Sài Gòn, với tác giả, là nơi bao dung nhất cho những con người tứ xứ về đây.
Nơi gắn bó với phận đời của bao con người sống ở Sài Gòn, nhất là dân nghèo... Họ mang cả quê hương, xứ sở trong chuyến ly hương: "Chợ gắn với đời sống, văn hóa của họ dù tha phương cầu thực. Họ lập chợ vì nhớ những món mang hồn cốt, hào khí quê hương một thuở".
Sài Gòn với tác giả, không phải là cuộc "cưỡi ngựa xem hoa", không chỉ là "hòn ngọc Viễn Đông", mà sâu hơn tất thảy, nó như lời của sư cô Tuấn Liên chia sẻ: "Người dân ở đây còn có tâm tính tốt, rồi khi họ dọn đi, chủ nhà mới dọn đến cũng người thiện tâm. Nên phước lành vẫn còn lưu lại ở con hẻm. Dù kinh tế, cảnh quan của con hẻm có thay đổi nhưng tình người ở đây không hề đổi thay".
Người ta không chỉ đọc những dòng chữ, xem những bức ảnh bằng thị giác, mà còn có thể cảm nhận được mùi vị của quá khứ bằng khứu giác, âm thanh của ngày hôm qua bằng thính giác...
Và vậy là, sau khi lê la khắp các ngóc ngách Sài Gòn cùng tác giả, lật đến trang cuối, tiếng loạt soạt của trang sách khiến ta bừng tỉnh, nhưng trong lòng cứ vương vấn mãi những lời răn dạy của ông chủ Quán nghèo: "Hận mình thiếu may mắn nhưng phận nghèo chí không nghèo. Phú quý do trời ban. Đức độ lưu muôn phương".
Theo Mẫu Đơn/Báo Đà Nẵng