Nàng Cách cách Kawashima Yoshiko, sinh năm 1907, tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, là con gái thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ cuối triều đại nhà Thanh. Ngay từ nhỏ, Yoshiko đã tỏ ra là một cô bé thông minh, lanh lợi và được cha hết mực yêu thương.
|
Năm Hiển Dư 6 tuổi, Thiện Kỳ đã quyết định gửi cô sang Nhật Bản. |
Năm 1912, sau khi triều đình nhà Thanh bị lật đổ, Túc thân vương Thiện Kỳ không cam lòng nhìn cơ nghiệp tổ tông tan thành mây khói nên đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm khôi phục lại ngai vàng của dòng họ Ái Tân Giác La.
Ông chú trọng nhất chính là gửi toàn bộ con cái của mình ra nước ngoài, hầu hết là sang Nhật Bản, với mục đích tìm kiếm những thế lực có thể dựa dẫm để khôi phục những tháng ngày huy hoàng của nhà Thanh. Và tất nhiên, cô con gái Hiển Dư của ông cũng không phải là ngoại lệ.
Từ khi đặt chân đến xứ Phù Tang, nàng Cách cách Hiển Dư đã được đổi tên theo họ của cha nuôi, trở thành Kawashima Yoshiko. Naniwa đã truyền bá cho Yoshiko tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản, chủ nghĩa phát-xít và hàng loạt những suy nghĩ bạo lực, chuyên chế, tàn bạo…
Vì vậy, chỉ vài năm sau đó, nàng Cách cách được sinh ra và lớn lên trong những lễ giáo nghiêm khắc của triều đình nhà Thanh bắt đầu biến thành một cô gái ngang ngược, ương bướng và hoang dại.
|
Năm 18 tuổi, Yoshiko đã trở thành một cô gái xinh đẹp, có khả năng thu hút mọi ánh nhìn của người khác phái. |
Đây không chỉ là khoảng thời gian Yoshiko gặp được mối tình đầu của mình là Moriyama, một lưu học sinh có ngoại hình khôi ngô, tuấn tú và ngập tràn lý tưởng, mà còn là quãng ký ức khủng khiếp đối với cô khi bị chính người cha nuôi hơn mình tới 42 tuổi cưỡng bức.
Sau chuyện nhục nhã đêm hôm đó, Yoshiko nhiều lần muốn tự sát nhưng không thành công. Cô cũng muốn rời khỏi người cha nuôi thú tính của mình, tuy nhiên, cuối cùng, Yoshiko vẫn ở lại bên Naniwa. Lý do mà Yoshiko ở lại với người cha nuôi của mình là gì thì cho tới nay không ai rõ.
Cuốn nhật ký mà Yoshiko để lại cũng không nói gì về điều này. Chỉ biết, kể từ sau đêm hôm đó, Yoshiko bắt đầu thay những bộ trang phục nữ thành những bộ đồ nam.
Trong nhật ký của mình, Yoshiko nói về sự kiện này bằng một câu đầy ẩn ý rằng: “Lúc này, tôi triệt để thanh toán cái phần nữ tính của mình”.
|
Yoshiko thay đổi hẳn, cô cắt tóc ngắn, bỏ hết những bộ trang phục nữ và chuyển sang mặc đồ Tây giống như đàn ông. |
Năm 1927, sau khi về nước, Yoshiko được gả cho Ganjuurjab - người Mông Cổ, con trai của tướng quân đội Nội Mông Jengjuurjab. Sau đám cưới, Yoshiko theo chồng chuyển tới sống ở Mông Cổ.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân nhuốm màu sắc chính trị này không duy trì được bao lâu, bởi vì Yoshiko nhanh chóng phát hiện ra rằng Ganjuurjab là một kẻ yếu đuối, không có chí tiến thủ, dựa vào anh ta thì sẽ chẳng có tương lai gì và đương nhiên chẳng giúp gì trong việc hoàn thành di nguyện của cha mình.
Chính vì vậy, chỉ chung sống với người chồng mới cưới chưa được 2 năm thì Yoshiko rời khỏi vùng thảo nguyên Mông Cổ, về Thượng Hải mà không một lời từ biệt.
Tiếp đó, Yoshiko đã hợp tác với người Nhật để lấy thông tin tình báo từ phía quân phiệt Bắc Dương. Cô nhanh chóng nắm được thông tin tối mật giúp cho quân đội Nhật tiêu diệt kẻ cầm đầu quân phiệt Bắc Dương.
Đối với Yoshiko, việc làm này vô cùng có ý nghĩa trong kế hoạch thực hiện di nguyện của cha mình. Thế nhưng, cô không hề biết rằng, sự thật là cô không những chẳng khôi phục được triều Thanh, mà còn giúp cho quân đội Nhật bành trướng thế lực hơn.
Và nàng Cách cách triều Thanh dần lún sâu vào con đường làm gián điệp cho Nhật Bản, chống lại chính những người dân của đất nước mình.
|
Nàng cách cách Thanh triều ngày càng lún sâu vào sai lầm. |
Tháng 10/1945, khi quân Nhật thất bại, Yoshiko bị Cục Quân thống của Quốc dân đảng bắt tại nhà riêng ở Bắc Bình, đồng thời bị đưa ra tòa xét xử với tội danh "Hán gian".
Việc này đã gây ra rất nhiều tranh cãi, bởi Yoshiko sang Nhật từ khi rất nhỏ và có quốc tịch Nhật Bản. Nếu Yoshiko chứng minh được mình là người Nhật thì tội danh của cô chỉ là tội phạm chiến tranh và có thể không tới mức phải chịu án tử hình.
Điều đáng tiếc là những giấy tờ chứng minh quốc tịch Nhật của Yoshiko lại bị mất trong trận động đất xảy ra tại Nhật Bản.
Trong thời gian diễn ra phiên tòa, người cha nuôi của Yoshiko là Naniwa lại không đưa ra được giấy tờ chứng minh cô có quốc tịch Nhật, ngược lại, lại để lộ nguồn gốc là con cháu của thân vương nhà Thanh của Yoshiko.
Chính vì vậy, ngày 22/10/1947, Yoshiko bị tuyên án tử hình với tội danh phản quốc. Ngày 25/3/1948, sau khi viết xong di chúc, Yoshiko đã bị chính quyền Quốc dân đảng tử hình. Năm đó, Yoshiko mới 41 tuổi.
Theo H.T.H.T (t/h)/Khoevadep