Ngày này mọi gia đình đều sắm sửa một mâm cổ để cúng tiễn ông Công ông Táo về trời.
Ngoài mâm cổ, dân gian còn cúng cả cá chép để thần Táo cưỡi về trời báo cáo Ngọc hoàng mọi sự tốt lành, hay dở... trong một năm qua.
PLO xin giới thiệu lễ vật cúng đưa ông Công ông Táo 23 tháng Chạp chuẩn nhất để bạn đọc tham khảo.
Theo thượng tọa Thích Minh Hóa, chùa Minh Phước, Hóc Môn, TP.HCM:
"Cúng đưa ông Công ông Táo vào trưa 23 tháng Chạp, mọi người sắm lễ gồm:
Một bình bông, đĩa trái cây ngũ quả (thanh long, mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài). Ba chén chè trôi nước, ba đĩa mứt, ba đĩa trà khô, nhang, đèn, trà, rượu. Bên ngoài có bán giấy đồ cúng gồm tiền, vàng, đồ, kẹo, cốm, bánh, con ngựa…
|
Bộ đồ giấy Táo quân và ba chén chè trôi nước là lễ vật không thể thiếu cúng ông Táo. Ảnh: NT |
Việc thả cá chép dưới sông, ao, hồ… để cá cùng đưa thần Táo về trời để tâu tất cả việc dưới trần gian này.
Sau khi cúng xong, ba thần Táo đem bỏ ở ngoài gốc cây để các vị nghỉ ngơi. Thần Táo về trời tâu rõ mọi việc dưới trần gian chủ nhà làm cái gì. Tội, phước ngài đều ghi chép để trình Ngọc hoàng.
Ngoài việc cúng trong nhà ở nơi an vị ngài vẫn cúng ở trước nhà, đó là tùy mỗi gia đình.
Ngày 30 phải rước ông Táo về trời ngự ở gia đình để cầu xin ngài phù hộ cho đất nước được thanh bình, nhân dân an lạc. Tất cả dân chúng đều cơm no áo ấm. Mọi người đều sống thoải mái qua đầu năm cho những cuối năm".
Cũng theo thượng tọa Thích Minh Hóa, mỗi năm có một vị Táo quân và một vị hành khiển. Cứ 12 năm giáp vòng. Năm nay là năm Tuất nên khấn vái: "Ông Thiên bá Thành tào hành hành binh, ông Việt Vương hành khiển".
|
Ngày nay mọi người cũng cúng mâm cơm mặn gồm thịt, cá lóc nướng, bánh chưng, bánh tét... đặt ngay trên bếp. Ảnh: NT |
Theo GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta không phải là một hủ tục mê tín dị đoan.
Đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "hai ông một bà" - vị thần đất, vị thần nhà, vị thần bếp núc.
Theo đó, cứ đến ngày 23, 24 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm. Nên khi cúng người ta hay cúng bánh mật để Táo quân ăn, khi lên báo cáo thiên đình sẽ nói những lời ngọt ngào, có lợi cho gia chủ…
|
Cách trưng bày Đông bình Tây quả (bên phải là bình bông, bên trái là ngũ quả). Ảnh: NT |
|
Mâm cúng chay ông Táo hoa quả. Ảnh: NT |
Tín ngưỡng này giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện. GS Trần Lâm Biền chia sẻ: "Theo truyền thống thì lễ cúng Táo quân chỉ cần mâm cơm, chè ngọt, trầu cau, hoa quả đơn giản, không cần quá cầu kỳ...".
Theo NT/Pháp luật TP HCM