Vua chúa trong các triều đại của Trung Quốc đều mong muốn xây lăng mộ xa hoa cho riêng mình. Đồ bồi tang đều là những loại bảo vật quý hiếm. Nhưng trong thời kỳ gian khó, kho báu trong lăng mộ trở thành mục tiêu thèm muốn của nhiều người. Họ đều muốn cướp kho báu trong lăng mộ để bổ sung quân lương và mua sắm trang thiết bị củng cố sức mạnh quân sự của mình.
Vụ trộm mộ khét tiếng
Tôn Điện Anh (1889-1947) sinh ra và lớn lên trong một gia đỉnh nghèo ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tôn từng lang bạt trong giới giang hồ, mê bài bạc, thông thạo nhiều mánh khóe và có quen biết rộng.
Sau thời gian tung hoành buôn thuốc phiện, Tôn Điện Anh phải rời khỏi Lạc Dương đến Thiểm Tây. Nhờ các mối quan hệ cũ, Tôn nhanh chóng "rửa sạch" thân thế và được cất nhắc lên chức vị lớn trong quân đội. Năm 1925, Tôn Điện Anh trở thành tư lệnh Quân đoàn số 12 dưới trướng Tưởng Giới Thạch và nắm trong tay hàng trăm quân lính.
Câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao đường đường là một quân phiệt với lực lượng quan binh bộ tướng đông đảo, Tôn Điện Anh lại nghĩ đến việc trộm mộ? Câu trả lời chính là vì thiếu tiền!
Năm 1928, các tướng quân phiệt hỗn chiến ác liệt, quân lương cạn kiệt, dân chúng thì bần hàn. Quân đoàn của Tôn vì không phải quân đội chính quy nên quân lương bị cắt giảm, tinh thần của họ trở nên rệu rã. Trong khi đó, ai nhiều súng là lớn nhất và muốn tuyển thêm người thì phải có tiền.
Trước tình thế nguy cấp, lại đang đóng quân tại Hà Bắc, Tôn Điện Anh sực nhớ tới kế "trộm mộ nuôi quân" của các bậc tiền bối thời xưa như Tào Tháo, Hoàng Sào. Lại đúng lúc đóng quân tại Hà Bắc, Tôn Điện Anh đã lập tức nghĩ đến Đông Lăng của nhà Thanh và lên kế hoạch táo tợn trộm mộ vua chúa Thanh triều.
Trong số các tướng quân phiệt thời bấy giờ, không chỉ có Tôn Điện Anh nảy sinh ý định trộm mộ để lấy châu báu nuôi quân, mà hắn chỉ là người nổi tiếng nhất trong số những kẻ dám làm chuyện táng tận thiên lý.
Lối vào lăng mộ Từ Hi Thái hậu. Ảnh: Sohu
Càn quét các lăng mộ
Thanh Đông Lăng là nơi chôn cất của 5 vị hoàng đế Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong, Đồng Trị, cùng 15 hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa triều đại nhà Thanh. Trong lúc thời thế loạn lạc, việc canh giữ lăng trở nên lỏng lẻo, tạo cơ hội ngàn vàng cho đám mộ tặc Tôn Điện Anh tung hoành.
Từng là kẻ mưu mô trong giới giang hồ, Tôn Điện Anh biết hắn không có nhiều thời gian, không thể lục tìm toàn bộ Đông Lăng. Vì thế, Tôn đã lựa chọn hai lăng mộ hoành tráng nhất là vua Càn Long và Từ Hi Thái hậu. Khi còn sống, đây là hai người có cuộc sống xa hoa, hẳn đồ tùy táng sẽ vô cùng nhiều và quý.
Lấy danh nghĩa quân đội đi diễn tập, Tôn Điện Anh phong tỏa khu vực quanh lăng, cấm người dân qua lại. Đoàn công binh cho bắt một người thợ đá từng tham gia xây lăng để chỉ vị trí cửa lăng. Mặc dù tìm thấy cửa, bính lính đều phải bất lực trước tầng đá hoa cương được quét hồ gạo nếp vững chắc. Mặc cho chúng ra sức đào đục, cửa lăng vẫn không hề suy suyển. Tôn Điện Anh điên tiết, ra quyết định táo tợn chưa từng có là công khai cho nổ bom để phá lối vào lăng mộ.
Và suy đoán của Tôn đã đúng. Bảo vật trong lăng của Từ Hi Thái hậu khiến ai chứng kiến cũng cảm thấy choáng ngợp. Chúng vơ vét được vô số trang sức bằng ngọc bích, san hô, mã não và ngọc trai sáng lấp lánh.
Riêng Tôn Điện Anh xông đến cho cạy nắm quan tài, lột sạch phụng bào trên người bà. Hắn vốn biết Từ Hi Thái hậu khi còn tại thế có cuộc sống vô cùng xa hoa, nên khi chôn cất, quần áo trên người bà hẳn phải là chất liệu hiếm có trong thiên hạ. Quả đúng như vậy, quần áo của Từ Hi Thái hậu được dệt bằng chỉ vàng, bạc và được gắn vô số ngọc trai cùng đá quý để trang trí. Có thể nói phụng bào trên người Từ Hi Thái hậu là thứ đắt giá nhất trong lăng.
Tương truyền, trên đầu của Từ Hi Thái hậu có chiếc mũ gắn viên ngọc to bằng quả trứng với giá hơn 10 triệu lượng bạc. Miệng bà ngậm một viên minh châu, cổ đeo 3 chuỗi đá quý, tay cầm nhành sen bằng ngọc. Toán lính tham lam giành giật nhau đến nỗi để thi hài của Từ Hi Thái hậu "chỏng chơ" trên nắp quan tài. Ước tính số vàng bạc châu báu mà Tôn Điện Anh trộm được từ lăng mộ của Từ Hi Thái hậu lên đến hơn 30 cỗ xe đầy.
Thu về một kho báu khổng lồ khiến Tôn Điện Anh nóng lòng muốn cạy cửa lăng tẩm của vua Càn Long, một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc. Cảnh tượng trong lăng vua Càn Long khiến Tôn được mở mang tầm mắt. Không tính đến vượng vàng bạc châu báu nhiều vô kể, lăng vua còn có nhiều cổ vật hiếm thấy. Sau khi càn quét nơi an táng của vua Càn Long, Tôn Điện Anh sở hữu được vô số bảo vật như đồ cổ, thư pháp, tranh vẽ giá trị.
Sau khi bị đám mộ tặc càn quét, lăng mộ vua Càn Long chỉ còn là bãi lầy hỗn độn. Thi hài của nhà vua bị hủy hoại nghiêm trọng khiến muôn người xót xa. Cuốn "Tổng hợp Đông lăng tặc án" có ghi: "Một mảnh xương sườn, hai xương bàn chân. một xương đầu gối đã được tìm thấy bên ngoài lăng".
Ngay sau đó, vụ trộm lăng mộ của Tôn Điện Anh bị phanh phui khiến cả nước dậy sóng. Các tầng lớp nhân dân phẫn nộ lên án hành vi vô đạo đức này và gọi Tôn là kẻ tội đồ với phần mộ của tổ tiên.
Quan tài và hài cốt vua Càn Long bị hủy hoại nghiêm trọng. Ảnh: Sohu
Nhưng mặc cho sự phẫn nộ của muôn dân, Tôn Điện Anh lại chẳng phải chịu bất cứ hình phạt đáng kể nào. Với số châu báu trong tay, Tôn dùng những mối quan hệ để chạy tội hòng thoát khỏi thảm cảnh.
Tôn tặng Đệ nhất phu nhân Tống Mỹ Linh chiếc mũ gắn viên ngọc, tặng Tưởng Giới Thạch thanh Cửu Long bảo kiếm. Các quan chức cao cấp khác cũng được hối lộ hậu hĩnh. Mờ mắt trước báu vật và bàng quan vì đó không phải lăng mộ tổ tiên mình, các quan chức và thẩm phán đã cho Tôn Điện Anh thoát án trót lọt.
Kết quả là Tôn Điện Anh bình an vô sự cho đến khi bị Quân đội nhân dân Trung Quốc bắt giữ.
Theo PV/ Doanh nghiệp & Tiếp thị