Sau thành công với loạt tác phẩm về chủ đề biển đảo: Cà Nóng chu du Trường Sa (Nhà xuất bản Kim Đồng), Trường Sa! Biển ấy là của mình (Lionbooks và Nhà xuất bản Hà Nội), nhà văn Bùi Tiểu Quyên tiếp tục ra mắt quyển Hùm Xám qua sông. Cuốn sách đã tái hiện bức tranh Tổ quốc với tình yêu quê hương được thắp lên nơi đảo thiêng.
Nhân vật chính trong Hùm Xám qua sông chính là chú khuyển Hùm Xám. Không đơn thuần kể chuyện, Hùm Xám đã mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm độc đáo.
Hành trình của chú chó nhỏ không có yếu tố giật gân; êm ả nhưng không nhàm chán; giản đơn mà vẫn giữ nhịp cuốn hút, kịch tính.
Tính ly kỳ và chất trinh thám được tác giả đặt gọn ghẽ và khéo léo trong sự hùng vĩ của thiên nhiên Nam bộ và bốn bề thương yêu, hào sảng của muôn loài. Sự giao hưởng của bức tranh thiên nhiên cùng tính nhân văn tạo nên một không gian đặc biệt, nơi mỗi chi tiết đều góp phần làm phong phú câu chuyện, cũng là những hồi thắt - mở gay cấn.
Đó là vùng đất sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến. Song hành cùng cuộc di dân dựng làng lập ấp, trồng trọt của con người, họ nhà khuyển cũng có câu chuyện dài khai hoang mở đất.
Qua câu chuyện, độc giả được đến gần hơn với cảnh sắc và con người Nam Bộ, hiểu về hệ sinh thái rừng mắm, rừng đước; mở mang vốn hiểu biết về văn hoá như lễ hội Nghinh Ông; về miếu Bà, Lăng Ông Thuỷ Tướng, nghề làm muối... và cả lịch sử hào hùng trên mảnh đất đã từng bị huỷ diệt lại hồi sinh.
Chi tiết khi Hùm Xám kể về các loài vật khác như ốc sên, loài rắn, cá sấu, qua đó để thấy rằng ai cũng có giá trị riêng, cũng đóng góp vào sự phát triển của muôn loài. Điều trăn trở là mọi người chưa lắng nghe nhau, cùng nhìn nhận và trân trọng nỗ lực của mỗi cá thể.
“Cũng vì không thể chạy chơi, ốc sên có khả năng vui đùa với hoa trong vườn. Nó biết hoa nào nở và nở lúc mấy giờ, đến khi nào thì tàn. Nó biết giờ giấc các loài ong bướm hay đến hút phấn hoa. Nó còn ngồi cả buổi chiều để nhìn ngắm những bông hoa mười giờ nở. Thằng bé vui sống với những điều giản dị, thân thuộc…", trích đoạn trong sách.
Bên cạnh đó, tác giả cũng gửi gắm bài học ý nghĩa về tình yêu thương. Sự tử tế, không toan tính thiệt hơn như chìa khóa mở cánh cửa cho Hùm Xám khám phá thế giới và mở lòng những con người xung quanh. Trong hành trình trưởng thành của Hùm Xám, lòng tử tế là nguồn động viên mạnh mẽ, là điểm gắn kết mọi công dân trên hòn đảo. Những chi tiết này tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến độc giả.
|
Tác giả Bùi Tiểu Quyên. |
Tiếp cận một cách giản dị và đáng yêu đối với đề tài tình yêu quê hương, Hùm Xám qua sông của Bùi Tiểu Quyên là một cầu nối giữa thế hệ trẻ và quá khứ, làm cho những câu chuyện về Tổ quốc trở nên gần gũi và sinh động.
Tác giả chia sẻ: “Bước vào cánh đồng văn học thiếu nhi, tôi chợt nhận ra chân trời yêu thương của mình ở đó. Nơi bờ cỏ thênh thang cùng dòng suối mát, tôi nhặt lấy những hạt mầm tinh khôi trong tim mình, gieo xuống, vun trồng, chăm tưới và dành tặng mùa cây xanh biếc cho cuộc đời…”.
“Khi bạn đọc đến dòng cuối cùng của tác phẩm, tác giả hy vọng rằng, trái tim bạn cũng sẽ cất lời như những thanh âm bất tận…”, Tiểu Quyên nói thêm.
Theo Vietnamnet