Việc đưa nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, góp phần phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nghề dệt thủ công truyền thống còn là một chuẩn mực về vẻ đẹp để đánh giá giá trị của người phụ nữ Ba Na, thể hiện sự tinh tế, tài hoa, khéo léo và tính thẩm mỹ của người dệt và là điểm nhấn để các chàng trai Ba Na lựa chọn làm bạn đời...
|
Phụ nữ Ba Na tại TP. Kon Tum dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh Thái Ninh |
Nghề dệt thủ công của người Ba Na ở Kon Tum đã tạo ra những sản phẩm mang nét văn hoá độc đáo riêng. Xét về các hoạt động sản xuất thì tập quán canh tác của các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum là gần như giống nhau, nhưng xét về văn hoá mặc của từng dân tộc thì trang phục của người Ba Na đã tạo ra một nét văn hoá khác biệt riêng có mà không thể pha trộn với các dân tộc khác ở Kon Tum, đó là sự sáng tạo trong cách dệt hoa văn.
Ngày 14/02/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 238/QĐ-BHVTTDL công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Nghề dệt thủ công truyền thống tạo ra những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho cuộc sống hàng ngày như trang phục mặc ngày thường, khi đi làm nương làm rẫy, đi săn bắn, che chắn bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi. Trong mỗi bộ trang phục của người Ba Na khi khoác lên người đều mang những ý nghĩa riêng. Trang phục để mặc khi tham gia những nghi lễ thường được dệt tỷ mỉ, màu đỏ được sử dụng nhiều hơn và hoa văn cũng sặc sỡ hơn trang phục mặc thường ngày.
Hà Ngọc Chính