Theo báo Nga RBTH, trước khi rút chạy khỏi Moscow, đoàn quân của hoàng đế Napoleon đã mang theo hàng chục xe ngựa chiến lợi phẩm chứa đầy vàng.
Đó là lời của Phillippe Ségur (1820-1873), một trong những tùy tùng thân tín của hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte và sau này là một nhà sử học.
|
Napoleon Bonaparte là hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử nước Pháp. |
Tháng 5.1812, hoàng đế Napoleon thống lĩnh 50 vạn quân tiến đánh nước Nga. Mặc dù chiếm được Moscow, đoàn quân phải chịu cảnh đói rét vì thành phố này đã áp dụng chiến thuật “vườn không nhà trống” từ trước.
Trong bối cảnh chiến đấu trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, hậu phương không thể cung cấp đủ lương thực, quân Pháp rơi vào cảnh khốn cùng.
Một tháng sau, Napoleon phải rút khỏi Moscow do Sa hoàng không chịu đầu hàng và vẫn tiếp tục áp dụng chiến thuật đánh du kích.
Trước khi rời đi, Napoleon được cho là đã vơ vét 25 chiếc xe ngựa chở đầy vàng bạc châu báu. Nhưng về sau, không ai biết số phận của những hòm châu báu này ở đâu.
Sau hơn 200 năm, nhiều người tin rằng số châu báu này vẫn ở lại Nga. Nhà thám hiểm và thợ săn kho báu Vladimir Poryvayev là một trong những người tin rằng, số vàng bạc mà quân đội của Napoleon lấy được từ Moscow là có thật.
Không chỉ có vàng bạc, đá quý, đồ trang sức, trong số này còn có tác phẩm nghệ thuật giá trị từ Điện Kremlin và nhà thờ Moscow.
Theo nhà sử học Alexander Seregin, quân Pháp đã vơ vét số vàng bạc từ hàng ngàn gôi nhà và thậm chí còn đánh cắp các vật dụng giá trị từ nhà thờ và tu viện.
Toàn bộ các biểu tượng, chạm khắc trên đồ trang sức và vật dụng bị cho vào lò nung chảy thành thỏi vàng và đóng dấu chữ “N”, chữ cái đầu tiên trong tên gọi của Napoleon.
Chính hoàng đế Pháp phải ban hành lệnh cấm cướp bóc một tháng sau đó, khi nhận ra quân lính lùng sục quá điên cuồng.
Trong số châu báu quân Pháp cướp được có cây thánh giá khổng lồ trên đỉnh Tháp chuông Ivan Đại đế. Một số nhà lịch sử cho rằng, Napoleon muốn đặt thánh giá trên đỉnh tòa nhà Les Invalides ở Paris, nơi vị hoàng đế nước Pháp muốn xây dựng bảo tàng trưng bày những chiến tích của mình.
Khi rút khỏi Moscow, Napoleon nhận thấy đoàn xe chở 80 tấn vàng tạo ra gánh nặng quá lớn trên đường đi và ra lệnh tạm giấu ở một địa điểm bí mật, theo RBTH.
Theo nhà sử học Ségur, người Pháp đã ném kho báu xuống hồ Semlevskoe gần Vyazma, cách Moscow khoảng 300km về phía tây. Napoleon cũng trú chân ở một ngôi làng gần Semlevo trong thời gian này.
Chi tiết này cũng được ghi trong cuốn tiểu sử “The Life of Napoleon Bonaparte, Emperor of the French” (Cuộc đời Napoleon Bonaparte, Hoàng đế nước Pháp) của nhà văn người Scotland Walter Scott.
Ngay sau cuộc chiến tranh Pháp-Nga, nhiều đạn dược và vũ khí được phát hiện ở khu vực gần hồ Semlevskoe. Cuộc tìm kiếm kho báu 80 tấn vàng bắt đầu vào những năm 1830.
Năm 1836, Thống đốc thành phố Smolensk Nikolai Khmelnitsky tổ chức một cuộc tìm kiếm dưới lòng hồ, nhưng không có kết quả. Nỗ lực khác trong những năm đầu thế kỷ 20 bởi nhà khảo cổ học Ekaterina Kletnova cũng không có kết quả.
Nhiều năm sau đó, Liên Xô tiếp tục mở rộng việc tìm kiếm kho báu. Cuối những năm 1970, diễn viên, người dẫn chương trình truyền hình và là một thợ lặn Andrey I đã thực hiện chuyến thám hiểm tìm kiếm 80 tấn vàng mà đội quân Napoleon bỏ lại.
Cuộc tìm kiếm phát hiện ra hai nơi có sự khác thường. Một trong số đó không ở dưới lòng hồ mà trên mặt đất gần đó. Andrey I cho máy xúc đào một cái hố sâu 12m, nhưng vẫn không tìm thấy bất cứ điều gì. Tại điểm bất thường thứ hai, thợ lặn đào một cái lỗ nhưng chỉ phát hiện một hòn đá khổng lồ.
Hồ Semlevskoe không phải là địa điểm duy nhất mà các nhà thám hiểm tin rằng có kho báu của Napoleon.
Theo nhà thám hiểm Poryvayev, khu vực gần sông Berezina, ngày nay là vùng đất của Belarus cũng rất đáng lưu ý. Đây là nơi quân Pháp đã chiến đấu với người Nga. Nhiều người bỏ mạng và kho báu cũng có thể nằm lại một phần ở đây.
Một vài nhóm nghiên cứu đã đến khu vực này, bao gồm cả nhóm của Pháp và Belarus vào năm 2012. Tuy nhiên, không ai trong số họ tìm kiếm được số vàng cách đây 200 năm.
Theo báo Nga, mặc dù chưa có bằng chứng xác đáng, nhưng kho báu 80 tấn vàng Napoleon nhiều khả năng vẫn ở lại Nga và chờ các nhà khảo cổ học khám phá.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt