Giáo viên chỉ đưa thông tin, tư vấn, không được ép buộc học sinh
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước vụ việc cô giáo chủ nhiệm lớp 9A4 Trường THCS Kim Giang (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) được cho là đã ép học sinh không được thi vào lớp 10.
|
Phụ huynh đưa con tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm 2022. Ảnh: Mai Loan. |
Theo phản ánh của một phụ huynh, mới đây (ngày 22/4), anh và 8 phụ huynh có con học tại lớp này được cô giáo mời họp riêng. Trong buổi họp, cô tư vấn các em chỉ nên vào các trường trung cấp nghề, không dự kỳ thi vào lớp 10 THPT. Trước đó, đại diện một số trường trung cấp nghề đã đến gặp phụ huynh, làm công tác tuyển sinh, giới thiệu về trường.
Các phụ huynh không đồng ý, vẫn chọn nguyện vọng thi vào lớp 10 phù hợp với lực học của con. Tuy nhiên, cô đã “đe dọa” sẽ nhập điểm “không nâng đỡ”, và theo ý hiểu của phụ huynh thì rất có thể con của họ sẽ bị “đúp”, không thể tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT cũng như không có cơ hội học bất kỳ trường tư thục nào.
Đây không phải là vụ việc cá biệt, mà “đến hẹn lại lên”, mỗi năm gần thời điểm thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội, rất nhiều phụ huynh đã bức xúc phản ánh việc bị giáo viên “gợi ý” hoặc ép không cho học sinh thi vào lớp 10. Lý do là vì, nếu học sinh thi trượt sẽ ảnh hưởng tới thành tích của lớp, uy tín của giáo viên và của nhà trường.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ThS Đỗ Phương Nam, giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự (Hà Nội) cho hay, việc cho con thi vào lớp 10 hay không hoàn toàn là quyền quyết định của gia đình, giáo viên không được ép buộc. Thí sinh nào cũng có quyền được thử sức, và gia đình tùy thuộc vào năng lực của con để đặt nguyện vọng cho phù hợp.
“Nhiều năm là giáo viên chủ nhiệm lớp 9, tôi chỉ đưa thông tin và tư vấn cho phụ huynh, học sinh, hoàn toàn không có chuyện ép các em không được thi”, cô Nam cho hay.
Phụ huynh cân nhắc, không nên chọn trường cho con chỉ vì “sĩ diện”
Đồng quan điểm với ThS Đỗ Phương Nam, nhiều giáo viên trao đổi với PV cho rằng, việc ép học sinh không thi vào lớp 10 có thể gây cho các em tâm lý mặc cảm với bạn bè. Không ít những thí sinh sức học chưa tốt, nhưng gần đến kỳ thi các em nỗ lực, cố gắng thì vẫn có thể “lội ngược dòng”.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần cân nhắc trong quyết định. Các em đều có quyền được thử sức với kỳ thi, tuy nhiên, điều đó còn phải tùy vào năng lực và sự cố gắng của mỗi em, không nên bắt các em “với” quá cao khả năng của mình.
“Đúng là mỗi học sinh đều có quyền thi vào lớp 10, thực hiện ước mơ của mình, nhưng cần phải xác định đó có phải là ước mơ của các em, hay chỉ là khát vọng của cha mẹ. Thực tế, có những thí sinh lực học rất yếu, các vòng thi khảo sát chỉ đạt điểm 2 - 3 nhưng cha mẹ vẫn đăng ký cho con ở những trường tốp đầu, vì “sĩ diện”, để nếu con có trượt cũng là trượt các trường tốp cao.
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới khủng hoảng tâm lý của các em khi nhận điểm thi, các em sẽ có cảm giác xấu hổ với bạn bè, rất tự ti. Năm nào tôi cũng trải qua cảm giác này cùng các em, phải động viên các em rất nhiều, thương lắm”, một giáo viên cho hay.
Ngoài ra, các giáo viên cũng cho biết, khi đã có điểm tốt nghiệp, cơ hội vào các trường tư thục có thể sẽ không còn nhiều, thậm chí là rất khó khăn. Bởi lúc đó, lượng thí sinh nộp hồ sơ sẽ rất đông, các trường sẽ xét theo điểm từ cao xuống thấp, không giống như lúc xét học bạ nữa. Nhiều phụ huynh “khóc dở mếu dở” nhờ cô giáo giúp đỡ, nhưng cô cũng “lực bất tòng tâm”.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc phân luồng là cần thiết nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, giáo viên không được ép các em không được thi.
Ngoài ra, ông Khuyến cũng lưu ý các phụ huynh về việc có một số trường cao đẳng, trung cấp nghề đến các trường THCS quảng cáo, thậm chí còn quảng cáo trên báo chí để thu hút tuyển sinh, rằng sau THCS phải thi vào THPT rất vất vả, sau 3 năm học, chưa có nghề, lại phải thi vào đại học, học thêm 4-5 năm. Trong khi đó, chỉ cần đăng ký là được vào học cao đẳng, sau hơn 3 năm học là được nhận bằng “kỹ sư thực hành”, lại còn có bằng tốt nghiệp THPT. “Đó là tuyên truyền không đúng, bởi học cao đẳng phải tốt nghiệp THPT, và sau cử nhân cũng mới được gọi là “kỹ sư””, ông Khuyến nói.
Trước những phản ánh của phụ huynh, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, từ năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu tất cả các trường THCS chấm dứt việc vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (nếu có).
Trong hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 năm nay, lãnh đạo Sở cũng nhấn mạnh, đề nghị các đơn vị tuyệt đối không vận động học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Học sinh được tự do lựa chọn đăng ký vào các trường THPT, không ép buộc, bảo đảm quyền lợi dự thi của các em. Sở sẽ tiếp tục rà soát, xác minh các phản ánh của phụ huynh, học sinh về tình trạng này. Nếu phát hiện đơn vị, trường học vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, Sở sẽ nghiêm khắc xử lý.
Mời quý độc giả xem video: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Tăng cường các giải pháp chống gian lận". Nguồn: VTV24.
Mai Loan