Vào năm 1708, tàu chiến Tây Ban Nha San José chở đầy vàng bạc và ngọc lục bảo bị đắm trong trận chiến khốc liệt với tàu chiến Anh trên biển Caribbean.
Kết cục bi thảm
Sau khi "ngủ yên" dưới đáy biển 310 năm, danh tính của San José cuối cùng cũng được xác định nhờ kết quả phân tích những khẩu pháo bằng đồng đặc trưng chìm cùng tàu. Con tàu này chở theo khối tài sản ước tính trị giá từ 4-17 tỉ USD (theo thời giá hiện nay) nên còn được mệnh danh là "chén thánh của các xác tàu đắm".
Theo Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI) tại Mỹ, các khẩu pháo trên vẫn còn vết khắc trang trí hình cá heo - dựa trên những hình ảnh được thiết bị không người lái dưới nước có tên REMUS 6000 ghi lại được khi ở cách xác tàu 9,1 m hồi năm 2015. WHOI đã biết những chi tiết này từ năm 2015 nhưng gần đây các cơ quan liên kết, trong đó có Công ty Tư vấn Khảo cổ học Hàng hải (MAC) và chính phủ Colombia, mới cho phép nhóm nghiên cứu công bố kết quả trên.
|
Hình ảnh các khẩu pháo trên xác tàu San José được chụp lại Ảnh: AP . |
Trước khi gặp số phận bi thảm, tàu San José đang chở kho báu được đào ở Peru và số của cải này dự tính được dùng để hỗ trợ cho cuộc chiến chống lại Anh của Tây Ban Nha và Pháp. Lẽ ra San José và kho báu trên tàu được một đội tàu chiến hộ tống trong hầu hết hành trình từ châu Mỹ tới châu Âu mỗi năm. Nhưng vào năm đó, đội tàu chiến hộ tống bị chậm trễ và chỉ huy người Tây Ban Nha, Đô đốc José Fernandez de Santillan, vẫn quyết định ra khơi. Đó là một sai lầm lớn. Sau một trận giao chiến đẫm máu với 4 tàu Anh, San José cùng với 62 khẩu pháo và thủy thủ đoàn hơn 500 người bốc cháy rồi chìm xuống đáy đại dương.
Nhiều thợ săn kho báu và nhà khảo cổ tìm cách xác định vị trí của con tàu nhưng thất bại. Mãi đến ngày 27-11-2015, một nhóm nhà khoa học quốc tế phát hiện một xác tàu đắm ở độ sâu 600 m ngoài khơi bán đảo Barú khi đang làm việc trên tàu nghiên cứu ARC Malpelo của Hải quân Colombia. Lúc đó, vẫn chưa ai xác định liệu đó có phải là những gì còn lại của San José hay không. WHOI liền triển khai REMUS 6000 xuống biển để quan sát kỹ hơn. "REMUS 6000 là công cụ lý tưởng bởi nó có thể thực hiện những sứ mệnh kéo dài ở những vùng biển rộng lớn" - ông Mike Purcell, kỹ sư WHOI kiêm trưởng đoàn thám hiểm, cho biết. Những gì thiết bị này ghi nhận được cho thấy xác tàu bị trầm tích bao phủ một phần. Hình khắc trang trí trên các khẩu pháo cho phép ông Roger Dooley, nhà khảo cổ học hàng hải ở MAC, xác nhận đó chính là xác tàu San José.
Dù vậy, những ai biết về tọa độ của kho báu trên vẫn chưa mở rộng phạm vi tìm kiếm, một phần vì San José đang là chủ đề của một cuộc tranh cãi quốc tế: Số kim loại quý và ngọc lục bảo đang nằm dưới đáy Đại Tây Dương sẽ thuộc về người dân Colombia hay Tây Ban Nha? Trong khi Colombia cho rằng xác tàu được tìm thấy trong vùng biển của mình thì phía Tây Ban Nha nhấn mạnh con tàu treo cờ Tây Ban Nha và hầu hết thành viên trên tàu cũng là công dân nước này.
Nhiều tranh chấp
Tranh cãi về kho báu trên tàu San José không phải là chuyện gì quá mới. Trước đó, người ta từng chứng kiến cuộc chiến pháp lý liên quan đến con tàu chở vàng S.S. Central America nằm dưới đáy biển hơn 100 năm.
Tàu này bị chìm do bão khi trên đường đi đến New York ngày 12-9-1857 khiến ít nhất 425/477 người trên tàu thiệt mạng và 20 tấn vàng chìm dưới đáy biển ở vị trí cách bờ biển Nam Carolina gần 260 km. Theo tờ Telegraph (Anh), bi kịch này đã góp phần gây ra cuộc khủng khoảng tài chính được xem là đầu tiên trên thế giới hồi năm 1857. "Tàu S.S. Central America là một trong những câu chuyện đắm tàu vĩ đại nhất mọi thời đại" - ông Greg Stemm, Giám đốc điều hành Công ty Thăm dò đại dương Odyssey Marine Exploration (Mỹ), nhận định với kênh Fox News (Mỹ).
Dù vậy, vụ chìm tàu trên lại nhanh chóng chìm vào quên lãng do nội chiến Mỹ bùng nổ vài năm sau đó. Đến năm 1988, một chuyên gia hàng hải trẻ tuổi có tên Thomas Thompson tìm ra được vị trí xác tàu và thu được 2 tấn vàng (trị giá khoảng 76 triệu USD hiện nay). Tuy nhiên, các nhà đầu tư giúp tài trợ cho chuyến thám hiểm trị giá 13 triệu USD sau đó cáo buộc ông Thompson không chia phần cho họ và bỏ trốn cùng hàng trăm đồng tiền vàng. Các nhà đầu tư đã "săn lùng" ông Thompson trong hơn 2 năm rưỡi và cuối cùng ông bị chính quyền bắt giữ vào năm 2015. Thuyền trưởng này hiện vẫn ngồi sau song sắt vì không chịu tiết lộ về số đồng tiền đang biệt vô âm tín.
|
Đồng tiền vàng và thỏi vàng được tìm thấy tại xác tàu S.S. Central America năm 1989 Ảnh: AP. |
Vào năm 2014, Công ty Odyssey Marine Exploration thay mặt các nguyên đơn trong vụ kiện tiếp tục khai quật kho báu nói trên. Thành quả là 3.100 đồng tiền vàng, hơn 10.000 đồng tiền bạc, 3.100 thỏi vàng và đồ trang sức vàng đã được đưa lên bờ.
Một cuộc chiến được biết đến nhiều khác liên quan đến chuyện sở hữu xác 2 con tàu Nuestra Senora de Atocha và Santa Margarita bị đắm năm 1622 trong một cơn bão gần nơi hiện là quần đảo Florida Keys - Mỹ. Năm 1985, thợ săn kho báu Mel Fisher đã tìm ra 2 con tàu này, dẫn đến tranh cãi pháp lý về quyền trục vớt kho báu ước tính trị giá 450 triệu USD trên tàu Nuestra Senora de Atocha.
Vụ việc sau đó được đưa ra Tòa án Tối cao Mỹ. Luật sư của ông Fisher đã thuyết phục được các thẩm phán rằng thân chủ ông đủ tư cách hưởng quyền sở hữu những gì mình khám phá. Chiến thắng pháp lý của ông Fisher khiến quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật tàu đắm bị bỏ hoang vào năm 1987, theo đó cho phép các bang sở hữu xác tàu đắm được tìm thấy trong vùng biển của họ.
Theo Xuân Mai/Người Lao Động