Đại tá Dương Niết là Hội viên Cựu chiến binh phường Khương Mai, quận Thanh Xuân Hà Nội, nguyên là chiến sĩ tiểu đoàn Bình Ca (18), trung đoàn Thủ đô (102), Đại Đoàn 308 (Quân Tiên Phong).
|
Đại tá Dương Niết, 91 tuổi bồi hồi nhớ lại ký ức tiếp quản Thủ đô. |
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi 15 tuổi. 16 tuổi ông đã là chiến sĩ quân báo huyện Quỳnh Côi. 19 tuổi ông nhập ngũ, làm chiến sĩ Điện Biên.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, đại tá Dương Niết đã tham gia nhiều trận đánh cam go, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, ông luôn xem ngày được cùng đồng đội tiến vào tiếp quản Thủ đô là khoảnh khắc đáng nhớ và xúc động nhất.
Tự hào nhận nhiệm vụ vinh quang và nặng nề
Nhớ lại ký ức những ngày tháng hào hùng, đại tá Dương Niết chia sẻ, ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại Đền Hùng, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho đại đoàn 308 về tiếp quản thủ đô. Đại đoàn 308 là đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 28/8/1949, đã trải qua hầu hết các chiến dịch và các trận chiến đấu, giành thắng lợi oanh liệt, được Bác tin tưởng giao cho nhiệm vụ này.
|
Tiểu đoàn Bình Ca về tiếp quản thủ đô (Ảnh: TTXVN). |
Trong “Mấy lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành”, Bác Hồ đã dặn dò: “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để giành lấy thắng lợi trong hòa bình".
“Đây là một nhiệm vụ mới đối với đại đoàn nên Bác căn dặn rất kỹ, những việc cần làm và những việc cần tránh, để hoàn thành tốt nhiêm vụ. Những điều Bác dạy sau này là bài học cho cán bộ chiến sỹ trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề”, đại tá Dương Niết bồi hồi nhớ lại.
Tháng 10/1954, quân Pháp ở Hà Nội còn 2 tiểu đoàn, đóng tại 35 vị trí. Đây đều là những vị trí quan trọng mà chúng đã chiếm giữ ngay từ khi mới đặt chân đến Hà Nội, như: phủ Toàn quyền, tòa Thị Chính. Tòa Án tối cao, sở Cảnh sát Bắc Việt, sở Giao thông công chính, sở Giáo dục, sở Y tế, sở Văn hóa, nhà tù Hỏa lò, nhà máy nước, nhà máy điện, nhà máy đèn Bờ Hồ, Bưu điện, ga Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai...
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hội nghị quân sự Trung Giã, ta sẽ cử một lực lượng vào ở trong các vị trí của Pháp, làm nhiệm vụ canh gác sau khi Pháp rút. Đồng thời hạn chế những hành động tiêu cực nếu chúng cố tình gây ra. Pháp đồng ý, nhưng có mấy yêu cầu đối với ta.
Đó là lực lượng vào là cảnh vệ thành, không đưa bộ đội chủ lực vào; Không mang súng trường, trung liên và lựu đạn, chỉ mang tiểu liên Tuyn là loại vũ khí của Pháp mà ta thu được trên các chiến trường. Súng trường và trung liên là loại súng bắn tỉa tốt nên chúng rất sợ; Không đeo huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên. Hai tiếng Điện Biên trở thành nỗi ác mộng đối với sĩ quan và binh lính của Pháp.
Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, cấp trên quyết định cho tiểu đoàn Bình Ca, tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Thủ Đô, đại đoàn 308, chọn 214 người, có phẩm chất và sức khỏe tốt, do anh Vũ Huy Hậu, chính trị viên tiểu đoàn dẫn đầu, đóng vai cảnh vệ thành để vào các nơi Pháp đóng ở Hà Nội.
Những khoảnh khắc lịch sử tràn niềm vui, hạnh phúc
Đại tá Dương Niết nhớ lại, đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10, khi những toán quân Pháp cuối cùng và tên quan năm Đặc-giăng-xơ rút khỏi cầu Long Biên, sang Gia Lâm đi Hải Phòng thì cả Hà Nội tưng bừng cờ hoa, sắc áo các màu.
|
Các đơn vị bộ binh của Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Gai vào Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Nhân Dân. |
Rất nhiều khẩu hiệu vải đỏ chữ vàng, được cắt cầu kỳ tràn ngập trên các phố: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Hoan hô đoàn quân chiến thẳng trở về”... Các phố lớn nhỏ đều có cổng chào, giăng đèn, kết hoa màu sắc tươi mát. Phố phường nhộn nhịp, già trẻ trai gái áo quần đủ màu sắc tung tăng trên phố.
Khi đoàn đưa theo các xe pháo binh, cao xạ, bộ binh của đại đoàn 308 đi theo 3 hướng tiến vào Hà Nội, gặp nhau ở Hồ Gươm.
Không khí bừng lên như sóng trào dâng, sóng cuộn. Tiếng reo hò, hoan hô vỗ tay không ngớt. Rừng cờ đỏ sao vàng cùng với những cành hoa tươi thắm, đủ màu sắc vung lên, vẫy chào đoàn quân chiến thắng trở về, trông như những vườn hoa trong gió của nắng thu vàng. Nhiều bó hoa được trao tận tay các chiến sỹ. Nhiều cái ôm thân thiết, không phân biệt quen hay lạ. Không khí chan hòa thân thiện giữa quân và dân vô cùng thắm thiết.
|
Người dân vẫy cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu. |
Từ Hồ Gươm, đoàn quân đi theo các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, lên cửa Bắc rồi vào thành Hà Nội, tập trung tại sân vận động Cột Cờ. Đã lâu lắm rồi, trên cột này chỉ treo cờ của những tên xâm lược.
Ngày 9/10, công binh của đại đoàn đã dựng lên một cột thép, nặng 2 tạ, cao 12m, nâng lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc hiên ngang bay trong gió giữa bầu trời Hà Nội, mọi người trông thấy đều vui sướng.
15 giờ, còi thành phố nổi lên hồi còi dài. Đoàn quân nhạc cử Quốc thiều. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, cả rừng người đứng trang nghiêm làm lễ chào cờ.
Trong buổi lễ chào cờ này, Trung tướng Vương Thừa Vũ đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thu đô đi kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần đồng bào. Nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà lòng vui khôn xiết kể”.
|
Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN). |
Người dặn dò nhân dân Thủ đô hãy “đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn tươi vui và phồn vinh".
Thư Bác vừa chấm dứt thì rừng người lại hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm” kéo dài và lan rộng ra các phố chung quanh.
“Kể từ khi quân Pháp đến, đó mới là đêm Hà Nội sạch bóng quân thù, không còn cảnh lo âu sợ hãi. Nhân dân sung sướng được hưởng không khí tự do, hạnh phúc. Mọi người, mọi nhà hầu như không ngủ, đèn để sáng trưng, cửa mở, chuyện trò thâu đêm về những chuyện vui buồn trong những ngày sống dưới ách thống trị của kẻ thù, và sự sung sướng được giải phóng như ngày hôm nay”, đại tá Dương Niết xúc động.
Đại tá Dương Niết cho hay, sau tiếp quản Thủ đô, ông tiếp tục công tác trong quân đội, làm Sư phó Kỹ thuật của sư đoàn 372 Không quân anh hùng. Sau đó, ông làm Hiệu phó Kỹ thuật trường Trung cao Không quân, nay là Học viên Phòng không - Không quân, năm 1991 về nghỉ hưu.
Trong số 214 chiến sỹ Bình Ca vào tiếp quản Hà Nội năm 1954, đến năm 2019, ở Hà Nội còn 5 người, nhưng đến nay 4 người đã ra đi, đều ở tuổi 90, hơn 90, chỉ còn lại mình ông.
“Thật vinh dự cho chúng tôi, những người chiến sĩ được về tiếp quản, giải phóng Thủ đô, đến nay được chứng kiến sự thay đổi và phát triển của đất nước. Ngày 10/10/1954 là một ngày mãi mãi in đậm trong tâm trí, không thể nào quên”, đại tá Dương Niết chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video: Bà Hoàng Lan Dung chia sẻ ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan