Hoàng đế quyền lực và tàn bạo Chu Nguyên Chương sợ nhất điều này

Google News

Nhiều sử gia khẳng định, một người thô lỗ và ít học như Chu Nguyên Chương có thể sáng lập nên thời thịnh trị Hồng Vũ đầu nhà Minh phần lớn là nhờ trí tuệ của Mã Hoàng hậu.
 

Chu Nguyên Chương, vị Hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa nổi tiếng là vị Hoàng đế tàn bạo không chỉ với quân thần mà còn với cả các phi tần cung nữ. Không chỉ đa nghi mà ông còn có hàng ngàn cách để trừng trị những phi tần ông cho là một dạ hai lòng. Tuy nhiên, cả cuộc đời Chu Nguyên Chương lại hết mực yêu thương “người vợ chân to” của mình - Mã Hoàng hậu.
Mã Hoàng hậu và bệ đỡ thăng quan tiến chức của Chu Nguyên Chương
Mã Hoàng hậu (1332 - 1382), không rõ tên thật của bà là gì nhưng trong Đại Minh anh liệt thì tên bà Mã Ngọc Hoàn, trong khi trong dã sử địa phương gọi bà là Mã Tú Anh. Khi còn nhỏ, cha của bà Mã Tú Anh vì trượng nghĩa đã giết chết tên phú hào ác bá trong vùng nên hai cha con phải phiêu bạt tránh nạn và chết nơi đất khách quê người.
Trước khi lâm chung, ông đã gửi con gái cho người bạn tốt Quách Tử Hưng - người đứng đầu nghĩa quân chống nhà Nguyên - nuôi dưỡng. Quách Tử Hưng vốn là một người trượng nghĩa nên coi Tử Anh như con ruột, nuôi nấng dạy dỗ cô nên người. Tú Anh càng lớn càng xinh đẹp, nết na, tinh thông lịch sử, từ dung mạo tới trí thông minh khó có người con gái nào trong vùng bì kịp.
Tuy nhiên, từ nhỏ do kiên quyết không chịu bó chân theo truyền thống (bó chân để có một đôi bàn chân gót sen được coi là một trong những biểu tượng của người phụ nữ đẹp trong xã hội phong kiến thời bấy giờ), mà để chân phát triển tự nhiên nên Tú Anh có biệt danh là “nàng Mã chân to”. Do Tú Anh có thiên tướng, thông minh tài trí nên Quách Tử Hưng cân nhắc rất kỹ lưỡng trong việc chọn chồng cho cô, vì vậy cho tới năm 21 tuổi, “nàng Mã chân to” vẫn chưa được gả đi.
Về phần Chu Nguyên Chương, từ khi gia nhập nghĩa quân của Quách Tử Hưng, bằng sự mưu lược và dũng cảm, ông đã lập được nhiều chiến công nên được Quách Tử Hưng gả con gái Mã thị cho. Sau khi kết hôn với Mã Tú Anh vào năm 1352, Chu Nguyên Chương từ chức quan “Thập phu trưởng” (quản lý 10 binh sỹ) đã trở thành một Phó nguyên soái, quyền lực chỉ dưới Quách Tử Hưng.
Từ khi một kẻ ăn mày leo lên chức Phó nguyên soái, Chu Nguyên Chương bị nhiều người ghen ghét nên nhân lúc ông và Quách Tử Hưng xích mích mà dựng chuyện hãm hại ông. Quách Tử Hưng tuy trượng nghĩa nhưng đa nghi nên khi nghe tin Chu Nguyên Chương có ý làm phản đã nhốt ông vào biệt lao, không cho ăn uống gì cho đến chết.
Tú Anh thương chồng nhưng quân lệnh như sơn nên không dám tự ý đến xin cha. Sau đó, bà phát hiện ra một mật đạo có thông đến cửa sổ phòng giam nhốt Chu Nguyên Chương. Hằng ngày, Tú Anh giả bệnh để người hầu mang thức ăn vào giường rồi cất đi, đến tối mang đến cho chồng qua cửa sổ.
Tuy nhiên, Chu Nguyên Chương vốn là một tướng lĩnh sức dài vai rộng nên phần cơm nhỏ nhoi của Tú Anh vốn không đủ. Lo chồng bị đói, cô tiểu thư lá ngọc cành vàng đã đánh liều xuống bếp ăn trộm đồ ăn để mang cho Chu Nguyên Chương.
Một lần, cô bị mẹ phát hiện nên đành kể hết mọi chuyện với mẹ và Quách phu nhân sau đó nói lại với Quách Tử Hưng. Cảm động trước tấm chân tình này, chủ tướng già đã tha cho Chu Nguyên Chương. Và có thể từ lần ấy, Chu Nguyên Chương càng trân trọng người vợ hiền của mình nên ngay cả khi trở thành một vị Hoàng đế quyền lực và tàn bạo, ông vẫn một mực yêu thương, chiều chuộng và tôn trọng Mã Tú Anh.
'Người vợ chân to' và lòng quả cảm khó ai sánh kịp
Sau khi Quách Tử Hưng chết trận, Chu Nguyên Chương dần dần thống lĩnh quân đội, nắm giữ binh quyền. Trong khi đó, quân trang đều được Mã Tú Anh quản lý, sắp xếp rất khoa học. Cũng từ đó, bà luôn kề vai sát cánh bên chồng, hoạn nạn có nhau, trải qua 15 chinh chiến.
Khi Chu Nguyên Chương thống lĩnh đại quân chiến đấu với Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành quân đội nhà Nguyên, Mã Tú Anh đã vận động gia quyến của nghĩa quân giúp tướng sĩ may vá quần áo, giày dép để cung cấp cho quân đội. Trong một lần, Chu Nguyên Chương dẫn quân tiến đánh xuống Giang Ninh (nay là Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), do gặp phải thế địch mạnh, cuộc chiến bất lợi, lòng người dao động.
Hoang de quyen luc va tan bao Chu Nguyen Chuong so nhat dieu nay
 Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.

Lúc này, Mã Tú Anh đã không do dự phát khăn vàng ban thưởng cho các tướng sĩ, ổn định lòng quân và cổ vũ tinh thần tướng sĩ. Thậm chí, một số sử sách còn ghi lại rằng có một lần Chu Nguyên Chương bị thương trên sa trường, Mã Tú Anh đã không màng nguy hiểm, xông vào trận chiến, cõng Chu Nguyên Chương chạy trốn. Vì vậy, có thể nói rằng Chu Nguyên Chương thành công lên ngôi Hoàng đế, khai quốc nhà Minh có sự góp sức không hề nhỏ của vị Hoàng hậu chân to Mã Tú Anh.
Mã Hoàng hậu: Bậc mẫu nghi thiên hạ khiến người người nể phục
Sau khi đăng cơ Hoàng đế, Chu Nguyên Chương đã lập Mã Tú Anh làm Hoàng hậu, cai quản hậu cung. Mặc dù trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, sống trong lụa là gấm vóc nhưng Mã Hoàng hậu vẫn luôn giữ phẩm hạnh nhân từ, lương thiện và lối sống giản dị.
Bà ra sức ủng hộ tiết kiệm chi tiêu, ăn uống đạm bạc và kiến nghị không xây dựng các công trình xa hoa lãng phí. Không chỉ vậy, bà còn làm gương trong việc dệt vải may áo quần trong cung, sau đó ban thưởng cho các vương phi và các công chúa. Mã Hoàng hậu muốn những người sống trong hậu cung phải biết yêu quý và trân trọng đồ vật, phải thấu hiểu được sự gian khổ của người trồng dâu nuôi tằm kéo tơ.
Đối với chồng, bà hết mực yêu thương, luôn bên cạnh can gián. Trong cuộc bạo chính của Chu Nguyên Chương khi mới lên ngôi, Mã Hoàng hậu ra sức khuyên nhủ vị bạo quân tàn độc này, cứu mạng rất nhiều trung thần. Bên cạnh đó, Mã Hoàng hậu còn chủ trương không cho Chu Nguyên Chương trọng dụng họ Mã của bà, tránh họa ngoại thích cho triều đình.
Mặc dù là Hoàng hậu của một nước nhưng bà vẫn tự tay chăm lo từng bữa cơm cho Chu Nguyên Chương. Bà cũng chăm lo con cái, khuyên nhủ chúng học tập chăm chỉ và lối sống giản dị. Đối với con nuôi, Mã Hoàng hậu cũng yêu thương, chăm sóc như con đẻ.
Hơn nữa, bà còn là một Hoàng hậu vô cùng yêu dân, luôn dựa vào quy tắc “khoan với người, nghiêm với mình” để làm mọi việc. Do sở hữu đôi bàn chân to nên trong dân gian vẫn luôn gọi Mã Hoàng hậu mà bà hậu chân to, như một cách mỉa mai nguồn gốc xuất thân nghèo khó của bà.
Sử sách ghi chép rằng, một lần Chu Nguyên Chương đi chơi lễ hội hoa đăng trong Tết Nguyên tiêu thì ngẫu nhiên nhìn thấy một bức tranh đoán chữ rất bí hiểm. Bức tranh vẽ một người phụ nữ với đôi chân tự nhiên rất to và đang ôm một quả dưa hấu, mắt cười tít có vẻ như rất thỏa mãn.
Suy nghĩ mãi không biết bức tranh này đoán chữ gì, Chu Nguyên Chương bèn quay sang hỏi quan thần bên cạnh. Tuy nhiên, vị quan này dù biết bức tranh nói đến chữ gì nhưng không dám nói thẳng với vua, bèn nói Chu Nguyên Chương về hỏi Hoàng hậu.
Khi nghe Chu Nguyên Chương kể chuyện, Mã Hoàng hậu cười nói rằng bức tranh đó ám chỉ về bà. Nghe thấy thế, Chu Nguyên Chương nổi giận đùng đùng, truyền lệnh bắt giam kẻ làm ra câu đố đó. Thấy vậy, Mã Hoàng hậu vội ngăn cản: “Hôm nay là ngày tốt lành, không nên động chuyện sát sinh. Huống hồ tiện thiếp quả thực xuất thân bần hàn, chân to, họ nói có gì sai đâu?”. Chu Nguyên Chương lúc này mới nguôi giận mà bỏ qua, không truy cứu việc đó nữa.
Dù được Chu Nguyên Chương yêu thương hết mực nhưng nhiều sử sách chứng minh rằng Mã hậu không thể sinh nở được. Do đó, Chu Nguyên Chương đã lấy con của những phi tần khác trong hậu cung để cho Mã hậu nuôi dưỡng làm con của mình gồm 5 hoàng tử và 2 công chúa. Năm 1382, Mã Hoàng hậu mất vì bệnh, được đặt thụy hiệu là Hiếu Từ hoàng hậu, sau này được dâng thêm thành Hiếu Từ Trinh Hóa Triết Thuận Nhân Huy Thành Thiên Dục Thánh Chí Đức Cao hoàng hậu.
Sau khi bà mất, Chu Nguyên Chương không lập thêm hoàng hậu nào nữa để tỏ lòng kính trọng và nhớ thương. Sách “Minh sử” cũng tán dương Mã hoàng hậu, gọi bà là “Mẫu nghi thiên hạ, từ đức nổi tiếng”.
Theo Phương An (Saostar)