Lê Hy Tông có tên húy là Lê Duy Cáp và Lê Duy Hiệp, là vua thứ 10 nhà Lê Trung hưng. Lê Duy Hiệp là con thứ tư của Lê Thần Tông nhưng ông sinh ra sau khi vua cha đã mất khoảng 5 tháng. Trước khi qua đời, vua Lê Thần Tông đã dặn Tây vương Trịnh Tạc trông nom giúp đỡ người con sắp ra đời.
Tháng 4 năm 1675, anh của Lê Duy Hiệp là Lê Gia Tông qua đời khi mới 14 tuổi. Trịnh Tạc lập Duy Hiệp lên làm vua, tức là Lê Hy Tông. Vào thời vua Lê Hy Tông trị vì, loạn đảng và trộm cắp diễn ra ở khắp mọi nơi. Và cũng vào thời kỳ này đã xảy vụ án được coi là nguy hiểm nhất, đó là vụ án "bò béo, bò gầy". Trong xã hội phong kiến ngày xưa, trộm cắp được coi là một trong những đại tội và người phạm tội có thể bị nhận án xử chém. Thế nhưng trộm cắp vẫn xảy ra và vụ án "bò béo, bò gầy" là vụ nổi tiếng thời ấy.
Vụ án "bò béo, bò gầy" thực ra là một vụ án cướp của giết người đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài trên 20 năm, số người bị giết không thể tính hết và xảy ra tại hang Địch Lộng thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Vụ án này được phá án vào triều vua Lê Hy Tông trị vì (1694). Sách "Đại Nam nhất thống chí" trong mục tỉnh Ninh Bình, ở phần "Sông núi" có ghi:
- Sau đời Lê Trung hưng, cạnh núi có bọn dân ác xã Đa Giá Thượng cùng nhau lập khoán ước riêng, đặt điếm tuần, giết hại hành khách, vứt xác vào hang núi lấy của, trải hơn 20 năm làm tai hại cho khách qua đường...
Làng Đa Giá Thượng nằm ở phía Nam bến đò Khuốt, trên đường thiên lý từ Bắc vào Nam và nằm ngay dưới chân dãy núi đá vôi trùng điệp, hiểm trở. Ở đây có một bọn trộm cướp hung đồ, khống chế được tất cả các chức sắc trong làng cùng theo, dần dần hình thành cả một làng ăn cướp, có quy định khoán ước với nhau rất chặt chẽ. Vì vậy, hoạt động phạm pháp của cả làng này kéo dài trên 20 năm mà không hề lọt ra ngoài. Chúng lập ra một nhà trạm trên đường thiên lý với vỏ bọc là một nghề kinh doanh ăn uống và nghỉ trọ. Chủ quán lúc nào cũng cung cấp đầy đủ rượu ngon có pha thuốc mê, chuốc cho khách no say.
Khi khách đang ăn thì có người đi qua hỏi chủ quán:
- Nhà hàng mai có bò không, cho chúng tôi mượn với nhé!
- Có, bò béo hay bò gầy?
- Bò béo!
Chủ quán trả lời và hỏi lại, nhưng các thực khách dẫu có nghe nhưng không ai ngờ rằng đó là ám hiệu của bọn cướp với nhau. Bò béo tức là khách giàu có. Bò gầy là khách nghèo. Bọn cướp căn cứ vào ám hiệu của chủ quán mà quyết định hành động hay không. Đêm đến, khách đang say giấc nồng thì chúng xông vào, trói giật cánh khuỷu, nhét giẻ vào miệng, lôi lên núi đá. Trên núi có một cái hang rất sâu gọi là Kẽm Trống, chúng xô khách xuống hang rồi về chia nhau tiền bạc.
Dưới thời vua Lê Hy Tông quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh Căn. Hôm ấy xa giá của chúa đi qua cửa Đại Hưng thì gặp một người phụ nữ, đầu đội một lá đơn, sụp lạy trước kiệu và bị quân lính xua đuổi nhưng nhất quyết không chịu lùi. Chúa cho dừng kiệu rồi sai người dẫn tới hỏi chuyện thì mới biết chồng của người phụ nữ này đã bị bọn cướp giết, còn người phụ nữ thì bị bắt về làm vợ một tên tướng cướp, mãi gần hai năm mới trốn ra được. Khi nghe xong câu chuyện và xem đơn của người phụ nữ, chúa Trịnh lập tức sai Thạc quận công Lê Thì Hải đem 2.000 quân tiến thẳng về Gia Viễn, bí mật áp sát làng Đa Giá Thượng.
Chiều hôm ấy, có một thầy lang đi qua đò Khuốt rồi vào làng Đa Giá Thượng. Ăn xong, khách nằm lăn ra ngủ. Nửa đêm hôm đó, bọn cướp xông vào. Khách bị trói giật cánh khuỷu, nhét giẻ vào miệng rồi bị dẫn lên hang núi. Nhưng, bọn cướp chưa kịp ra tay thì những tiếng hô vang trong đêm tối làm rung động cả núi rừng. Tiếng reo hò của 2.000 quân sĩ đồng loạt nổi lên, vây bọc toàn bộ làng Đa Giá Thượng. Gần 300 tên tội phạm đã bị bắt. Người ta xác định được 52 tên đầu sỏ, khép vào tội tử hình. Số còn lại là tòng phạm, bị bắt đày đi châu xa.
Lời bàn:
Người đời vẫn thường nói câu cửa miệng rằng "vay thì phải trả", hoặc "có vay thì ắt phải có trả", hay "ở hiền thì gặp lành", "ở ác thì ắt phải gặp quả báo". Vâng, quy luật của cuộc đời là vậy, nếu ai đó giành giật hay cướp bóc được của ai đó vật gì thì rồi cũng sẽ bị kẻ khác cướp mất cái đáng giá hơn. Kẻ nào giết người nếu có thể trốn tránh được sự trừng phạt của pháp luật, nhưng lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt... và kẻ gây tội ác vẫn cứ phải trả giá.
Vẫn biết luật đời là vậy, nhưng từ thượng cổ cho đến ngày nay, không phải tất thảy mọi người sinh ra trên cõi đời này đều hiểu mà xa lánh điều ác và tích đức cho đời bằng những việc thiện. Từ vụ án trong giai thoại trên, nếu liên hệ với vụ án Dương Chí Dũng thời nay thì ắt mọi người sẽ rõ: Một khi kẻ cướp, kẻ tham nhũng mà cấu kết với kẻ có chức có quyền và nhất là những kẻ này lại là người thân với nhau thì quả là tai họa cho dân, cho nước.
Theo N.V/Dân Việt