Ảnh minh họa.
Giai thoại lịch sử vẫn kể rằng, sau khi vua Lê Thái Tổ đánh thắng quân Minh xâm lược, chém đầu viên tướng giặc là An Thành hầu Liễu Thăng, vua Minh tức giận, bắt các vua nhà Lê phải “đền” lại Liễu Thăng bằng người vàng. Tuy nhiên, điều này không có trong chính sử.
Sách “Bang giao chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, khi chép về bang giao giữa nhà Lê sơ và nhà Minh, viết rằng sau khi vua Lê Thái Tổ bình định được thiên hạ “Sai bọn Lê Thiếu Dĩnh, Lê Cảnh Quang và Lê Đức Huy đem biểu văn và sản vật các thứ sang nhà Minh, gồm: Một người vàng thay mình, một lư hương bằng bạc, một đôi bình hoa bạc, 300 tấm lụa thổ rản, 1 đôi ngà voi, 20 lọ hương hun áo, 2 vạn nén tuyển hương, 24 khối tốc hương…”.
Trong khi đó, các triều đại trước đó từ Tiền Lê, Lý, Trần liên tiếp đều có các chuyến bang giao với các triều đại Trung Quốc, thông thường 3 năm một lần, cống phẩm được ghi nhận gồm có cả vàng bạc, châu báu, nhưng không thấy ghi cụ thể về người vàng, lư hương vàng, bạc.
Bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: Niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 12 đời vua Lê Dụ Tông (1716), sứ đoàn sang nhà Thanh về nước, phụng chỉ dụ của vua nhà Thanh (lúc đó là vua Khang Hy) nói: Phẩm vật tuế cống, lư hương và bình hoa bằng vàng, chậu bằng bạc, từ sau được theo số lượng đã định mà thay thế làm thành vàng đĩnh, bạc đĩnh rồi giao quan chức tỉnh Quảng Tây thu nhận lưu trữ, còn ngà voi và tê giác đều được miễn, người tùy hành cũng liệu lượng giảm bớt.
Sứ đoàn này sang nước Thanh từ tháng Giêng năm 1715. Dẫn đầu sứ đoàn gồm có hai viên Chánh sứ là Tả thị lang bộ Họ Nguyễn Công Cơ và Thái bốc tự khanh Lê Anh Tuấn; phó sứ là Thượng bảo tự khanh Đinh Nho Hoàn và Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Mậu Áng.
Về phẩm vật cống nạp cho triều Thanh trước đó, các sử quan triều Nguyễn tra cứu trong sách “Việt thuật” của Hoàng Sơn Mẫn nhà Thanh chép: “Năm Quý Mão niên hiệu Khang Hy (1663), nước An Nam sai sứ thần sang cống nạp. Lễ cống có: 4 bộ lư hương và bình hoa bằng vàng, tất cả nặng 209 lạng; 12 chiếc chậu bằng bạc tất cả nặng 691 lạng; 20 bộ tê giác và 20 chiếc ngà voi”.
Sách “Bang giao chí” của Phan Huy Chú bổ sung thêm về các lễ vật, ngoài lư hương và bình hoa vàng, chậu bạc như trên, còn có 20 chiếc mâm bạc, nặng 692 lạng tương đương 69 đĩnh bạc, và trầm hương 690 lạng, tốc hương 2.368 lạng.
Việc nhà Thanh cho phép triều Lê chuyển từ lư hương, bình hoa vàng sang đĩnh vàng cũng được chép trong tập “Bang giao triều cố Lê”. Theo đó, vào năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12, tức năm Khang Hy thứ 55 (1716) triều Thanh, quan chức tỉnh Quảng Tây tư sang nước ta nói: “Bộ Lễ tâu (lên vua Khang Hy) rằng: Quốc vương An Nam sai bồi thần là bọn Nguyễn Công Cơ dâng lễ tuế cống hai lần.
Sau được chỉ dụ (vua Thanh) nói: An Nam dâng lễ cống như lư hương bằng vàng, bình hoa bằng vàng, chậu bằng bạc và tê giác, ngà voi, xét ra đường sá xa xăm, vận tải khó nhọc. Vậy từ sau được thay thế làm thành vàng đĩnh, bạc đĩnh, rồi giao cho ty Bố chính tỉnh Quảng Tây lưu trữ vào kho. Lại vâng chỉ dụ cho miễn việc dâng tiến tê giác và ngà voi. Còn việc dâng biểu văn quan hệ về điển lễ lớn, nghĩ cho châm chước liệu lượng rút bớt số quan viên và chức dịch phải tới kinh đô”.
Về tần suất cống lễ, năm 1718, nhân chuyến sứ đoàn Nguyễn Công Kháng, Nguyễn Bá Tông sang nhà Thanh cáo tang Thái thượng hoàng Lê Hy Tông mất, vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh đã vin vào cớ đường sá xa xôi, hiểm trở, xin nhà Thanh cho sáu năm cống một lần, nhưng cống phẩm nhiều gấp đôi. Bộ Lễ nhà Thanh có tờ tư ưng thuận, lại quy định từ đó, mỗi sứ đoàn chỉ gồm bồi thần 3 viên, nhân viên tùy tùng 20 người. Từ đó trở đi, sứ đoàn sang nhà Thanh chỉ gồm một viên chính sứ và hai viên phó sứ.
Đến đầu triều Nguyễn, từ năm Giáp Tí 1804, vua Gia Long bắt đầu cử sứ đoàn sang nhà Thanh do Lê Bá Phẩm làm Chánh sứ. Theo “Đại Nam thực lục”, lễ vật gồm: Vàng tốt 200 lạng, bạc 1.000 lạng, lụa the đều 100 tấm, sừng tê 2 tòa, ngà voi và nhục quế đều 100 cân. Ngoài ra, sứ đoàn này cũng đem theo cả hai lễ cống năm Quý Hợi (1803) và năm Ất Sửu (1805), gồm ngà voi 2 cặp, sừng tê 4 tòa, trừu, the, lụa, vải đều 200 tấm, trầm hương 600 lạng, tốc hương 1.200 lạng, sa nhân, cau khô đều 90 cân.
Sử nhà Nguyễn viết: Theo lệ bang giao cũ, cứ 2 năm thì cống một lần, 4 năm một lần sai sứ dâng hai lễ cống. Trước ta gửi thư sang Thanh, người Thanh đưa thư trả lời nói việc tuế cống lấy năm 1803 bắt đầu lễ cống hai năm 1803 và 1805 đều cho sứ giả tạ ân cùng dâng, cho nên sai bọn Lê Bá Phẩm kiêm cả.
Theo Lê Tiên Long/Giáo dục thời đại