1. Hủy hoại nhà Hán
Hán Linh Đế tên thật là Lưu Hoằng, 12 tuổi đã lên ngôi (năm 168), trở thành vị hoàng đế nhỏ tuổi bậc nhất trong khoảng 400 năm cai trị của nhà Hán. Vì hoàng đế còn ít tuổi, 2 đại thần là Đậu Vũ (đứng đầu quan võ) và Trần Phồn (đứng đầu quan văn) được trọng dụng để cùng giúp việc nước, Hán sử chép.
Đậu Vũ và Trần Phồn đều là trung thần, muốn diệt từ phe cánh hoạn quan lũng đoạn triều đình, khôi phục hưng thịnh của nhà Hán. Không may kế hoạch khởi binh bại lộ, Trần Phồn, Đậu Vũ bị đám hoạn quan do Vương Phủ cầm đầu sát hại.
Hán Linh Đế tuổi nhỏ ham chơi, chỉ tin dùng hoạn quan, để hoạn quan hết nắm hết quyền hành. Sau khi Vương Phủ chết, 10 thế lực hoạn quan lớn xuất hiện, đứng đầu là Trương Nhượng. Dân gian gọi nhóm này là “Thập thường thị” (Thường thị là một chức quan thời nhà Hán, chuyên hầu hạ, nhận lệnh từ hoàng đế).
Hán sử chép, Hán Linh Đế kính trọng hoạn quan Trương Nhượng, coi Trương Nhượng như cha.
Năm 178, Linh Đế nghe lời hoạn quan, cho áp dụng chính sách buôn quan bán tước công khai. Theo đó, chức Tam công (bao gồm Thái úy, Tư đồ và Tư không) được rao bán với giá 10 triệu quan tiền. Các chức quan nhỏ hơn cũng có giá tới vài triệu quan tiền.
Nhận thấy nhiều người có nhu cầu mua chức tước, Linh Đế lại ra lệnh cho đấu giá chức quan. Ai trả giá cao hơn sẽ được nhậm chức. Tào Tung – cha Tào Tháo – đã bỏ tiền mua được chức Thái úy trong dịp này.
Theo Sohu, hiện tượng mua quan bán tước thường xảy ra khi một triều đại phong kiến bước vào thời kỳ suy vong. Nhưng đa phần, các vụ mua bán chức quyền chỉ diễn ra trong bí mật. Hán Linh Đế là hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc cho bán chức tước công khai để lấy tiền tiêu xài.
Hán sử chép, những kẻ dùng tiền mua chức quan, muốn nhanh thu lại vốn nên ra sức nhũng nhiễu dân lành. Triều đình cũng áp sưu cao thuế nặng để đám “Thập thường thị” tha hồ vơ vét. Đời sống người dân vô cùng cực khổ, các cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra, nghiêm trọng nhất là Khởi nghĩa Khăn vàng do Trương Giác lãnh đạo (năm 184).
Quân đội nhà Hán bất lực, Hán Linh Đế ra chiếu kêu gọi các địa phương tự chiêu mộ binh lính, đem quân dẹp loạn. Đây chính là mầm mống cho các thế lực cát cứ, gây ra xung đột liên miên thời Tam quốc.
Sau khi Khởi nghĩa Khăn vàng bị dập tắt, Hán Linh Đế lại tiếp tục trọng dụng hoạn quan như trước. Ông cho Trương Nhượng nắm hết chuyện triều chính. Một hoạn quan khác là Kiển Thạc được phong làm Thượng quân Giáo úy, cầm quyền chỉ huy tất cả quân đội.
Năm 189, Đổng Trác (tướng nhà Hán) dẫn quân vào kinh thành Lạc Dương đã cho xử tử hàng loạt hoạn quan, minh oan cho 2 viên quan trung thành là Đậu Vũ và Trần Phồn.
2. Ăn chơi không ai bằng
Năm 186, Hán Linh Đế ra lệnh xây hơn 1.000 căn phòng ở Lạc Dương. Ông ta cho đào hào dẫn nước đến từng phòng và trồng hoa sen khắp nơi để tạo ra chốn “bồng lai tiên cảnh”. Các quan lại địa phương phải cống nạp gỗ, đá suốt mấy năm không ngừng nghỉ, theo Hán sử.
Hán Linh Đế có có sở thích ngắm nhìn mỹ nữ khỏa thân, chèo thuyền và múa hát trên những kênh nước trong cung điện. Mỗi khi nổi hứng, ông ta cởi bỏ long bào, nhảy xuống nước vui đùa cùng đám mỹ nữ. Cung điện mới xây dựng vì thế có tên là “Khỏa du quán” (sau này bị Đổng Trác đốt trụi).
Hán Linh Đế cũng từng hạ lệnh cho tất cả phi tần và cung nữ trong cung phải mặc quần thủng đáy để thuận tiện cho việc “sủng hạnh”.
Vì quá buông thả, Hán Linh Đế không còn phân biệt được ngày và đêm. Ở phía Bắc cung điện nghìn gian, ông ta cho xây dựng Kê Minh Đường (phòng gà gáy). Mỗi khi hàng trăm con gà cùng cất tiếng gáy, Hán Linh Đế biết mặt trời đã mọc.
Để mua vua cho hoàng đế, các thái giám, hoạn quan trong cung cũng đua nhau học tiếng gà gáy. Tiếng gà gáy thật giả hỗn loạn khiến Hán Linh Đế tiếp tục mơ màng, chìm sâu vào chuỗi ngày tửu sắc.
Hán Linh Đế từng đích thân tuyển chọn mỹ nữ vào cung. Các quan viên trong triều ai có con gái (kể cả đã có chồng) cũng phải ghi danh ứng tuyển. Có đến 5.000 cô gái được Linh Đế “nhắm trúng”. Ông vua này không chỉ “sủng hạnh” phi tần mà còn “mây mưa” tùy tiện với các cung nữ.
3. Phong dê làm quan, mở chợ trong cung
Vì hậu cung có quá nhiều mỹ nhân, Hán Linh Đế không nhớ nổi tên và cũng không biết chọn ai để “sủng hạnh”. Ông ta bèn nghĩ ra một kế khá hài hước là phong dê thành “Dương quan”.
Mỗi tối, Hán Linh Đế sẽ ngồi xe dê đến hậu cung. Xe dê dừng ở cung nào, Linh Đế sẽ qua đêm ở cung đó. Dê vì thế trở thành vật cưng của các cung nữ và phi tần. Họ nghĩ ra đủ chiêu trò để hấp dẫn những con dê chứ không phải hoàng thượng, theo Sina.
Biết dê thích ăn muối (dê rất cần chất khoáng), một số phi tần đã rải muối trước cửa cung để thu hút “Dương quan”. Chiêu trò này chẳng mấy chốc lan rộng khắp hậu cung. Vì ăn quá nhiều muối, hàng chục “Dương quan” đã chết.
Thấy Hán Linh Đế cưỡi xe dê hưởng lạc, quý tộc và những người giàu có trong thành Lạc Dương cũng bắt chước ngồi xe dê kéo. Giá dê ở kinh thành vì vậy tăng “chóng mặt”, theo Sina.
Hán Linh Đế rất thích kinh doanh. Ngoài buôn quan bán tước, ông ta còn mở chợ trong cung, cho đem bày các vật phẩm trong cung đình ra bán.
Đám hoạn quan, thái giám và các phi tần, cung nữ được lệnh giả làm thương nhân – người mua. Họ mặc sức hò hét, mặc cả, ngã giá như ngoài chợ thật. Bản thân Hán Linh Đế thường giả làm thương nhân, uống rượu say hoặc cãi vã, thậm chí đánh cả “khách hàng”.
Trong thời gian Hán Linh Đế mở chợ, hàng trăm món bảo vật của nhà Hán đã bị đánh cắp. Vua Hán chẳng biết đấy là đâu.
Tiếc nuối những ngày tháng chơi bời sẽ chóng tàn, Hán Linh Đế từng than: “Giá một ngàn năm nữa vẫn vậy, thì quả thực là chốn thần tiên”.
Năm 189, Hán Linh Đế qua đời, chỉ thọ được 34 tuổi. Lưu Biện – con trai Hán Linh Đế – kế vị được vài tháng rồi bị Đổng Trác phế truất. Các sứ quân nổi dậy đánh Đổng Trác, tranh giành đất đai. Nhà Hán lụi tàn từ đây.
Theo Vương Nam/Người Đưa Tin