Quang vinh thì không nói, nhưng lụn bại thì nhắc mãi. Đó chính là lý do vì sao hậu thế lại vừa giận vừa thương đối với hai vị Hoàng đế cuối cùng nhà Thanh, Quang Tự và Phổ Nghi.
Thế nhưng ít ai biết rằng giữa hai Hoàng đế này còn có một Hoàng đế khác, chỉ là không được sử sách ghi lại mà thôi.
Sau khi Đồng Trị đế (con trai của Từ Hi Thái hậu và Hàm Phong đế) đột ngột qua đời vì bệnh tật ở tuổi 19, để tiếp tục ngồi sau rèm chính, chi phối quyền lực triều đình, Từ Hi không còn cách nào khác ngoài việc tìm một người thừa kế ngai vàng phù hợp. Thế là bà đã để mắt đến cháu trai Tải Điềm - con trai của Thuần Hiền Thân vương Ái Tân Giác La Dịch Hoàn, em cùng cha khác mẹ với Hàm Phong đế, và thân mẫu là Diệp Hách Na Lạp Uyển Trinh, em gái của Từ Hi Thái hậu.
Dưới sự thao túng âm thầm của Từ Hi, Tải Điềm đã trở thành Hoàng đế nhà Thanh khi chỉ mới 4 tuổi, lấy niên hiệu là Quang Tự.
Quang Tự lớn lên, mặc dù đã là Hoàng đế, nhưng nói trắng ra, ông chỉ là một con rối, mọi việc chính sự đều do Từ Hi Thái hậu quyết định, nhiều nhất ông cũng chỉ có thể xử lý một số việc nhỏ nhặt, mỗi ngày thượng triều chỉ là hình thức, vì ông biết nếu làm sai, sẽ bị Từ Hi phế truất, thậm chí có thể bị giết. Tuy nhiên, ông cũng nhận ra nguy cơ mà nhà Thanh đang phải đối mặt, và không muốn điều này xảy ra. Vì thế Quang Tự đã tự ý ủng hộ một loạt cải cách, đi ngược lại mong muốn của Từ Hi, thậm chí còn đe dọa đến quyền lực của Thái hậu.
Sau phong trào cải cách này, Hoàng đế Quang Tự bị giam ở Doanh Đài. Đất nước một ngày không thể có vua. Từ Hi tiếp tục tìm kiếm con rối mới, lần này chính là Phổ Tuấn, con trai thứ của Đoan Thân vương Tải Y thuộc tông thất nhà Thanh, mẹ là cháu ruột của Từ Hi Thái hậu. Tính theo vai vế, Từ Hi chính là bà của Phổ Tuấn.
Phổ Tuấn cũng tạm thời lên ngôi Hoàng đế, nhưng chỉ trị vì có ba ngày, chưa chính thức kế vị ngai vàng nên đời sau cũng không ghi chép nhiều về sự kiện này.
Việc Phổ Tuấn bị "hạ bệ" sau 3 ngày làm Hoàng đế có liên quan trực tiếp đến môi trường chính trị trong và ngoài nước lúc bấy giờ. Trước hết, Quang Tự lúc đó vẫn chưa hoàn toàn bị phế truất, nhưng Từ Hi đã yêu cầu cậu bé Phổ Tuấn đến điện Phụng Tiên hành lễ. Cung điện này là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà Thanh, hành động của Từ Hi chắc chắn đã thông báo cho mọi người rằng bà sẽ lập một Hoàng đế mới.
Bá quan trong triều làm sao có thể không phản đối sự thay đổi đột ngột này? Dù sao, Hoàng đế Quang Tự trong thời gian trị vì là người tận tâm, dù không có thành tựu to lớn, ông vẫn có thể tạm thời duy trì sự thống trị của nhà Thanh. Dưới áp lực của nhiều bên, Phổ Tuấn chưa được tận hưởng thế nào là Hoàng đế thì đã "từ chức" khỏi ngai vàng.
Hoàng đế Quang Tự bị giam 10 năm ở Doanh Đài, trong một căn phòng bẩn thỉu, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã cho đến khi chết (1908). Sau đó 1 ngày, Từ Hi cũng qua đời trong đột ngột.
Phổ Nghi được Từ Hi Thái hậu chọn lên ngôi khi bà đang hấp hối. Sau khi được chỉ định làm Hoàng đế kế vị, Phổ Nghi đã lên ngôi lúc mới 2 tuổi (nếu tính tuổi mụ thì là 3 tuổi), chính thức nhậm Hoàng vị vào tháng 11 (âm lịch) năm Quang Tự thứ 34 (1908), sau khi người bác Quang Tự băng hà ngày 14/11, ngay hôm sau (15/11), sau khi vừa được triều đình Phổ Nghi dâng tôn tước hiệu Thái hoàng thái hậu, thì Từ Hi Thái hậu cũng qua đời vào buổi trưa. Câu chuyện làm Hoàng đế sau đó của Phổ Nghi thì có lẽ hậu thế cũng đều biết.
Theo PV/Phụ nữ số