Trong đời sống hiện thực, chó là loài động vật được con người thuần dưỡng từ rất sớm, trở thành vật nuôi quen thuộc trong mỗi gia đình, làm nhiệm vụ bảo vệ, trấn áp kẻ xấu, mang lại bình an cho gia chủ.
Trong quan niệm của người Việt, chó là loài vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Bởi vậy, mà dân gian có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Loài vật này cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt tự ngàn đời nay, biểu hiện rõ nhất thông qua tục thờ chó đá tại nhiều làng quê với những hình thức khác nhau.
Tìm đến làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, (Đan phượng, Hà Nội) – nơi còn giữ nguyên tục thờ chó đá vào những ngày cuối năm, cụ Nguyễn Chí Cương, Phó ban quản lý di tích đình làng Địch Vỹ đang kính cẩn bao sái, dâng hương lên ông Hoàng Thạch ngự ngay cạnh đình làng.
Tượng ông quan Hoàng Thạch cao khoảng 1,4 m, trong tư thế ngồi, chân cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè che hàm răng dưới. Xung quanh ông Hoàng Thạch là 16 con chó con có kích thước không đồng đều, tư thế linh động.
Theo cụ Cương, không cứ vào ngày rằm, mùng một, dân làng cũng thường đến nơi thờ ông quan Hoàng Thạch để hương khói, xin thần phù hộ. Những đôi trai gái yêu nhau, gặp trắc trở, những người có nỗi oan khuất, mong được giải oan đến cầu xin đều được như ý, toại nguyện.
Cụ Cương kể, tục thờ quan Hoàng Thạch tại làng Địch Vĩ có từ hơn 400 năm nay. Tục này xuất phát từ truyền thuyết liên quan đến nỗi oan tình trời xanh không thấu của một chàng trai tên Hoàng Thạch.
Tích xưa kể rằng, thủa trước, có 2 anh em nhà nọ, người anh tên là Ngọc Trì, người em tên là Hoàng Thạch. Người anh ra trận đánh giặc, giao lại công việc nhà cửa cho người em trông nom. Đến khi đánh giặc trở về, người anh thấy vợ mình có thai, nên nghi cho người em đã làm điều bất chính với chị dâu.
Trong lúc bực tức, người anh giận dữ chém chết người em rồi mang xác vứt xuống sông. Đến khi sinh nở, vợ người anh lại sinh ra một vật quái dị. Đến lúc này, người anh mới hay biết rằng em bị hàm oan. Về phần người em, sau khi chết, xác hóa thành khối đá, trôi dạt về khúc sông đầu làng Địch Vĩ.
|
Ông Hoàng Thạch làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội. |
Bên cửa đình, cụ Cương nhấp chén trà, giọng trầm ngâm, kính cẩn kể lại: “Theo các cụ truyền lại, ban đầu người dân thôn Thọ Xuân, sai trai làng ra vớt lên, nhưng dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể nhấc pho tượng đá này lên bờ. Về sau, bức tượng đá trôi dạt về thôn Địch Vĩ, điều kỳ lạ là lúc này, chỉ cần vài cụ cao niên trong làng ra cũng có thể nhấc bổng bức tượng lên khỏi mặt nước”.
Kể từ đó, “ngài chó đá” được dân làng gọi bằng là Ông quan lớn hay Quan Hoàng Thạch. Quan Hoàng Thạch làng Địch Vĩ được dựng hướng về Hát Môn, cũng chính là hướng về quê hương vì lẽ đó. Cũng từ đó đến nay, làng Hát Môn và Địch Vĩ kết nghĩa anh em, theo giao kết, trai gái trong làng không được phép yêu nhau.
Trong tâm thức của người dân thôn Địch Vĩ ngàn đời nay, ông Hoàng Thạch như một vị thần phù trợ cho dân làng được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi này nở.
Đến tận ngày nay, dân làng Địch Vĩ vẫn truyền tai nhau những câu chuyện về tính linh thiêng, cầu được ước thấy đến tâm phục khẩu phục nơi cửa quan Hoàng Thạch. Bởi vậy, mà trong làng, nhà nào có công to việc lớn, cưới hỏi đều biện lễ ra trình Ngài để được che chở, may mắn. Những đám hiếu trong làng, hễ đi qua chỗ Ngài ngự, đều nghiêng mình kính cẩn, tạm ngưng lễ nghi, khóc lóc cho đến khi đi khuất hẳn.
Giống như Địch Vĩ, hiện nay, ở Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì làng Hát Môn, xã Hát Môn, (Phúc Thọ, Hà Nội, cũng có 4 con chó đá, 2 con nghê đá được đặt trước và sau phủ, gọi là thạch cẩu. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ.
Không chỉ ở chốn thôn quê, ngay đất kinh kỳ cũng vẫn giữ tục thờ chó đá như đền Cẩu Nhi bên hồ Trúc Bạch, Tây Hồ, Hà Nội.
Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh có viết: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đứng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để có con đường đâm thẳng vào nhà, hay có đền, chùa ở trước cửa nhà. Nếu bất đắc dĩ, không tránh được những điều kiêng kỵ ấy, người ra sẽ chôn trước nhà một con chó đá hay 1 chiếc gương trước cửa để yểm tà”.
Còn theo TS Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Văn hóa du lịch trường ĐH Văn hóa Hà Nội, chó là loài động vật được thuần dưỡng từ sớm, để canh gác, xua đuổi những đối tượng lạ thâm nhập, giữ bình an cho dân làng. Trong tín ngưỡng, tâm linh, người ta còn tin rằng, chó có thể canh giữ, xua đuổi tà ma vào ban đêm.
“Từ rất xa xưa, người Việt đã có tục thờ chó đá trước đền miếu, đình, điện, hay đặt chó đá trước cửa các gia đình quyền quý, cổng làng, các khu mộ của người quyền quý, mang ý nghĩa bảo vệ, canh gác phần âm. Với người Việt, khi tạc hình tượng chó đá để thờ, luôn tạc tượng theo tư thế ngồi, chống 2 chân trước vừa nhằm tạo dáng về mặt điêu khắc nghệ thuật, bên cạnh đó, còn thể hiện ước vọng của nhân dân. Bởi nếu chó đứng 4 chân, có nghĩa là đang trong tư tế đối mặt với kẻ thù. Nhưng nếu chó ngồi, thì chỉ mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đang thực thi nhiệm vụ. Như vậy, tư thế của chó đá còn thể hiện mong muốn về sự bình yên, không có tà ma, thế lực xấu đến quấy nhiễu”, TS Dương Văn Sáu lý giải.
TS Dương Văn Sáu cho biết thêm, ngoài người Kinh, các dân tộc khác cũng có tục thờ chó đá. Phổ biến như người Nùng, Tày, Dao…Đặc biệt, trong văn hóa của người Dao, chó còn được coi như vật tổ, gọi là Bàn Vương.
Theo Nguyễn Trang/VOV