Nguồn gốc của tục cúng cô hồn
Theo Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, từ cô hồn chỉ là một ý nhỏ trong một lễ lớn của Phật giáo.
Phật giáo có 4 ơn lớn: Ơn tam bảo; ơn quốc gia xã hội; ơn cha mẹ sinh thành và thầy cô dạy bảo; ơn tất cả mọi loại chúng sinh.
Riêng trong tháng 7, Phật giáo nặng về ơn cha mẹ sinh thành nhất, vậy nên dân tộc ta mới có câu “cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7”.
Từ đó, người ta gọi tháng 7 là tiết xá tội vong nhân, vì nhờ ơn của đức Phật mà tất cả các vong linh bị đoạ trong chốn khổ đau được tế bạt, siêu thoát.
|
Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Ảnh: Thành Trung |
Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, ông bà tổ tiên chúng ta kết hợp cùng với lễ đạo hiếu, mùa báo hiếu để báo hiếu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Phật giáo quan niệm phải yêu thương tất cả mọi loài, kể cả những người không mồ không mả, chết không thờ tự hay còn gọi là cô hồn.
Khi còn sống, ông bà, cha mẹ nếu "có tội" thì theo luật nhân quả khi xuống âm phủ cũng bị đoạ vào chốn khổ đau và cũng được những cô hồn.
Nên khi cúng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ bao giờ người ta cũng cúng cho cả những người đó, phần là để cúng cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, phần là để những cô hồn khác cùng được hưởng phước lộc.
Không có cái gọi là "tháng cô hồn"
Theo hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, không có tháng nào gọi là tháng cô hồn trong kinh điển của Phật giáo.
Khi cúng Rằm tháng 7 để tri ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trên tinh thần của phật giáo là yêu thương muôn loài, nên khi cúng người ta cúng cả cho những cô hồn mồ mả, không con cháu hương hoả.
Trong Phật giáo, linh hồn của ông bà, cha mẹ, tổ tiên mà chưa siêu thoát, vẫn đang bị đoạ ở những chốn khổ đau thì được coi là cô hồn. Nên khi cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ thế nào thì cúng cô hồn cũng phải trang nghiêm như thế.
“Đây là một tập tục đẹp của dân tộc ta trên tinh thần của Phật giáo, khoảng 30 năm về trước không có ai gọi tháng 7 là tháng cô hồn cả”, hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Theo quan điểm của Phật giáo, hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng tập tục kiêng mua bán, kiêng hội hè, kiêng đi lại, kiêng đủ thứ trong "tháng cô hồn" là không đúng. Tháng 7 trong Phật giáo được coi là tháng tốt, mọi việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, không phải kiêng kị.
Theo THÀNH TRUNG/Lao động