Theo trang mạng Qulishi (Trung Quốc), chính việc bị gắn với danh hiệu “bạo chúa” mà xung quanh
Tần Thủy Hoàng luôn có những câu chuyện được thêu dệt, truyền từ đời này sang đời khác, cho đến khi người ta coi đó những điều không thể thay thế khi nhắc đến Tần Thủy Hoàng.
Vì sao Tần Thủy Hoàng gắn liền với danh “bạo chúa”?
Qulishi phân tích, người đời sau thường biết đến và hiểu nhân vật lịch sử thông qua các tài liệu chép từ đời trước, vốn có nhiều nguồn thiếu tin cậy, phản ánh quan điểm của người viết hơn là góc nhìn trung lập.
Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế không lâu thì qua đời, nhà Tần cũng vì vậy mà sớm diệt vong.
|
Tần Thủy Hoàng trong phim truyền hình Trung Quốc. |
Đa số tài liệu lịch sử về Tần Thủy Hoàng đều do Thái sử lệnh Tư Mã Thiên (145 TCN – 86 TCN) chép lại, không phải cùng thời khi Tần Thủy Hoàng còn sống. Bên cạnh đó, Tần Thủy Hoàng cũng xuất hiện trong văn học, những câu chuyện dân gian truyền miệng, vốn không mang tính chính xác cao.
Những câu chuyện
mô tả về Tần Thủy Hoàng như đốt sách chôn người tài, tìm thuốc trường sinh bất lão, xây dựng Cung A Phòng đầy tai tiếng… dần dần đã đưa Tần Thủy Hoàng gắn liền với tên gọi “kẻ bạo chúa”.
Theo các học giả hiện đại, kể từ thời Xuân thu Chiến quốc, người dân đã quen với bối cảnh đất nước Trung Hoa chia thành nhiều thế lực cát cứ. Mỗi người đều có cảm tình với nơi mình sinh sống và không có mong muốn thống nhất.
Khi đó, chuyện thống nhất Trung Hoa vô tình trở thành một điều xấu, khiến dân chúng mất đi quê hương, mất nước. Trải qua thời gian, Tần Thủy Hoàng nổi lên trở thành thế lực mạnh nhất, từng bước đánh bại Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên và cuối cùng là nước Tề.
|
Phác họa hình ảnh Tần Thủy Hoàng. |
Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng còn áp đặt cải cách toàn diện, từ văn hóa đến thể chế, khiến một bộ phận những người trung thành với các triều đại trước cảm thấy căm phẫn. Nắm trong tay đất nước rộng lớn, nguy cơ xảy ra chiến tranh ở vùng biên giới gia tăng, một lượng lớn nam giới trong độ tuổi trưởng thành cũng bị ép đi lính.
Cuối cùng, việc nhà Tần cho xây dựng hàng loạt công trình trong thời gian ngắn, cần đến lượng nhân công lớn, cũng khiến nhiều người dân bất bình.
Một số học giả có quan điểm trái ngược cho rằng, nhà Tần chỉ mới thành lập sau một thời gian dài chiến tranh, chia cắt, việc Tần Thủy Hoàng phải áp dụng các chính sách cứng rắn, thậm chí xử tử những người trái lệnh ít nhiều trở nên cần thiết, để bảo vệ sự bình ổn của đất nước.
Sự thật về con người Tần Thủy Hoàng
Nhiều học giả đời sau đã đánh giá lại Tần Thủy Hoàng theo hướng khách quan, phát hiện những điểm hợp lý và sáng suốt của vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên.
Thứ nhất, việc Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn người tài” là có thật, nhưng không hoàn toàn như câu chuyện lưu trong sử sách. Sau khi thống nhất thiên hạ, Tần Thủy Hoàng đã sửa đổi thể chế quốc gia, thay đổi chế độ phân đất phong hầu, thiết lập chế độ quận huyện.
Nhưng những biện pháp cải cách bị một bộ phận nho sinh thời ấy phản đối kịch liệt. Họ có khuynh hướng muốn giữ nguyên chế độ phân đất phong hầu mà Vương triều nhà Chu từng áp dụng. Một số nho sinh đã trích dẫn một số lời thánh hiền trong cổ đại từng nói để phản đối cải cách, khiến cho Tần Thủy Hoàng phẫn nộ.
Theo trang mạng Qulishi, việc Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt sách ít nhiều là có thật, nhưng cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên ít nhiều đã cường điệu hóa vấn đề. Tần Thủy Hoàng chỉ ra lệnh đốt sách tuyên truyền của các nước chư hầu, còn sách khoa học, y học, nông nghiệp… tuyệt đối không đụng đến.
|
Tần Thủy Hoàng có thực là kẻ bạo chúa? |
Vương Sung đời Đông Hán từng nói: “Tần tuy vô đạo nhưng không đốt sách của chư tử, sách và các bài văn của chư tử vẫn còn rất đầy đủ”.
Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng vẫn lưu giữ bộ sách rất hoàn chỉnh nhờ vậy mà sử ký của các nước vẫn còn giữ được. Đáng tiếc là sau này, Sở Bá Vương Hạng Vũ một đuốc đã đốt sạch cung điện nhà Tần. Những điển tịch văn hóa này cũng vì thế mà cháy rụi.
Về việc chôn sống các nhà nho, Thái sử lệnh Tư Mã Thiên thậm chí còn không ghi chép đến việc này. Cho đến những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng mới ra lệnh bắt giết các thuật sĩ, trong hành trình mê muội tìm kiếm thuốc trường sinh.
Thứ hai, sau khi thống nhất đất nước, Tần Thủy Hoàng không hề đối xử tệ với công thần 6 nước hay tàn sát người vô tội. Điều này trái ngược lại hẳn so với Hán Cao Tổ Lưu Bang và Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Trong xã hội thời phong kiến, việc vua chết, đầy tớ phải chết theo đã trở thành quy luật, nhưng Tần Thủy Hoàng đã không làm như vậy.
Một ví dụ khác là tể tướng Lý Tư, người từng trung thành với Lã Bất Vi. Khi Lã Bất Vi bị bãi chức, Lý Tư cũng là đối tượng bị kết tội. Nhưng ông đã viết “Gián trục khách thư” gửi lên Tần Thủy Hoàng.
Tần Vương đọc xong liền tỉnh ngộ, cử người đuổi theo Lý Tư. Sau này, khi trở thành Hoàng đế, Tần Thủy Hoàng phong Lý Tư làm tể tướng. Có thể nói, Tần Thủy Hoàng ít nhiều là người có tấm lòng quảng đại, dám tiếp nhận ý kiến bất đồng, đối đãi với công thần một cách bao dung, độ lượng.
|
Vạn lý trường thành, công trình mang tính biểu tượng cho sự thống nhất Trung Hoa dưới thời Tần Thủy Hoàng. |
Bên cạnh đó, Lý Tín là một vị tướng quân phục vụ cho nhà Tần. Ông từng nói sẽ chiếm nước Sở trong 2-3 tháng. Nhưng cuối cùng, Lý Tín lại bị tướng Sở đánh bại.
Sau này, Tần Thủy Hoàng vẫn trọng dụng Lý Tín, phong làm phó soái, đem quân đi đánh nước Sở. Điều này thể hiện ông rất tín nhiệm đối với tướng lĩnh, cho dù họ ít nhiều đã mắc sai lầm. Có thể nói, tố chất này không phải vị quân vương nào cũng có.
Thứ ba, dùng đến vũ lực để đánh bại nước khác không phải là ưu tiên hàng đầu của Tần Thủy Hoàng.
Ông cũng dùng nhiều chính sách như ngoại giao hoặc phương thức hòa bình. Tề quốc chính là ví dụ điển hình nhất. Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng còn là người có tâm khiêm tốn, lòng khoan dung, điều này được thể hiện rõ nhất ở cuộc chiến Yên quốc.
Trước khi thu phục Yên quốc, thái tử Đan của Yên quốc từng phái Kinh Kha đến ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng thất bại. Sau này khi Tần Thủy Hoàng đã thu phục được Yên quốc, ông không vì điều này mà trả thù. Tần Thủy Hoàng đã áp dụng chính sách “vỗ về”, trấn an người dân Yên quốc.
Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc căn cứ pháp luật Tần triều, đối xử với người dân như nhau, tất cả đều đồng đều.
Tần Thủy Hoàng cũng không ra lệnh giết gia quyến quân vương 6 nước bại trận mà đưa họ đến Hàm Dương giam lỏng, cho họ một con đường sống. Hành động này được đánh giá có khác biệt và không phải vị hoàng đế nào trong lịch sử cũng làm được.
Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN) là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa. Ông có công thống nhất đất nước Trung Quốc sau quãng thời gian dài chiến tranh, loạn lạc. Loạt bài viết này cung cấp tư liệu, đánh giá nhiều chiều về Tần Thủy Hoàng, đem đến góc nhìn khác với những gì dân gian truyền lại.