hoặc thượng lưu. Họ cho rằng bản thân rất sạch sẽ so với những người lao động nghèo khổ. Ông Semmelweis đã xúc phạm họ khi ông nói tay họ bẩn”, bà Tomes giải thích.
Hơn 40 năm sau, sự hiểu biết về vi trùng đã phát triển và thái độ với việc vệ sinh bàn tay dần thay đổi. Năm 1847, ông Louis Pasteur với uy tín trong ngành diệt khuẩn, đã kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức về mầm bệnh cũng như cách tiêu diệt chúng bằng nhiệt độ cao. Năm 1876, nhà khoa học người Đức Robert Koch phát hiện trực khuẩn bệnh than, mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới là vi khuẩn học. Dịch tả, bệnh lao, bạch hầu và trực khuẩn thương hàn sau đó lần lượt được “chỉ mặt, đặt tên”.
Bác sĩ phẫu thuật bắt đầu rửa tay một cách nghiêm túc. Bà Tomes nói: “Nếu bạn rạch mở lớp da của ai đó – đó là lớp bảo vệ cơ thể - bạn phải có biện pháp phòng ngừa cẩn thận”. Nhà phẫu thuật người Anh Joseph Lister tiên phong trong việc phẫu thuật sát trùng, trong đó có rửa tay. Theo nữ lịch sử gia, tới năm 1890 và đầu năm 1900, rửa tay đã chuyển biến từ một hành động chỉ có bác sĩ làm thành hành động ai cũng được khuyên làm.
Lich su 130 nam day kinh ngac ve rua tay sat khuan-Hinh-2
Bác sĩ Joseph Lister cùng cộng sự. Ảnh: Pictorial Press Ltd 

Nhà thống kê y tế Florence Nightingale cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng rửa tay. Mặc dù vẫn làm việc dưới giả thuyết về ám khí, bà đã giúp cải thiện vệ sinh tại các bệnh viện quân sự trong cuộc chiến tranh Crimea thập niên 1850. Sau khi trở về Anh, bà đã thành lập ngành điều dưỡng. Người phụ nữ này đã làm thay đổi quan niệm của các bà nội trợ trong gia đình về sự sạch sẽ.
Đầu thế kỷ 20 đã ghi nhận làn sóng chiến dịch nâng cao sức khỏe cộng đồng đầu tiên về bệnh lao. Bà Nancy Tomes nói: “Nhà khoa học Robert Koch chỉ ra rằng lao không phải thứ bệnh mà bạn di truyền từ bà của bạn, mà do bà của bạn ho vào mặt bạn, và đó là lý do bạn bị lao”. Phong trào chống lao được nhắm vào cả đối tượng trưởng thành lẫn học sinh. Các em nhỏ sẵn sàng chỉ cho bạn các quy tắc để giữ gìn vệ sinh và rửa tay.
Bà Tomes nói thêm: “Mọi người trở nên sợ hãi về việc bắt tay hoặc hôn nhau khi họ hiểu rằng miệng, da và tóc của họ có tất cả vô số vi trùng”. Đó là một lý do vì sao những người đàn ông trẻ tuổi bắt đầu cạo râu vào đầu thế kỷ 20 và tại sao thực phẩm bắt đầu được bán theo gói riêng lẻ, chính là do nỗi sợ “vi trùng và bàn tay chạm vào đủ thứ”. Tuy nhiên, thời đại đề cao yếu tố vệ sinh này không kéo dài.
Sự kết hợp giữa tuyên truyền y tế cộng đồng cùng sự phát triển của vaccine và kháng sinh đầu thế kỷ 20 đã đem đến kết quả là tỷ lệ tử vong do các bệnh vi khuẩn gây ra giảm mạnh. Bà Nancy Tomes cho rằng kể từ đó, nhận thức về việc vệ sinh đôi bàn tay trở nên kém quan trọng hơn. Người dân bắt đầu chủ quan trong chăm sóc sức khỏe và trong sinh hoạt sau thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục bắt đầu tăng trở lại vào thập niên 1970. “Mọi người bắt đầu nhận ra rằng bệnh tật có thể quay trở lại nếu chúng ta bất cẩn. Song, khi virus HIV xuất hiện vào những năm 1980 – đây là loại virus mới, chết người và len lỏi sâu trong cơ thể - vấn đề giữ vệ sinh cá nhân lại được nâng cao”, nhà lịch sử Tomes lưu ý.
Dù vậy, do HIV lây truyền qua máu, tinh dịch, dịch âm đạo và sữa mẹ nên rửa tay không phải một nhân tố quan trọng để phòng chống. Các siêu vi khuẩn của bệnh viện đã trở thành một vấn đề nan giải. Giờ đây, các loại virus mới xuất hiện khá thường xuyên và thực tế chúng ta đang tái phát bệnh do vi khuẩn vì tình trạng kháng kháng sinh.
Tuy nhiên, việc tuân thủ rửa tay sát khuẩn trong lĩnh vực công cộng và chăm sóc y tế trên thực tế vẫn ở mức thấp báo động trước khi xảy ra dịch COVID-19. Trong cuốn sách của mình, bà Wahrman dẫn kết quả nghiên cứu thực hiện trong các trường đại học năm 2009 cho thấy: “Sau khi tiểu tiện, 69% phụ nữ rửa tay và chỉ 43% đàn ông thực hiện điều này. Sau khi đại tiện, 84% phụ nữ và 78% đàn ông rửa tay. Trước khi ăn – thời điểm quan trọng để rửa tay - 10% đàn ông và 7% phụ nữ rửa tay”.
Theo Báo Tin Tức