Là một trong hai Trung đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (cùng với Đại tướng Lê Trọng Tấn), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Trung tá Đặng Văn Việt – người có thành tích chỉ huy đơn vị trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton - trong mắt người Pháp lúc đó thực sự là một dấu hỏi lớn.
Được các tướng lĩnh Pháp kính nể và ngưỡng mộ
Sinh thời, ông Đặng Văn Việt từng kể về biệt danh “Hùm xám đường số 4” của mình. Đó chính là biệt danh do một tù binh đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ tên là Bigeard, sau này trở thành Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp, đặt cho ông sau những trận đánh giữa hai bên.
Hai vị chỉ huy từng đối mặt nhau trên chiến trường, nhưng năm 2008 ông Bigeard đến Hà Nội tìm gặp “Hùm xám” vì lòng ngưỡng mộ, nhờ dẫn đi thăm lại chiến trường đường số 4. Trong buổi hội ngộ với người lính già bên kia chiến tuyến, Bigeard xúc động chia sẻ: “Chúng tôi là những cựu binh Pháp đã chiến đấu tại đường số 4 hay tại một số mặt trận ở Đông Dương đều xin kính chào Ngài - người chiến thắng tại đường số 4, một người chỉ huy chiến trận không ai chê trách được, người mà chúng tôi phải kính nể”.
|
Ông Việt (đứng thứ 6 từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa cùng các tướng lĩnh Pháp. Ảnh: Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. |
Nguyên Đại tá Pháp Charles De Pirey sau này có viết thư cho ông Đặng Văn Việt kể rằng: “Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra sau này là kẻ đối địch nguy hiểm nhất của chúng tôi, kẻ đã làm cho chúng tôi thất điên bát đảo trên đường số 4 này lại là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi... Đặng Văn Việt đối với chúng tôi là một đối thủ cực kỳ mưu trí, nguy hiểm, không khoan nhượng nhưng cũng là con người biết tuân thủ những luật quốc tế về tù binh chiến tranh...”.
Được các tướng lĩnh Pháp xem như sếp
Trung tá Đặng Văn Việt từng kể, trong một lần sang thăm Thủ đô Paris (Pháp) hoa lệ vào năm 2005 theo lời mời của một người bạn, không biết làm cách nào mà những tướng lĩnh Quân đội Pháp trước đây biết được, họ tổ chức tiệc chào mừng ông có mặt ở Pháp.
|
Cụ Đặng Văn Việt được người Pháp rất kính nể. Ảnh: Kinh tế đô thị. |
Khi gặp ông, họ tay bắt mặt mừng, quý mến trân trọng như những người bạn thân. Đặc biệt trong lời nói, hành động họ coi ông như sếp của mình. Đặc biệt, Đại tướng Bigeard đã viết thư tay để gửi tới ông Việt trong những ngày ông sang thăm Pháp. Bức thư có đoạn: “Tôi được tin anh qua Pháp, vì tuổi cao sức yếu tôi không qua thăm anh được. Tôi rất ngưỡng mộ đất nước và con người Việt Nam và đã đặt trái tim trên đất nước Việt Nam. Khi nào tôi qua đời, tôi muốn con cháu mang một phần tro cốt của mình sang Điện Biên Phủ để được nằm cạnh các chiến sĩ của tôi”.
Cũng trong chuyến thăm Pháp đó, ông Việt gặp rất nhiều người con của các vị tướng, từng là kẻ thù của ông trong chiến tranh. Họ biết ông qua lời kể của cha mình. Vì thế, khi gặp ông họ rất ngưỡng mộ, tiếp đón ông như một vị tướng của nước họ. Điều đó khiến ông vô cùng xúc động.
Được du khách Pháp tới nhà hỏi thăm sức khoẻ
Lúc sinh thời, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu như tháng nào người lính già Đặng Văn Việt cũng đón tiếp các đoàn khách từ Pháp đến hỏi thăm sức khoẻ.
|
Trung tá Đặng Văn Việt vừa qua đời ở tuổi 102. Ảnh: Phạm Vân/Dân trí. |
Những vị khách này nói rằng, qua sách vở, họ biết ông là một người chiến sĩ tài ba, giành được nhiều chiến công trong chiến tranh. Họ rất muốn được gặp ông, nói chuyện, hỏi thăm tình hình sức khoẻ. Người Pháp rất thích những cuốn hồi ký của ông viết về cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam với Quân đội Pháp.
Hay tin “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt qua đời vào lúc 0h55 phút ngày 25/9/2021 tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội, nhà báo Louis Raymond, người đang dự định hoàn thành bộ phim tài liệu về “Hùm xám đường số 4”, vô cùng xúc động và nói, Việt Nam đã mất đi một người anh hùng. Gọi ông là “vị tướng không sao”, nhưng Louis Raymond nhận định, trong trái tim của những người biết Trung tá Đặng Văn Việt, ông có tất cả vinh dự trên thế giới.
Hương Khôi