Chiến dịch Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca bất diệt được viết nên bởi máu xương, mồ hôi và nước mắt của toàn dân tộc. Trong bản hùng ca ấy, có một lực lượng tuy thầm lặng nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó chính là thanh niên xung phong.
 |
Cựu nữ thanh niên xung phong Trần Thị Nhĩ hòa cùng niềm vui người dân trong ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Mai Loan. |
Họ - những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, với trái tim rực lửa yêu nước và tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" – đã không quản gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm bám trụ nơi tuyến đầu, đảm bảo huyết mạch giao thông, vận chuyển lương thực, đạn dược, tải thương, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Trong lực lượng đó, có cựu nữ thanh niên xung phong Trần Thị Nhĩ (SN 1935, quê Thanh Hoá) hiện trú tại Tổ 10, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên.
"Không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày" – sức trẻ nơi tuyến lửa
Điện Biên Phủ được ví như một "chảo lửa" với địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương. Để đảm bảo "mạch máu" cho chiến dịch, hàng vạn thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc đã hăng hái lên đường, gia nhập lực lượng thanh niên xung phong. Nhiệm vụ của họ vô cùng nặng nề: mở đường, bắc cầu, phá đá, san lấp hố bom, đảm bảo cho những đoàn xe, đoàn dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng lên mặt trận.
 |
Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn. |
Bà Trần Thị Nhĩ, khi đó là một cô gái trẻ đã cùng đồng đội ngày đêm bám trụ nơi tuyến đầu. Nhiệm vụ của bà Nhĩ và đồng đội khi ấy là làm đường, vận chuyển gạo và vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu "thanh niên xung phong có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc", "không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày", tinh thần ấy đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim.
“Cứ sau mỗi trận địch đánh phá, các thành viên trong đội thanh niên xung phong quyết tâm thông đường sau 2 tiếng đồng hồ để thông xe đưa hàng ra mặt trận. Sự kiên cường, quả cảm ấy đã góp phần giữ vững huyết mạch, đảm bảo cho bộ đội nơi tuyến đầu có đủ sức mạnh chiến đấu”, bà Nhĩ bồi hồi nhớ lại.
Đội của bà khi ấy có khoảng 10 người. Trong đó, một người mắt tinh nhất được giao nhiệm vụ quan sát đếm bom chưa nổ, đánh dấu vào bản đồ tự vẽ rồi cắm tiêu đánh dấu để đội phá bom đến phá. Nguy hiểm, cái chết cận kề, nhưng những thanh niên tuổi thanh xuân căng tràn sức sống và mang trong mình tình yêu nước nồng nàn không lùi bước trước khó khăn, quyết tâm chiến thắng
"Vai 20 cân gạo, tay 10 cân muối" và những ngày "khoét núi, ngủ hầm"
Không chỉ đảm bảo giao thông, những nữ thanh niên xung phong như bà Nhĩ còn trực tiếp tham gia vận chuyển. "Vai đeo 20 cân gạo, tay xách 10 cân muối, vượt qua bom đạn của địch", bà Nhĩ bồi hồi nhớ lại. Hình ảnh những cô gái nhỏ bé gồng gánh những vật nặng gấp nhiều lần trọng lượng cơ thể, băng qua những cung đường cheo leo, dưới làn mưa bom, đã trở thành biểu tượng cho ý chí và nghị lực phi thường.
 |
Bà Trần Thị Nhĩ xúc động nhớ lại những kỷ niệm. Ảnh: Mai Loan. |
Cuộc sống nơi chiến trường vô cùng khắc nghiệt. Câu thơ của Tố Hữu "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" đã phản ánh chính xác những gì mà bà Nhĩ và đồng đội đã trải qua.
"Chúng tôi phải khoét núi làm đường, đào hầm trú ẩn. Nằm ngủ dưới hầm ẩm thấp, muỗi đốt. Có khi mấy ngày không có cơm ăn, phải ăn củ rừng, lá rừng. Rồi chấy rận đầy người, sốt rét rừng hành hạ. Cơm thì chỉ là những nắm cơm vắt, ăn với muối vừng, có khi chẳng có gì”, bà kể.
Đối mặt với bom đạn nổ ngay bên cạnh, nỗi sợ là có thật. Nhưng tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" đã thôi thúc tất cả vượt qua. Giữa muôn vàn gian khó ấy, tình đồng đội, sự sẻ chia, động viên lẫn nhau đã trở thành liều thuốc tinh thần quý giá. Đau thương nhất là khi chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mắt. Nỗi đau ấy không làm họ chùn bước, mà ngược lại, càng hun đúc thêm ý chí chiến đấu.
Sau những ngày tháng gian khổ, khi chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, niềm vui vỡ òa. “Ôi giời ôi là khóc, vừa khóc vừa vỗ tay”, bà Nhĩ xúc động nhớ lại. Niềm tin vững vàng vào ngày toàn thắng đã trở thành hiện thực.
 |
Quân Pháp ra hàng trên cầu Mường Thanh. Ảnh tư liệu. |
Trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ, bà Trần Thị Nhĩ tiếp tục cuộc sống đời thường tại thành phố Điện Biên Phủ. Nhưng những ký ức về một thời hoa lửa, về những người đồng đội đã cùng kề vai sát cánh, về sự hy sinh anh dũng của biết bao người con ưu tú của dân tộc vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí bà. Mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng, lòng bà lại bồi hồi, xúc động. Bà thường xuyên thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, lên tượng đài thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, trong đó có người anh của bà.
Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn như xưa, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần của người thanh niên xung phong năm nào dường như vẫn vẹn nguyên trong bà. Ánh mắt bà vẫn sáng lên niềm tự hào khi kể về những ngày tháng hào hùng ấy.
Câu chuyện của bà Trần Thị Nhĩ chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện cảm động về những người thanh niên xung phong đã cống hiến tuổi xuân và cả tính mạng của mình cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Họ là những anh hùng thầm lặng, những người đã "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Sự hy sinh của họ đã góp phần làm nên một Điện Biên Phủ "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Ngọn lửa Điện Biên năm ấy sẽ không bao giờ tắt, sẽ tiếp tục soi đường, truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mời quý độc giải xem video: Cựu TNXP Trần Thị Nhĩ chia sẻ cảm xúc trong ngày Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thực hiện: Mai Loan.
Mai Loan