Huyền bí giấc mộng Quan Âm của ba vị vua triều Lý

Google News

(Kiến Thức) - Trong lịch sử Việt Nam không hiếm những câu chuyện, giai thoại kỳ lạ được gắn hoặc có liên quan đến Quan Âm bồ tát, trong đó không thể không nhắc đến điều trùng hợp thú vị về ba vị vua đầu triều Lý đều có giấc mơ thấy vị Bồ tát này. 

“Giấc mộng Quan Âm” của vua Lý Thái Tổ 
Quan Thế Âm bồ tát là vị bồ tát đại từ đại bi, có lòng thương vô lượng, có sức mạnh huyền diệu, vừa dùng mắt quan sát vừa dùng tai lắng nghe để cứu giúp chúng sinh. Bởi vậy khi gặp hiểm nguy, người ta thường nghĩ đến và niệm danh hiệu Ngài để được cứu độ.
Thời xưa, trên đất phường Bích Câu, tổng An Thành, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên đất Thăng Long xưa (nay là khu phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) có một danh tích rất nổi tiếng, đó là ngôi chùa Đắc Quốc và theo sử sách chùa do vua Lý Thái Tổ khởi công xây dựng sau một giấc mộng lạ về Quan Âm
Chùa nằm ở khu vực phong cảnh đẹp đẽ, xưa kia có một ngòi nước trong xanh như ngọc, ngòi chảy từ núi Nùng xuống Thủ Lệ rồi đổ vào hồ Tảo Liên thuộc thôn An Ninh, huyện Vĩnh Thuận. Tên phường Bích Câu được đặt theo tên của ngòi nước thơ mộng ấy.
Hồ Tảo Liên là hồ nước rộng mênh mông trong suốt. Hồ sản sinh ra một loại hoa sen trắng nở vào đầu hè, nở sớm hơn, trước các hoa sen khác chính vì thế nên hồ mới có tên là Tảo Liên (hoa sen nở sớm). Sách Thăng Long cổ tích khảo mô tả: “Hồ có loại sen màu trắng tám cánh nở rất sớm, chưa đến tiết mùa hè hoa sen đã nở, mùi hương thơm ngát, bởi vậy gọi là hồ Tảo Liên. Mùa hè bơi thuyền, hương sen lan tỏa khắp nơi. Cảnh hồ ẩn hiện u tịch như thể Đào nguyên”.
Vùng hồ này chính là đầu nguồn của sông Kim Ngưu. Giữa hồ Tảo Liên nổi lên một gò đất, gọi là gò Kim Quy rộng hàng mấy trượng trông như bồng lai tiên cảnh. Khi Lý Thái Tổ chuyển đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua thấy thế đất đẹp, đã cho xây một ngôi chùa trên gò đất đó và đặt tên là chùa Đắc Quốc.
Một thuyết khác kể về sự tích chùa Đắc Quốc như sau: Năm Canh Tuất (1010) Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên mới là Thăng Long. Một hôm vua mơ thấy Phật Bà Quan Âm mời vua lên đài sen, hái tám bông sen trắng ban cho vua. Tỉnh mộng, vua đem việc ấy nói với các quan trong triều và các cao tăng.
Các cao tăng tâu rằng đúng là có loại hoa sen trắng thường nở sớm, mùi hương rất thơm ở hồ Tảo Liên phường Bích Câu, phía cửa Nam thành. Vua sai người đi hái hoa ấy đến để chiêm ngưỡng, thấy quả đúng như trong giấc mộng, liền cho xây ngôi chùa để phụng thờ Quan Âm và đặt tên là chùa Đắc Quốc, sai các tăng quan trông nom.
Huyen bi giac mong Quan Am cua ba vi vua trieu Ly
Chùa Đắc Quốc (sau gọi là An Quốc). (Hình minh họa - Nguồn: vanchuongviet.org).  
Mỗi khi đến mùa hoa sen nở, thuyền rồng của vua lại đến làm lễ dâng hoa. Vua sai người hái tám bông sen trắng đẹp nhất làm lễ dâng cúng Phật tại chùa Đắc Quốc, sau đó mới hái tám bông đem về dâng lên nhà Thái miếu. Sự kiện ấy đã khiến nhân dân trong thành Thăng Long nô nức đến xem, rồi những năm sau đó được truyền tụng đến các vùng lân cận dân chúng kéo về xem lễ hội hoa sen ngày càng đông. Đây quả là một lễ hội rất đông vui của thành Thăng Long xưa.
Truyền rằng, sau khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, lập ra vương triều Trần thì toàn bộ hoa sen ở hồ Tảo Liên biến sang màu hồng.
Đến đời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông mới đổi tên chùa Đắc Quốc thành chùa An Quốc, tên gọi của ngôi chùa này tồn tại từ đó cho đến ngày nay.
“Giấc mộng Quan Âm” của vua Lý Thái Tông
Lý Thái Tông tên húy là Lý Phật Mã, còn có tên khác là Lý Đức Chính, hoàng đế thứ 2 của triều Lý. Là một vị vua rất sùng đạo Phật, trong thời gian trị vì của mình ông đã cho xây dựng nhiều đền chùa, trong đó có ngôi chùa Diên Hựu.
Huyen bi giac mong Quan Am cua ba vi vua trieu Ly-Hinh-2
Tam quan chùa Diên Hựu. (Hình minh họa – Nguồn: http://vanhien.vn).  
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết rằng chùa được xây dựng vào mùa đông, tháng 10 năm Kỷ Sửu (1049) xuất phát từ giấc mộng của vua: “Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, cho người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao làm tòa sen của Phật Quan Âm ở trên cột, giống như đã trông thấy trong mộng, cho các nhà sư đi diễu chung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu, vì thế gọi là chùa Diên Hựu”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết: “Trước đây, nhà vua chiêm bao thấy phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt ngài cùng lên. Kịp lúc tỉnh dậy, vời bầy tôi đến nói chuyện mộng ấy và cho là không lành. Bấy giờ có nhà sư khuyên vua làm chùa. Ngài nghe theo, sai lập một cái cột đá, trên đó làm tòa sen thờ phật Quan Âm, rồi họp các sư tụng kinh để cầu cho nhà vua được sống lâu, gọi là chùa Diên Hựu”.
Thời Lý, ngôi chùa này thường được các vua quan tâm tu sửa, vào mồng 1 tháng giêng hàng năm khi đi du xuân, vua sẽ đến đây mở tiệc chay làm lễ dâng hương hoa cầu xin trời Phật phù hộ cho ngôi báu được dài lâu. Còn vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua lại đến chùa làm lễ tắm Phật.
Dân gian còn truyền tụng rằng, chùa xây xong, đài sen nghìn cánh đỡ tòa Phật sắc hồng, trong đặt tượng Phật bằng vàng lấp lánh.
“Giấc mộng Quan Âm” của vua Lý Thánh Tông
Lý Thánh Tông là vị hoàng đến thứ 3 của nhà Lý, được ca ngợi là vị vua giỏi của vương triều nay, ở ngôi 18 năm ông đã để lại nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa và nông nghiệp, được sử sách đánh giá là người “khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, yên ủi người gần, đặt khoa Bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, có thể gọi là bậc vua tốt” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Thời Lý Thánh Tông, có rất nhiều công trình văn hóa, tôn giáo được xây dựng, như ngọn tháp nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, đó là tháp Báo Thiên. Công trình kiến trúc này bắt đầu được xây dựng từ tháng giêng năm Đinh Dậu (1057) gồm 12 tầng, cao vài chục trượng (khoảng 70m) toạ lạc trên một gò cao gần hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm). Phần dưới của tháp xây bằng đá, riêng một số tầng trên và chóp tháp được đúc bằng đồng. Tháp Báo Thiên có tên chữ là Đại Thắng Tư Thiên bảo tháp, được xếp vào “tứ đại khí”- 4 công trình lớn của nước Việt.
Ngoài tháp Báo Thiên, một công trình khác nổi tiếng không kém, đó là chùa Một Cột, ngôi chùa này gắn với chuyện đời tư của vua. Chuyện kể rằng mãi đến năm 40 tuổi mà Lý Thánh Tông vẫn chưa có con trai nối dõi nên ông đi cầu tự ở nhiều chùa chiền, đạo quán. Một lần vua trên đường đi qua xứ Kinh Bắc, vua tình cờ thấy có cô gái đứng tựa gốc lan, trên đầu có một đám mây ngũ sắc che phủ, thấy lạ bèn truyền đến hỏi chuyện rồi đưa vào cung phong làm phi, đặt hiệu là Ỷ Lan.
Tương truyền một đêm Lý Thánh Tông nằm mộng thấy Quan Âm bồ tát dẫn lên tòa sen rồi trao cho một cậu bé, sau đó bà Nguyên phi Ỷ Lan có mang sinh ra Thái tử Càn Đức (sau kế vị, đó là vua Lý Nhân Tông), vì thế Lý Thánh Tông mới cho dựng chùa Một Cột trên giếng nước chùa Diên Hựu.
Huyen bi giac mong Quan Am cua ba vi vua trieu Ly-Hinh-3
 Hình ảnh phục dựng kiến trúc chùa Một Cột thời Lý. (Hình minh họa – Nguồn: mytour.vn).
Sách Đại Việt sử lược viết hơi khác một chút, như sau: “Vua mộng thấy tiên ông bế một đứa bé trai trao cho, khi thức dậy vua bảo rằng: Hẳn là có điều tốt lành đây, ta sẽ có hoàng tử nối ngôi. Cùng hôm ấy, thần phi họ Lê thấy trong lòng xốn xang, thụ thai đúng 14 tháng rồi sinh…”.
Bà phi Ỷ Lan Lê Thị Khiết, sinh ra Càn Đức vào sinh giờ Hợi đêm ngày 25 tháng giêng năm Bính Ngọ (1066) tại cung Đông Tiên và ngay sớm hôm sau, vì quá đỗi vui mừng mà Lý Thánh Tông đã ban chiếu lập làm thái tử; sau này bà Ỷ Lan còn sinh thêm một hoàng tử khác được phong tước là Sùng Hiền hầu.
Theo nội dung một tấm bia dựng năm Cảnh Trị thứ 3 đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671) thì chùa Một Cột được xây dựng trên dấu tích một công trình cổ có từ thời Bắc thuộc dưới triều nhà Đường đô hộ nước ta: “Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường…, dựng một cột đá giữa hồ, trên cột xây một tòa lầu ngọc, trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng. Khí đất chung đúc anh linh, cầu gì được nấy. Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ nên càng linh thiêng. Khi Lý Thánh Tông chưa có hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng, thấy Phật Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử, vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng…”.
Như vậy chùa Một Cột có từ lâu đời, trải qua biến thiên của thời gian có nhiều thay đổi, đến nay quy mô của chùa hiện nhỏ bé hơn rất nhiều so với trước và được nhập chung vào khuôn viên của chùa Diên Hựu nên nhiều người lầm tưởng rằng ngôi chùa đặc biệt này có tên chữ là chùa Diên Hựu và theo cách gọi dân gian là chùa Một Cột. Giữa hai ngôi chùa có liên quan mật thiết với nay, và dù có những biến đổi dẫn đến hợp nhất thì chùa vẫn là một di tích nổi tiếng số một trên đất kinh kỳ Thăng Long thuở xưa và Hà Nội ngày nay.
Lê Thái Dũng