Trở thành tướng nhờ vào một câu bình luận
Lê Văn Duyệt (1763-1832) quê gốc tại làng Bồ Đề, huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông nội của ông là Lê Văn Hiếu đã di cư vào nam sinh sống, lập nghiệp. Cha ông là Lê Văn Toại tiếp tục di cư đến Rạch Gầm, tổng Long Hưng, Mỹ Tho (thuộc tỉnh Định Tường cũ). Gia đình ông có bốn người con trai và ông là con trưởng. Theo ghi chép thì ông “sinh ra vẫn không dái, mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực” (Đại Nam liệt truyện). Ngay từ năm 14, 15 tuổi, ông thường tự than thở rằng sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sách sử không phải là trượng phu vậy.
Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương ở Gia Định. Lê Văn Duyệt đã được tuyển dụng làm thái giám, việc nội đình làm rất giỏi, được đổi bổ làm Thuộc nội cai đội, quản hai đội thuộc nội. Năm 1783, quân Tây Sơn tấn công, Nguyễn Ánh bỏ chạy sang Xiêm. Lê Văn Duyệt đã rước gia quyến của Nguyễn Ánh chạy ra đảo. Lê Văn Duyệt từng có công hộ giá Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) hai lần nên được thăng chức Diệu úy Hiệu úy, vì có quân công nên được thăng là Tả doanh Đô thống chế.
|
Ảnh chân dung Lê Văn Duyệt. |
Lê Văn Duyệt bước chân vào hàng ngũ những tướng lĩnh quan trọng của Nguyễn Ánh nhờ vào câu bình luận vềtài cầm binh giỏi của những vị tướng như Tống Phước Hiệp, Tống Viết Phước, Nguyễn Văn Thành. Lê Văn Duyệt cho rằng: “Mấy người ấy chưa có thể gọi là toàn tài, ông Phước thì dư dũng mà kém mưu, ông Thành thì mưu thừa mà dũng thiếu. Theo tôi thì chỉ có ông Tôn Thất Hội mới là người đủ trí dũng. Sau này nếu tôi có cầm binh thì quyết phải làm được như ông ấy”. Nguyễn Ánh sau khi nghe xong đã hỏi ông có thể cầm binh, có biết làm tướng không. Ông tự tin trả lời được. Chúa Nguyễn đã cho ông mộ binh, lập ra vệ Diệu Võ, trực thuộc vào Thần Sách quân.
Từ đó, ông xông pha trận mạc, lập được rất nhiều những chiến công như thu phục thành Qui Nhơn, thủy chiến Thị Nại…Bên lề của cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, Lê Văn Duyệt còn được nhắc tới với câu chuyện khác, trong đó có câu chuyện hai lần phạm tội khi quân.
Lần thứ nhất giả truyền quân lệnh là do tùy cơ ứng biến
Năm 1795, Tây Sơn tấn công vào thành Diên Khánh. Võ Tánh liệu thế chống không được đã cố thủ trong thành, đồng thời báo về Gia Định. Sau khi giao cho hoàng tử Cảnh cai quản đất Gia Định, Nguyễn Ánh dẫn binh thuyền ra giải vây cho thành Diên Khánh. Tướng Tôn Thất Hội thì được lệnh dẫn bộ binh ra Phố Hài tiếp ứng cho Nguyễn Văn Thành. Lê Văn Duyệt cùng với Nguyễn Đức Xuyên, Tống Viết Phúc cũng dẫn quân theo.
Sau một trận giao chiến ở Ỷ Na, thuyền chúa Nguyễn vượt qua được và tiến đến vịnh biển Cù Huân. Cai cơ Nguyễn Văn Đắc và Vệ úy Võ Di Minh đánh đồn Lô Cương nhưng đánh hơn mười ngày vẫn không chiếm được. Nguyễn Ánh liền sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Đức Xuyên thay thế hai tướng Đắc và Minh. Nhưng đội quân của cả hai tướng này cũng không thể hạ được thành.
|
Lê Văn Duyệt giả truyền quân lệnh. Ảnh minh họa. |
Lê Văn Duyệt đã bàn với Nguyễn Đức Xuyên là phải “dương đông kích tây”, một cánh quân đánh phía trước nhử địch, cánh phía sau phá thành, hò reo tiến quân vào. Nhưng Lê Đức Xuyên sợ vì chưa có lệnh nhưng Lê Văn Duyệt đã nói là “đã có lệnh trên cho làm vậy rồi. Sau này nếu có tội chi. Duyệt xin chịu hết”.
Lê Văn Duyệt và Nguyễn Đức Xuyên đã tiến hành theo đúng kế đã bàn, quả nhiên phá được. Sau khi Nguyễn Ánh dẫn quân vào thành, Lê Văn Duyệt đã xin chịu tội vì giả truyền quân lệnh. Chúa Nguyễn cho rằng đó là công, không phải tội, cần ghi vào trong sổ để thưởng.
Lần thứ hai “khi quân phạm thượng” nhưng được xem là quyết định sáng suốt
Năm Canh Thân (1800), tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng hợp sức đánh thành Qui Nhơn. Nguyễn Ánh nghe tin đã kéo quân ra cứu viện. Bộ binh do Nguyễn Văn Thành kéo ra đánh Phú Yên rồi đóng ở núi Thị Dã, chờ đợi thủy binh. Thủy binh do Nguyễn Ánh kéo ra đóng ở cù lao Xanh ngoài cửa Thị Nại. Thủy binh và bộ binh bị quân Tây Sơn ngăn cản, không thể liên lạc với nhau, đành án binh bất động. Sau đó, Nguyễn Ánh cho rút quân về để củng cố lực lượng.
Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh quyết định dùng kế hỏa công để đánh. Trên bờ thì Nguyễn Văn Thành theo đường núi Dương An, An Tượng kéo ra. Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương dẫn quân thủy đi trước, Lê Văn Duyệt cùng Vũ Di Nguy tiến theo sau.Nguyễn Văn Trương bắt được thuyền đi do thám của Tây Sơn, lấy được khẩu hiệu trước vào đốt đồn giặc. Lê Văn Duyệt cùng Võ Di Nguy thấy lửa liền tiến vào. Nhưng không may Võ Di Nguy tử trận. Lê Văn Duyệt càng đánh càng hăng. Nguyễn Ánh nghe tin quân sĩ chết quá nhiều, đã ba lần sai lính cầm bài rồng bảo Duyệt lui quân.
|
Trận thủy chiến Thị Nại (1801). Ảnh minh họa. |
Lê Văn Duyệt cương quyết không tuân theo lệnh, liều chết thúc quân tiến lên, dùng hỏa công đốt thuyền Tây Sơn. Gió thổi mạnh giúp cho lửa cháy cao hơn. Chiến trận kéo dài đến trưa hôm sau thì kết thúc. Võ Văn Dũng bỏ chạy, thủy quân Tây Sơn tan rã và không còn nắm quyền kiểm soát trên biển. Sau khi đại định, hàng năm đến ngày này, Lê Văn Duyệt đã đem lễ phẩm tam sinh tế giỗ trận, mỗi lần tế khóc rất thương.
Trận thủy chiến Thị Nại (1801) được xem là trận chiến “Võ công đệ nhất” trong thời trung hưng của nhà Nguyễn. Chiến thắng ở Thị Nại đã làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn. Trận chiến lưu danh sử sách này cũng chính là kỷ niệm đẹp nhất trong sự nghiệp cầm quân của hổ tướng Lê Văn Duyệt.
Lưu Minh Triều