Lã Bố và Triệu Vân: Ai anh hùng, ai lang sói?

Google News

Quả nhiên, mỹ nữ vẫn luôn là cửa ải cuối cùng của đời anh hùng, kể cả đó là Lã Bố. Tuy nhiên, với riêng Triệu Vân, mọi thứ lại khác.

"Anh hùng nan quá mỹ nhân quan" (Anh hùng khó qua ải mỹ nhân) dường như đã trở thành một lời nguyền khó giải. Thế nhưng trong bộ tiểu thuyết bất hủ Tam Quốc Diễn Nghĩa", hai chữ "anh hùng" được sử dụng tinh tế: Đối với kẻ háo sắc thấy lợi quên nghĩa như Lã Bố thì dù có tài giỏi xuất chúng đến đâu cũng bị người đời chê cười, còn bậc trượng phu trung nghĩa, không động tà tâm trước nữ sắc như Triệu Tử Long thì được ca tụng là "anh hùng" hết lần này đến lần khác.

Lã Bố - Hổ lang đội lốt anh hùng?

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lã Bố có thể nói là vị tướng dũng mãnh nhất, vũ dũng hơn cả các nhân vật Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Hứa Chử, Mã Siêu. Lã Bố đã từng một mình chiến đấu với Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Lã Bố ra trận đầu búi tóc, đội kim quan, ngoài phủ giáp đường nghê, thắt bảo đới ti loan, mình mặc chiến bào đỏ thêu trăm hoa, ngoài khoác áo giáp thú diện liên hoàn, lưng đeo một bộ cung tên bạc, tay cầm Phương Thiên Họa Kích, cưỡi ngựa Xích Thố, dũng mãnh vô cùng.

La Bo va Trieu Van: Ai anh hung, ai lang soi?

Lã Bố.

Lã Bố nổi danh kiêu dũng, thiện chiến nhưng lại là kẻ hay trở mặt lật lọng, thấy lợi quên nghĩa. Trước vì vàng bạc chức tước mà giết nghĩa phụ Đinh Nguyên, qua hầu Đổng Trác; sau lại vì tranh nàng Điêu Thuyền mà giết "nghĩa phụ" họ Đổng. Cuộc đời chinh chiến của Lã Bố có không ít thắng lợi, nhưng vần thơ ca ngợi Lã Bố anh hùng thì gần như không có.

Nếu trên chiến trận Lã Bố uy dũng hơn người thì trước nữ sắc, Lã Bố lại không còn giữ được phong thái của chính nhân quân tử. Hồi 8 Tam Quốc Diễn Nghĩa có đoạn kể về lần đầu tiên Lã Bố gặp Điêu Thuyền, từng câu từng chữ đều lột tả cái tính "háo sắc" vốn đã ăn vào máu:

Bố mời Thuyền ngồi. Thuyền giả cách thẹn thùng, muốn lui vào, Doãn nói:

- Tướng quân là bạn chí thân với ta, con cứ ngồi đừng ngại.

Thuyền khép nép, ngồi bên cạnh Doãn. Lã Bố nhìn Thuyền chòng chọc, không chớp mắt, lại uống thêm vài chén.

La Bo va Trieu Van: Ai anh hung, ai lang soi?-Hinh-2
Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996: Lã Bố bị sắc đẹp của Điêu Thuyền làm xiêu lạc.

Doãn mới trỏ tay vào Thuyền mà bảo Lã Bố rằng:

– Lão vẫn có ý cho nó hầu hạ tướng quân làm tỳ thiếp, chưa biết tướng quân có bụng hạ cố thương đến không?

Bố nghe nói vội vàng đứng dậy, ra ngoài chiếu, tạ mà nói rằng:

– Nếu được như thế, tôi xin một đời làm khuyển mã để báo đáp ơn sâu.

Doãn nói:

– Nay mai xin chọn ngày lành tháng tốt, đưa nó đến phủ tướng quân.

Lã Bố mừng hớn hở, đưa mắt nhìn Điêu Thuyền. Điêu Thuyền cũng liếc mắt đưa tình đáp lại.

La Bo va Trieu Van: Ai anh hung, ai lang soi?-Hinh-3
Tạo hình nàng Điêu Thuyền trong phim Tam quốc diễn nghĩa 1996.

Trong cảnh này, quan tư đồ Vương Doãn gọi Lã Bố là "anh hùng" chẳng qua là lời phỉnh phờ tâng bốc mà thôi, còn cái thái độ "đầu mày cuối mắt", "nhìn Thuyền chòng chọc, không chớp mắt" của Lã Bố đã lộ rõ tà tâm của kẻ phàm phu tục tử rồi. Quả nhiên sau này, Lã Bố căm hận và giết chết Đổng Trác, ngoài thì nói là vì muốn làm tôi trung của nhà Hán, mà trong thì rõ là để cướp lại Điêu Thuyền. Suốt cuộc đời của Lã Bố, chỉ thấy y vì danh vì lợi, vì sắc tình mà thay đổi lập trường xoành xoạch. Người quân tử anh hùng có ai như thế?

Vượt qua chữ sắc mới đáng mặt anh hùng

Người xưa nói, "Tửu là xuyên trường dược, sắc là dao cạo xương". Trên đầu chữ Sắc (色), vốn đã chứa đao (刀). Những đấng nam nhi không nề chi đao kiếm trên chiến trường nhưng lại quỵ ngã trước đao kiếm của sắc dục thì rốt cuộc vẫn là một bại tướng mà thôi.

Không động lòng trước nữ sắc, ở đây không có ý rằng không che chở phụ nữ, không thương yêu vợ con, mà muốn nói rằng đấng trượng phu ở đời không thể vì sắc mà quên nghĩa, làm chuyện bại hoại nhân luân. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa" có không ít khách má hồng hào kiệt, phận nhi nữ nhưng vẫn được ngợi ca vì khí tiết lẫm liệt trung trinh, vậy đủ thấy hai chữ "anh hùng" đâu chỉ dành riêng cho nam giới, ai có nghĩa khí, ai vì nghĩa quên mình đều đáng gọi là "anh hùng" vậy.

Triệu Vân - Vị anh hùng đúng nghĩa?

Để luận bàn về điều này, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Triệu Vân - người hết lần này tới lần khác được ca ngợi là anh hùng, khi thì ở Đương Dương “cứu chúa xông trăm trận”, khi thì “Bốn tướng một tay khua sạch nhẵn” ở tuổi bảy mươi. Xét về vũ dũng, Tử Long không hơn được Lã Phụng Tiên, nhưng ông lại là người có trung có nghĩa, trước mê hoặc của nữ sắc vẫn giữ tâm đoan chính, quang minh lỗi lạc.

La Bo va Trieu Van: Ai anh hung, ai lang soi?-Hinh-4
Sau khi Triệu Vân qua đời, Đại tướng quân Khương Duy bàn rằng:

"Triệu Vân trước theo Tiên đế (Lưu Bị), trải nhiều lao khó, sửa sang thiên hạ, tuân thủ phép tắc, công trạng đáng ghi vào sách sử. Trận chiến Đương Dương, nghĩa như vàng đá, tận trung với chúa, vua tưởng nhớ ban thưởng, lễ nghĩa đủ đầy đến kẻ bầy tôi đã quên cả thân mình. Chết vẫn biết rằng, thân danh chẳng nát; sống cảm ân đức, danh chẳng phai mờ. Kính cẩn theo khuôn phép mà xét thụy, nhu thuận hiền hậu ấy là Thuận, làm việc thuận ngôi thứ, khắc chế được tai hoạ, ấy là Bình, ứng theo phép đặt cho thụy là Thuận Bình hầu".

Theo PV/ Tổ Quốc