“Kiến trúc sư” Nguyễn Đình Hương - “từ điển sống” về công tác tổ chức của Đảng

Google News

(Kiến Thức) - Cả cuộc đời ông Nguyễn Đình Hương gắn bó với công tác tổ chức, trải 7 đời trưởng ban Tổ chức T.Ư, được lãnh đạo cao nhất của đất nước rất tin tưởng. Ông có tiếng nói mạnh mẽ về tổ chức, xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, nguyên trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, vị lão thành cách mạng, một người cán bộ trung kiên, đã từ trần ngày 3/5/2020 sau một thời gian lâm bệnh nặng. 
Ông Nguyễn Đình Hương sinh năm 1930, quê quán xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm và năm 1956 được điều về Ban Tổ chức trung ương, giữ chức phó Ban. Ông có nhiều năm gắn bó với công tác tổ chức của Đảng, trải qua 7 đời Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Ông là ủy viên Ban chấp hành TƯ khóa 6 và khóa 7, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Thường trực A47. Ông được Nhà nước khen thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, huân chương Lao động hạng nhất, huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Năm 2018, ông được trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
“Kien truc su” Nguyen Dinh Huong - “tu dien song” ve cong tac to chuc cua Dang
 Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VOV 
Vị "kiến trúc sư", "cuốn từ điển sống" về công tác tổ chức
Ông Nguyễn Đình Hương cho biết, trong 55 làm công tác tổ chức, ông được thừa nhận là ngay thẳng, mang tính cách của dân đồ Nghệ nhưng cũng vì thế, ông được lãnh đạo cao nhất của đất nước rất tin tưởng.
Theo ông Hương, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt “biệt danh” cho ông là kiến trúc sư, còn cố Tổng bí thư Đỗ Mười thì gọi ông là cuốn từ điển về công tác tổ chức. “Mỗi lần gặp, ông Kiệt lại gọi tôi anh là kiến trúc sư đấy. Còn Đỗ Mười gọi tôi là cuốn từ điển”, ông Hương chia sẻ.

Với ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương thì ông Nguyễn Đình Hương là một con người trung thành, tận tụy với Đảng, hiểu rất sâu sắc về công tác tổ chức cán bộ, đồng thời là con người thẳng thắn, trung thực. Ông đã có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng, tổ chức Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự.

“Ông luôn luôn là một địa chỉ tin cậy, có vấn đề gì cần hỏi, tôi đều hỏi ý kiến ông. Bởi vì ông không chỉ biết vấn đề ở mặt hiện tượng mà còn biết rõ quá trình của vấn đề nữa. Chứng tỏ khi làm việc, khi quản lý cán bộ, ông đã đi sâu vào nhiều mặt, nhiều góc cạnh trong công tác nhân sự.

Trước đây, khi tôi còn làm ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công việc liên quan đến công tác nhân sự thì Ban Tổ chức Trung ương thường là nơi khởi xướng, nhưng các Ban khác đều phải giám sát và nhận xét. Từ những công việc ấy, chúng tôi gắn bó với nhau và trong quá trình làm việc, ông Nguyễn Đình Hương luôn thể hiện thái độ thẳng thắn, trung thực, hiểu biết sâu sắc về công tác tổ chức”, ông Vũ Quốc Hùng cho biết.

“Kien truc su” Nguyen Dinh Huong - “tu dien song” ve cong tac to chuc cua Dang-Hinh-2
Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương. Ảnh: TTXVN

Từng làm việc và quen biết ông Nguyễn Đình Hương nhiều năm, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) chia sẻ, những phát biểu của ông trong các cuộc hội thảo, hội nghị về công tác cán bộ đều có tính xây dựng rất cao, tất cả đều vì dân, vì nước. Cả cuộc đời ông sống giản dị, trong sạch, không hề tơ hào, tham nhũng hay tiêu cực bất kỳ điều gì.

PGS.TS Vũ Văn Phúc vẫn còn nhớ, trong một cuộc hội thảo về công tác cán bộ chuẩn bị Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, mặc dù tuổi đã cao nhưng nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương đã có bài phát biểu rất sâu sắc, được cả hội thảo hoan nghênh, đồng tình. 

“Ai đã từng tiếp xúc, gặp gỡ hay làm việc với ông đều có ấn tượng rằng, ông là một con người chính trực, thẳng thắn, những phát biểu của ông về công tác cán bộ đều có tính xây dựng rất cao chứ không vì nhóm lợi ích nào cả. Cho nên những cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó có công tác cán bộ rất trân trọng ông Nguyễn Đình Hương” – PGS.TS Vũ Văn Phúc chia sẻ.

Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng với tấm lòng tâm huyết với Đảng, với nhân dân, ông Nguyễn Đình Hương luôn thể hiện thái độ trước sau như một, đấu tranh không khoan nhượng với sự tha hóa của "bộ phận không nhỏ" cán bộ của Đảng. Đặc biệt, điều để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong những người từng tiếp xúc, làm việc với nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương đó chính là tấm lòng đau đáu của ông đối với công tác tổ chức cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Điều này thật sự có ý nghĩa khi Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đang diễn ra trên toàn quốc.

Một cán bộ trung kiên, liêm chính

Nhận xét về “nhà tổ chức” Nguyễn Đình Hương, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, ông là người ngay thẳng, bộc trực và liêm khiết.

“Ông Nguyễn Đình Hương là người từng làm việc trực tiếp dưới quyền ông Lê Đức Thọ - nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương – một cựu trào về công tác tổ chức, một con người rất nghiêm túc cho nên những người làm việc cùng đều phải hết sức nghiêm túc. Ảnh hưởng đức tính cũng như phong cách làm việc của người đứng đầu, cho nên trong suốt quá trình công tác, ông Nguyễn Đình Hương luôn có trách nhiệm với công việc, giữ thái độ thẳng thắn, cương trực. Qua nhiều kỳ Đại hội khi còn đương chức hay đã nghỉ hưu, ông đều góp tiếng nói về công tác lựa chọn nhân sự, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và các ý kiến này đều rất có trọng lượng” – ông Lê Quang Thưởng chia sẻ.

Tháng 10/2019, cuốn sách "Nguyễn Đình Hương, Người con của non sông, đất nước", dày 200 trang, do Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam phát hành để mừng sinh nhật lần thứ 90 của ông. Cuốn sách tập hợp 40 bài viết của nhiều tác giả viết về ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Đảng, cũng như các bài viết phỏng vấn ông đã được đăng tải trên các báo, tạp chí những năm qua.
“Ông là người hết sức đặc biệt. Khi ông đương chức, do đặc thù công việc, các nhà báo hầu như không mấy dịp được phỏng vấn, tiếp xúc, phỏng vấn với ông. Ông chỉ nổi tiếng, được công chúng biết tới nhiều, được các nhà báo tìm đến khi ông trở lại cuộc sống đời thường với tiếng nói thẳng thắn”, nhà báo Lê Thọ Bình, chủ biên cuốn sách, chia sẻ. 
“Kien truc su” Nguyen Dinh Huong - “tu dien song” ve cong tac to chuc cua Dang-Hinh-3
 
Có thể nói, là người làm công tác tổ chức lâu năm của Đảng, đầy quyền uy, nhưng ông luôn nghiêm khắc với chính mình. Không phải ông không có cơ hội có nhà cao cửa rộng, ông Lê Thọ Bình cho biết.

Những người từng làm việc và quen biết ông Hương lâu năm đều có chung một nhận xét, ông là người lòng dạ ngay thẳng và “rất khó mua chuộc”. Có lần, trong lúc “trà dư tửu hậu” ông bảo, không phải ít lần có tổ chức, cả những cá nhân gợi ý bố trí biệt thự cho ông ở Hà Nội, TP. HCM, thậm chí cả Vũng Tàu, nhưng ông đều từ chối. “Mình sống đạm bạc quen rồi. Nhu cầu ăn ở cũng chỉ chừng này là đủ”, nhà báo Lê Thọ Bình dẫn lời ông Hương nói.

Trong nhiều năm, ông vẫn ở ngôi nhà trong khu tập thể cũ, trong một ngách hẹp của phố Đội Cấn (Hà Nội), vẫn cái phòng khách chừng 10 m2, vẫn bộ bàn ghế tềnh toàng ấy. “Ấy vậy mà các đời Trưởng ban Tổ chức Trung ương, các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ trưởng và cựu Bộ trưởng… khi đến thăm tớ cũng đều ngồi ở chiếc ghế mà các cậu đang ngồi ấy thôi!”, ông chỉ vào chiếc ghế các nhà báo đang ngồi, cười đôn hậu.

Là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa VI và VII, gần trọn cuộc đời ông Nguyễn Đình Hương gắn với công tác tổ chức của Đảng trên cương vị Phó Ban Tổ chức Trung ương (từ 1956 đến năm 2007), với đầy quyền uy như vậy nhưng ông vẫn giữ cho mình lối sống trong sạch, giản dị, thanh đạm trong ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ ở một ngõ hẹp của phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội). Trong công việc, ông luôn tận tụy, cống hiến hết mình để xây dựng, bảo vệ sự trong sạch của Đảng. Và trong cuộc sống hàng ngày, ông sống ngay thẳng, chính trực và càng không có chuyện thiên vị bất kỳ ai.

“Cả cuộc đời đồng chí luôn vì mục tiêu cao nhất đó là mục tiêu xây dựng Đảng. Dù đã nghỉ hưu, nhưng đồng chí vẫn theo sát công tác nhân sự của Đảng, luôn quan tâm, góp ý kiến với Trung ương về những vấn đề về tổ chức cán bộ với quan điểm rất thẳng thắn. Hay trong gia đình của đồng chí cũng như vậy, không vì nhờ “bóng” của ông mà vợ, con ông trở nên phụ thuộc. Vợ ông từng là Chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên, còn các con của ông tùy theo khả năng mà tự phấn đấu trong công việc chứ ông không bao giờ lấy chức tước, danh vọng của mình để nâng đỡ hay lo lót công việc cho các con” – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương kể lại.

Khi đoàn nhà báo đến thăm ông trước ngày Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (tháng 5/2018), một hội nghị, mà theo ông, là hết sức quan trọng, bàn về công tác cán bộ, ông đã trả lời đầy tâm huyết về công cuộc chống tham nhũng và công tác cán bộ.

"Cụ Hồ đã nói rồi, muốn xây một cái nhà đẹp thì trước hết phải quét sạch rác rưởi", ông nói. "Công tác cán bộ cũng vậy. Trước hết phải sạch và không dính líu đến “lợi ích nhóm”. Đó là hai tiêu chuẩn rất quan trọng của một cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, còn các tiêu chuẩn khác thì Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII từ tháng 6/1997 đã nói rất rõ rồi”.

Căn phòng khách nhỏ bé của ông như nóng dần lên bởi câu chuyện thời sự chống tham nhũng. Ông nói về những “thanh củi khô” đã vào “lò”như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng, rồi Vũ “nhôm”, Út “trọc”… và cả những “thanh củi tươi” đang bị bén lửa. Có thể thấy, ông chưa bao giờ thôi trăn trở và dừng quan tâm đến công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

Một nhà tổ chức đầy nhân văn

Khe khắt với chính mình, cương quyết xử lý những cán bộ tham ô, tham nhũng, nhưng ông lại có cái nhìn nhân văn, đầy tình người.

Tại lễ ra mắt cuốn sách “Nguyễn Đình Hương – Người con của non sông đất nước”, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ câu chuyện về Giải thưởng Quốc gia năm 2006 cho 4 nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm gồm: Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Lúc này, ông Lê Doãn Hợp là Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giải thưởng nhà nước. Trước những ý kiến phản đối, đề nghị họp lại, ông Hợp quyết định xin ý kiến ông Nguyễn Đình Hương.

“Sau khi nghe tôi trình bày, ông Hương bảo: 'Hợp làm đi, anh ủng hộ. Phải kéo văn nghệ sĩ về với Đảng, về với chúng ta. Điều này không chỉ có lợi cho dư luận trong nước mà còn cho dư luận nước ngoài. Những nhà văn, nhà thơ này bị kỷ luật cách đây 50 năm rồi. Sai thì đã xử rồi, bây giờ với hàng loạt ưu điểm mà chúng ta vẫn giữ nguyên quan điểm như vậy thì là không công minh, cũng không công bằng. Và hội đồng bỏ phiếu như thế là hoàn toàn chính xác", ông Hợp kể lại.

Ông Hợp còn kể sau đó, ông được ông Hương cho mượn toàn bộ hồ sơ án Nhân văn giai phẩm. “Bác Hương đã giúp tôi gỡ một thế bí. Tôi nghĩ đó là tư duy của một nhà chính trị với anh em nghệ sĩ rất thông thoáng và nhân văn”, ông Hợp nói.

“Kien truc su” Nguyen Dinh Huong - “tu dien song” ve cong tac to chuc cua Dang-Hinh-4
Ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ với các khách mời tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh Niên 

Nói về nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: "Ông Nguyễn Đình Hương đứng ở trung tâm công tác tổ chức của Đảng, trung tâm những chuyển động xã hội, nhất là trước những biến động lớn của đất nước. Ông không chỉ là một chứng nhân mà còn tham gia vào những sự kiện lớn của đất nước: Công tác tổ chức, bộ máy, nhân sự, lựa chọn các phương án,.. Vì thế, ông thực sự là nhà cách mạng, nhà lãnh đạo ở cấp vĩ mô".

Qua rất nhiều kỳ Đại hội Đảng khi còn đương chức và về hưu, tiếng nói của ông đã góp vào tư duy và trí tuệ chung của Đảng. Từ đó, chúng ta có được một bộ máy và nhân sự tốt – nhân tố đầu tiên quyết định thắng lợi của Đảng, của đất nước.

"Chúng ta tin vào trí tuệ, tiếng nói trung thực, vô tư và khách quan của nhà tổ chức Nguyễn Đình Hương. Nhắc đến Nguyễn Đình Hương là nhắc đến một người cán bộ mẫu mực của Đảng, người con ưu tú của đất nước”, nhà văn Hữu Thỉnh nói. 

Ngày 3/5, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo, ông Nguyễn Đình Hương (sinh năm 1930), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 16h10, ngày 3/5/2020 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Hoàng Hà (tổng hợp)