Trong cuộc khai quật tại Hasankeyf, Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích một pháo đài La Mã có từ thế kỷ 4. Họ đã xác nhận các ghi chép lịch sử và xác định công trình này được xây dựng pháo đài dưới thời Hoàng đế Constantius II.
Theo các chuyên gia, Hasankeyf là một trong những địa điểm liên tục có người sinh sống lâu đời nhất trên thế giới. Trong khoảng thời gian 10.000 năm, hơn 20 nền văn hóa, bao gồm: Assyria, Byzantine, Ottoman... đã xây dựng khu định cư bên sông Tigris. Khi đặt chân đến Hasankeyf, người La Mã đã xây dựng một pháo đài để tuần tra biên giới tiếp giáp với đế chế Ba Tư.
|
Một pháo đài La Mã đã được tìm thấy ở Hasankeyf, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Tolga_TEZCAN via Getty Images. |
Mặc dù các ghi chép, sử liệu đề cập đến pháo đài và cuộc khai quật khảo cổ đã diễn ra từ những năm 1980 nhưng phải tới mùa Hè năm nay, pháo đài cổ xưa này mới được tìm thấy.
Một nhóm các nhà nghiên cứu được dẫn đầu bởi Zekai Erdal - nhà sử học nghệ thuật tại Đại học Mardin Artuklu - đã phát hiện pháo đài La Mã khoảng 1.600 tuổi.
Chuyên gia Zekai đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia kiến trúc La Mã để xác định những khối đá lớn là tàn tích của kỹ thuật xây dựng tường "opus isodomum". Người La Mã thời cổ đại thường sử dụng phương pháp này trong xây dựng nhiều công trình công cộng.
Giới chuyên gia biết rất thông tin về pháo đài cổ trên, nơi từng được gọi là Cepha. Trong tiếng Aram, Cepha có nghĩa là "đá". Vào những năm 350, hoàng đế Constantius II đã xây dựng một số pháo đài, bao gồm cả Cepha, ở những nơi có tầm quan trọng chiến lược dọc theo biên giới phía đông của đế chế La Mã để bảo vệ lãnh thổ cũng như người dân trước các cuộc xâm lược của đế chế Ba Tư.
Mặc dù hoàng đế La Mã Jovian và nhà vua Ba Tư Shapur II đã soạn thảo một hiệp ước hòa bình vào năm 363 nhưng Cepha vẫn là một pháo đài và tiền đồn quân sự của người La Mã.
Mời độc giả xem video: Đến thăm thành phố La Mã, nơi thời gian ngừng trôi gần 2.000 năm.
Tâm Anh (theo Livescience)