Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND TP Biên Hòa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp chấn chỉnh không gian theo hướng cải tạo, thiết lập quảng trường tại Thành cổ Biên Hòa và Quảng trường Sông Phố. Đây là hai di tích lịch sử có tầm quan trọng đặc biệt của thành phố Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.
Thành cổ Biên Hòa: Tòa thành trăm tuổi hiếm hoi còn tồn tại ở Nam Bộ
Theo Báo Đồng Nai, Thành cổ Biên Hòa có lịch sử hình thành từ thời Chân Lạp, khoảng thế kỷ 14-15. Vào đầu thời Nguyễn, năm 1834, vua Minh Mạng cho xây lại bằng đất, gạch và đá ong, theo hình cánh cung, xây dựng mới một số hạng mục, đặt tên là Thành Cựu. Đến năm 1837, vua Minh Mạng tiếp tục cho xây dựng mở rộng Thành Cựu bằng đá ong theo kiểu Vauban, đổi tên là Thành Biên Hòa. Tòa thành này vừa là một trung tâm chính trị, vừa là công trình quân sự mang ý nghĩa phòng thủ quan trọng của quan quân nhà Nguyễn ở địa phương lúc bấy giờ.
Nhận thấy vị trí địa lý thuận lợi về mặt chiến lược của Thành Biên Hòa, thực dân Pháp đã tập trung binh lực hùng hậu nhằm chiếm đóng tòa thành này. Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa. Quan quân nhà Nguyễn kháng cự không thành nên rút lui khỏi Thành Biên Hòa.
|
Di tích Thành cổ Biên Hòa. Ảnh: Báo Đồng Nai. |
Sau khi chiếm thành, thực dân Pháp đã bắt tay cải tạo, thu hẹp diện tích thành còn lại 1/8 so với trước kia, đồng thời cho xây dựng các cơ sở an ninh, quân sự bên trong và bên ngoài thành. Năm 1944, Thành Biên Hòa rơi vào sự kiểm soát của phát-xít Nhật. Sau khi quay lại Đông Dương lần 2, Pháp đã trưng dụng nơi đây làm trại gia binh. Đến giai đoạn 1954-1975, thành không có nhiều thay đổi về diện mạo, quân đội Mỹ sử dụng lại toàn bộ các công trình do thực dân Pháp để lại. Sau năm 1975, thành Biên Hòa do chính quyền mới tiếp quản.
Trên phương diện di sản kiến trúc, Thành cổ Biên Hòa là công trình thành cổ hiếm hoi còn tồn tại ở khu vực Nam Bộ. Tòa thành này vừa phản ánh kỹ thuật xây dựng khoa học, đường nét kiến trúc Pháp trong tổng thể các hạng mục hiện tồn, vừa thể hiện sự am hiểu về phong thủy theo cách nhìn địa chính trị của người xưa.
Vào năm 2013, Thành cổ Biên Hòa là đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Quảng trường Sông Phố: Nơi chứng kiến những cuộc đổi thay lịch sử
Theo Báo Đồng Nai, Sông Phố từng là tên gọi cho đoạn sông chảy qua đô thị Biên Hòa xưa được định giới từ cầu Mới đến cầu Ghềnh. Có lẽ, cách gọi Quảng trường Sông Phố gắn liền với Tòa bố Biên Hòa xưa, sau này là Tòa hành chính và nay là trụ sở của khối các cơ quan nhà nước tỉnh Đồng Nai. Phần diện tích vừa giáp sông và nối vòng xoay giữa hai trục lộ tuy không rộng lớn nhưng có vị trí quan trọng trong sự phát triển mang tính chất quyền lực qua các thể chế quản lý của xứ Biên Hòa.
|
Khu vực Quảng trường Sông Phố của thành phố Biên Hòa. Ảnh: Báo Đồng Nai. |
Nơi đây là công sở của tỉnh Biên Hòa khá rộng thời “Lục tỉnh Nam kỳ” của nhà Nguyễn và trở thành biểu trưng sức mạnh chính quyền thực dân trên một địa phương của xứ “thuộc địa”. Công trình Tòa bố Biên Hòa, dinh tỉnh trưởng (nay là Nhà thiếu nhi Đồng Nai) có kiểu thức kiến trúc Pháp, gắn với công viên cây xanh, sang trọng được chính quyền thực dân Pháp xây dựng.
Những biến động xã hội đã làm thay đổi bao điều trong dòng chảy thời gian. Quảng trường Sông Phố là địa danh mang nhiều dấu ấn của lịch sử, bước ngoặt của thành phố Biên Hòa.
Trong khí thế của Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa đã thay đổi màu cờ tại Tòa bố Biên Hòa với chính quyền về tay nhân dân sau bao nhiêu năm trong kiếp lầm than, nô lệ. Quảng trường Sông Phố chính là nơi diễn ra cuộc mít tinh biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng vào mùa thu Tháng Tám.
Mùa Xuân năm 1975, sau 21 năm kháng chiến gian khổ và hào hùng, quân và dân Biên Hòa trong phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” cùng với lực lượng Giải phóng từ các hướng tiến vào Tòa bố Biên Hòa - biểu tượng của bộ máy chính quyền Sài Gòn được thiết lập từ năm 1955. Chính quyền cách mạng tỉnh Biên Hòa thành lập trong niềm vui lớn của quân và dân Biên Hòa sau nhiều cuộc đấu tranh bằng nhiều phương thức, từ bí mật đến trực tiếp để đi đến thắng lợi.
Có thể nói, quảng trường Sông Phố là địa danh ẩn chứa những giá trị tinh thần to lớn của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai thời cận – hiện đại. Vào năm 1991, Quảng trường đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Thành cổ Biên Hòa sẽ được cải tạo, đảm bảo nguyên tắc không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích. Chỉ tập trung cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng đồng, tham quan, triển lãm tranh ảnh, lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa. Phương án đề xuất của Sở Xây dựng là thiết lập quảng trường tại Thành cổ. Cụ thể là tạo một không gian độc lập, giống như một căn phòng ngoài trời. Quảng trường này được bao bọc bởi mặt tiền các tòa nhà và được mở ra thông suốt tuyến đường Phan Chu Trinh. Khi đó, không gian quảng trường vừa tạo sức sống cho thành cổ, vừa có thể kết hợp tổ chức các hoạt động cộng đồng.
Đối với Quảng trường Sông Phố, phương án đề xuất của Sở Xây dựng là thiết lập quảng trường tuyến. Theo đó, không gian khu vực bùng binh Sông Phố, không gian của quảng trường được kéo dài, gần giống như một tuyến phố hay một hành lang để tạo cảm giác trục tuyến chính không ở vị trí xung khắc, hướng về sông Đồng Nai. Ở đầu và cuối quảng trường có một công trình điểm nhấn để chuyển tiếp sang các không gian đô thị khác, đây cũng là khu vực để người dân đi bộ hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Theo Sở Xây dựng, Thành cổ Biên Hòa và Quảng trường Sông Phố đều là những khu vực có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, do đó việc thiết lập, tổ chức hai quảng trường tại hai di tích này phải dựa trên các nguyên tắc: Không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích; cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng đồng; không gian quảng trường nhỏ nhưng được kết nối với các công trình công cộng xung quanh để tạo các hoạt động phong phú cho quảng trường như đi bộ của người dân, mít tinh, biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh, trưng bày giới thiệu đặc sản địa phương.
|
Thanh Bình