Lạc bước giữa đại ngàn
Hành trình ngược đỉnh Ngàn Nưa, hay còn gọi núi Nưa, Na Sơn (thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Am Tiên, thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) của chúng tôi, mờ ảo trong làn sương mù giữa trời đông. Ði cùng đoàn không thể thiếu người đồng hành Lê Văn Sơn - cán bộ văn hóa UBND thị trấn Nưa. Tuổi gần 60, tóc anh Sơn đã bồng bềnh như hoa lau mùa heo may. Ngoài làm công chức văn hóa xã hội của thị trấn Nưa, anh Sơn còn kiêm "hướng dẫn viên" dẫn các đoàn khách lên núi thiêng, người được mệnh danh là "kho sử sống" của người dân nơi đây.
Theo quan niệm của vị cán bộ văn hóa, lên đỉnh Ngàn Nưa không chỉ đơn giản là đi để cho biết, đi vì thú vui xê dịch. Với anh, mỗi chuyến đi là một cuộc hành hương về nơi đất trời hội tụ khí thiêng dân tộc. Anh Sơn bảo, Am Tiên là nơi con người có thể giao hòa cùng trời đất…
Thời khắc đoàn chúng tôi cùng ngược về miền đất thiêng là một ngày cuối năm, mây mờ ôm trọn trên những ngọn núi. Con đường dẫn lên đỉnh Am Tiên cỏ cây, lau trắng quện mây dặt dìu trong gió. Người ta bắt đầu đi lễ đền Am Tiên từ bao giờ, anh Sơn cũng như những người cao niên trong vùng đều không rõ. Chỉ biết rằng, từ những ngày còn thơ bé, anh Sơn đã theo người thân, vượt 9 ngọn núi trập trùng lau trắng, lên đỉnh cao nhất của dãy Ngàn Nưa dâng hương cúng thần, lễ vua Bà vào các ngày rằm, mồng một và mỗi độ Tết đến Xuân về.
|
Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia An Tiêm.
|
Ngàn Nưa mùa này thưa vắng khách, núi rừng tĩnh lặng đẹp đến nao lòng với 2 bên đường rừng xanh ngút ngàn hòa với mây trời khiến cho cảnh rừng thiêng thêm thênh thang, rộng lớn. Ðường lên đền Am Tiên nay đã được đầu tư xây dựng nên chỉ mất khoảng 15 phút chạy xe máy, những ngày trời quang, nắng ráo có thể đứng trên đỉnh cao nhìn xuống làng mạc trù phú của huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh. Tuy Ngàn Nưa đã đổi thay nhiều, nhưng không gian của núi thiêng vẫn nhuốm vẻ hoang sơ, mờ ảo như chính những câu chuyện kỳ bí được lưu truyền qua bao đời ở vùng đất này.
Ðỉnh Am Tiên cao 538m, từ trên cao nhìn xuống, vùng đồng bằng Nông Cống, Triệu Sơn mờ mờ, ảo ảo trong mây trắng. Này là dòng Lãng Giang như sợi chỉ bạc buông hờ về phía biển. Kia là núi Tía, núi Lễ Ðộng, nơi gắn liền với truyền thuyết ẩn sĩ Tu Nưa nhiều pháp thuật, không chịu ra giúp triều Hồ mà ở lại gánh núi, dọn đồng giúp dân.
Anh Sơn cho biết, đường lên đỉnh Ngàn Nưa đã được Nhà nước đầu tư tiền của, san ủi con đường theo hướng Tây Nam, để du khách có thể dùng ôtô, xe máy lên đến tận nơi, không phải nhọc công "cuốc bộ" cả buổi trên đường đất như chục năm về trước.
Tích xưa lưu truyền
Nghỉ chân một lát, vị cán bộ văn hóa cho biết, năm 247, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Ðạt đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Ðông Ngô xâm lược. Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy không thành công, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Ðông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng quỳ gối làm tỳ thiếp cho người" nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.
Vùng núi này còn được lưu giữ nhiều qua sử sách. Trên ngọn cao chót vót của dãy núi có một ngôi chùa cổ, tục gọi là Am Tiên. Phía tả có cái động, tối mà sâu, dài mà hiểm. Theo truyền thuyết, có hôm Hồ Hán Thương đi săn thì bắt gặp người tiều phu vừa đi vừa hát bài ca cổ. Ông cho rằng, đây là người hiền tài mà phải ở ẩn, liền sai thị thần theo vào trong động. Thị thần đem lời ngọt mời ra nhưng người tiều phu không chịu nên đành ra về.
|
Giếng Tiên quanh năm không bao giờ cạn nước.
|
Lần kế tiếp, Hán Thương toan dùng an xa (kiệu nhiều người khênh) để ép người đó về với mình. Song khi tới nơi thì cửa động đã rêu phong, gai góc đầy núi, đường về khi trước lấp mất không còn. Hán Thương tức giận vô cùng, lập tức sai lính đốt núi thì thấy có con hạc đen bay vù lên khoảng lưng chừng trời, xênh xang lượn múa. Sử sách xưa dù ghi chép dài ngắn khác nhau nhưng tất cả đều chứa hàm nghĩa về việc có một ẩn sĩ thời Trần - Hồ đã từng giấu mình nơi rừng sâu, núi thẳm để tu tiên đắc đạo.
Chuyện xưa còn được lưu truyền cho tới tận ngày hôm nay. Người đồng hành tiếp tục dẫn chúng tôi vào giới thiệu về khu di tích, bái vọng người thiên cổ. Hệ thống đền chùa ở đây không lớn nhưng sạch sẽ và thanh tịnh. Dọc lối đi trong khuôn viên khu di tích là những tán đa, bồ đề được các lãnh đạo và nhân dân khắp cả nước trồng xanh tốt.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Lê Bật Sơn, thủ từ đền Am Tiên - người đã sống trên núi cùng cha từ nhỏ, am tường từng địa danh, nhớ hết từng gốc cây, ngọn cỏ trên đỉnh Ngàn Nưa này, nhưng nhiều câu chuyện với ông vẫn là bí ẩn.
Theo ông Sơn, trên đỉnh Ngàn Nưa, ngoài Am Tiên là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật... còn có nhiều địa điểm kỳ bí như bàn cờ Tiên. Tương truyền, đây là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc, cho đến bây giờ dấu tích bàn cờ tiên vẫn đang còn. Hay chuyện giếng Tiên không bao giờ cạn, dù nhiều năm quanh vùng khô cạn nhưng giếng vẫn đầy nước và trong xanh, ai tới giếng cầu xin nước về uống sẽ gặp được nhiều may mắn. Rồi chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên, Huyệt đạo… vì thế mà đến ngày nay, trên đỉnh Am Tiên, Ngàn Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện thần tiên, như các tiên ông xuống chợ, chuyện về những cây cổ thụ ngàn năm tuổi dùng để cột voi...
Lại có chuyện chép rằng, thời nhà Ðường, khi thấy Ngàn Nưa có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng thất bại.
Theo nhiều người dân, "huyệt đạo" nằm ở đỉnh cao nhất của dãy Ngàn Nưa - nơi hội tụ, giao hòa giữa trời và đất. Ðây là một gò đất khá bằng phẳng, rộng chừng vài chục mét vuông. Theo anh Sơn, mọi người đến đây sẽ có cảm giác tâm hồn như đang bay bổng, nhẹ nhõm và thư thái.
Ðể thúc đẩy du lịch phát triển, huyện Triệu Sơn đã xây dựng Ðề án "Phát triển du lịch huyện Triệu Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Hiện đề án này đang trong quá trình xin ý kiến các ban, ngành cấp tỉnh nhằm phát huy giá trị di tích lịch sử danh thắng địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, gồm: núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên...
Lễ hội đền Nưa - Am Tiên bắt đầu từ ngày đầu năm mới đến 20 tháng Giêng hàng năm. Theo tín ngưỡng của người địa phương, huyệt đạo trên đỉnh núi là huyệt khí thiêng. Ngày mồng 9 tháng Giêng hàng năm là ngày mở cửa trời. Người dân thường đến đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, con cái đủ đầy, người người mạnh khỏe, tài năng tiến tới, công thành danh toại. Năm 2009, quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên đã được Nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.
Theo Ngọc Hưng / Sức khỏe & Đời sống